Wang Yun'an (38 tuổi), nhà sáng lập Guming Holdings - sở hữu thương hiệu trà sữa Good me tại Hàng Châu vừa trở thành tỷ phú sau khi chuỗi cửa hàng này niêm yết thành công tại Hong Kong (Trung Quốc). Forbes ước tính tài sản của Wang là 1,2 tỷ USD, chủ yếu nhờ cổ phần trong Guming.
Guming đã huy động được 1,8 tỷ đôla Hong Kong (233 triệu USD) từ IPO. Họ bán ra 182,4 triệu cổ phiếu với giá 9,94 HKD một đơn vị. Đây là mức cao nhất trong khoảng giá chào bán dự kiến của hãng.
Cũng như các đối thủ đồng hương, Guming sử dụng chính sách nhượng quyền thương hiệu để mở rộng mạng lưới, bán nguyên liệu và tính phí đào tạo với các cửa hàng nhượng quyền. Hiện tại, Guming có gần 10.000 cơ sở trên khắp Trung Quốc dưới thương hiệu trà sữa Good me.
Theo Nikkei, các công ty F&B Trung Quốc đang thiết lập chuỗi cung ứng địa phương và nhập khẩu các thành phần chính từ Trung Quốc để duy trì chất lượng, chẳng hạn như nước dùng, gia vị Trung Hoa. Cách tiếp cận này giúp duy trì hương vị cốt lõi món ăn, đồng thời đảm bảo độ tươi ngon, giảm thiểu thách thức về hậu cần.
“Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp F&B nhỏ thực sự rất khốc liệt, từ đó đặt ra yêu cầu cao về hiệu quả hoạt động, chi phí và đổi mới”, Li Weisen, phó tổng giám đốc Yang's cho biết. Hiện trụ sở chính tại Châu Á - Thái Bình Dương của công ty này coi việc nâng cấp thương hiệu trong nước và mở rộng ra thị trường nước ngoài là trọng tâm chiến lược.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học công nghệ Chiết Giang với tấm bằng kỹ sư, Wang mở cửa hàng trà sữa đầu tiên tại quê nhà ở Chiết Giang. Truyền thông địa phương cho biết ban đầu, cửa hàng của anh ế ẩm đến mức cả ngày chỉ bán được khoảng 100 nhân dân tệ (14 USD), tức 5-10 ly trà sữa, mỗi ly có giá 10-20 nhân dân tệ (1,4-2,8 USD). 10 tệ rơi vào khoảng 35 nghìn đồng.
Tuy nhiên, nhờ vững vàng tồn tại được trong môi trường cạnh tranh cực kỳ khắc nghiệt, Good me trở thành chuỗi trà sữa lớn thứ hai Trung Quốc về doanh số và lượng cửa hàng, tính đến hết năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty này đạt 6,4 tỷ nhân dân tệ, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi lợi nhuận đạt 1,1 tỷ nhân dân tệ, tăng 11,8%. Hiện tại, Good me có thị phần 9,1% tại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, chỉ sau Mixue (20%).
Vài năm qua, nhu cầu với thứ thức uống thơm ngon khiến Trung Quốc sản sinh nhiều tỷ phú trà sữa. Năm 2018, quy mô thị trường này là 9,6 tỷ USD, để rồi nhanh chóng tăng lên 71 tỷ USD trong 3 năm sau đó.
Wang niêm yết công ty trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng chần chừ rót tiền vào ngành do cạnh tranh quá cao. Guming và các đối thủ hiện vẫn tìm cách huy động vốn để mở rộng kinh doanh để giành giật miếng bánh thị phần.
"Tôi đã quá quen với cuộc chiến giá khi năm nào thị trường cũng có thương hiệu mới xuất hiện", Wang nói.
Tương tự, Mixue Group mới đây cũng mở lại kế hoạch IPO. Hai anh em sáng lập Mixue - Zhang Hongchao và Zhang Hongfu hiện sở hữu tài sản khoảng 1,5 tỷ USD.
Dù cạnh tranh khốc liệt, Wang và các ngân hàng bảo lãnh phát hành cho IPO của Guming tin tưởng chuỗi này sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư nhờ chiến lược độc đáo, tập trung chủ yếu vào các thành phố nhỏ và thị trấn không quá phổ biến các thương hiệu trà sữa lớn. Hiện tại, Chiết Giang là nơi Guming có thị phần tốt nhất, chiếm hơn 20% số cửa hàng.
"Chúng tôi vẫn ưu tiên các thành phố nhỏ, thị trấn, vùng nông thôn. Chúng tôi không vội đến các thành phố lớn vì ở đó có rất nhiều cửa hàng trà sữa rồi", George Meng - Giám đốc Tài chính của Guming nói.
Không chỉ xâm chiếm đại lục, một làn sóng các chuỗi thực phẩm và đồ uống cũng đang chảy ra khỏi thị trường Trung Quốc, từ lẩu Tứ Xuyên, cơm gà hầm, canh cá ngâm chua đến trà sữa, trong bối cảnh loạt công ty F&B nhăm nhe mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, thậm chí là Bắc Mỹ và Châu Âu trong vài năm qua. Nguyên nhân một phần đến từ sự bão hoà trong thị trường nội địa. Theo Huafu Securities, gần 3,19 triệu doanh nghiệp F&B mới đã đăng ký kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2023, tăng 24,2% so với một năm trước đó.
“Trong 3 năm qua, hoạt động tuyển dụng và trả lương tại khu vực nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã tăng hơn 200% mỗi năm”, Lin Tan, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của PayInOne, công ty bán dịch vụ cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại nước ngoài, cho biết.
Trong bối cảnh đó, các thương hiệu trà sữa như Good me chắc chắn sẽ phải tính cách phình to hệ sinh thái bằng cách hiện diện nhiều hơn, song song với nhiều chính sách ưu đãi kích cầu người dùng. Nhượng quyền thương mại, quản lý chuỗi cung ứng…cũng là hai trong số các cách giúp các thương hiệu ‘cây nhà lá vườn’ có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Theo: Forbes, Nikkei Asia