Quá tuyệt vọng vì bị thần tình yêu bỏ rơi, nhiều chàng trai ở Ấn Độ sa đà vào những "cuộc gọi Romeo" để tìm kiếm một nửa của mình.
"Romeo điện thoại"
Họ kiên trì gọi điện ngẫu nhiên hết số này tới số khác, từ ngày này sang ngày khác cho tới khi nghe thấy giọng phụ nữ rồi phô diễn tài "gạ tình". Nếu bị từ chối, họ tiếp tục gọi điện thoại cho tới khi đạt được mục đích... thoát ế.
Cách tìm tình yêu đầy may rủi ở quốc gia có giá cước điện thoại rẻ nhất thế giới này có vẻ mới lạ, theo lời của chuyên gia Trường Kinh tế London Julia Qermezi Huang, song cũng gây không ít phiền toái. Một tổng đài cảnh sát ở TP Lucknow, miền Bắc Ấn Độ, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 700 cuộc gọi, phần lớn từ những phụ nữ than phiền bị trai lạ liên tục quấy phá.
Theo cảnh sát địa phương, một trong những nạn nhân đáng chú ý của "Romeo điện thoại" là Geetika Chakravarty. Cô gái 24 tuổi này là con gái một nhà ngoại giao mới về nước sau nhiều năm ở nước ngoài. Số điện thoại của Chakravarty - được đăng tải lên trang Facebook salon làm đẹp của cô - bị "tấn công" không ngớt từ những người đàn ông không quen khiến cô phải chặn hơn 200 cuộc gọi.
Geetika chia sẻ: "Tôi không biết họ nghĩ gì trong đầu nữa. Đôi khi gọi tới, họ nói "Anh yêu em", có lúc lại nói: "Tôi muốn nói chuyện với Sonia". Tôi trả lời: "Tôi không phải Sonia", họ liền đáp: "Vậy anh nói chuyện với em được chứ?".
Bám dai nhất là một gã gọi tới 3-4 cuộc mỗi ngày và đòi gặp Chakravarty. Bị chặn cuộc gọi, gã đổi số khác. Khi cảnh sát lần tìm dấu vết từ các số điện thoại, cuối cùng chúng dẫn tới một người đàn ông tên Premsagar Tiwari, trong tiếng Hindi có nghĩa là "Biển Tình". Kiểm tra các cuộc gọi của Tiwari, cảnh sát phát hiện gã xài tới 8 sim điện thoại, một số đăng ký bằng tên giả, để liên lạc với hơn 500 phụ nữ. Ước tính mỗi ngày, gã "nấu cháo" điện thoại 2-3 giờ. Trình diện tại sở cảnh sát, Tiwari giải thích gã chỉ cố gắng tìm bạn tâm giao. Sở dĩ gã chọn cách "tống tình" qua điện thoại là vì hay nghe chuyện về những đôi trẻ gặp nhau qua mạng xã hội rồi kết hôn.
Tổng đài cảnh sát ở Lucknow, bang Uttar Pradesh - Ấn Độ nhận được khoảng 700 cuộc gọi/ngày để than phiền về "Romeo điện thoại". Ảnh: THE NEW YORK TIMES.
Cạm bẫy mỹ nhân kế
Theo báo The Hindustan Times, nắm bắt nhu cầu của các "Romeo điện thoại" khát tình, một băng nhóm ở bang Uttar Pradesh thậm chí rao bán số điện thoại của phụ nữ với mức giá khác nhau tùy vào nhan sắc. Số điện thoại của phụ nữ đẹp có giá 500 rupee (7,5 USD), trong khi của những cô gái bình thường chỉ bằng 1/10, tức 50 rupee.
Hiện chưa rõ bao nhiêu "Romeo điện thoại" đến được bến bờ hạnh phúc nên chưa thể đánh giá mức độ thành công của phương thức tìm vợ không khác gì xổ số này. Theo The New York Times, nạn "Romeo điện thoại" đang lan tràn sang nhiều quốc gia bùng nổ trai ế giữa thời công nghệ mới giá rẻ giống Ấn Độ như Morocco, Papua New Guinea, Bangladesh.
Trong khi đó, tại Trung Quốc đang rộ lên nạn lừa tình qua mạng xã hội bằng "mỹ nhân kế". Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 20-3 đưa tin cảnh sát Trung Quốc vừa triệt phá 3 đường dây như vậy ở TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang và bắt giữ 149 nghi phạm. Các đối tượng trong những đường dây này tạo ra hàng ngàn tài khoản ảo, dùng hình ảnh bắt mắt của các cô gái trẻ đẹp để dụ dỗ "con mồi" - thường là nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 50, có điều kiện tài chính khá giả.
Các nghi phạm cho biết mỗi nhân viên trong "công ty" có 8 tài khoản trực tuyến khác nhau. Những công ty lừa đảo này tuyển dụng cả nam lẫn nữ và những nhân viên nữ sẽ gửi tin nhắn thoại tới mục tiêu để tạo sự tin tưởng. Chúng còn chuẩn bị sẵn kho hình ảnh cùng video phòng trường hợp bị yêu cầu cho xem mặt. Theo lời một nghi phạm, một khi đã "cắn câu", việc những người đàn ông nói trên gửi vào tài khoản của công ty lừa đảo hàng ngàn nhân dân tệ chỉ là chuyện nhỏ. Tên này cho biết công ty hắn có thể kiếm được gần 1 triệu nhân dân tệ (144.773 USD) mỗi tuần.