"Hẹn hò kiểu Trung Quốc" là một chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò dưới sự can thiệp của các bậc phụ huynh.
Ngay số đầu tiên được phát sóng, cách nhìn nhận về tình yêu - hôn nhân của các vị khách mời trong chương trình đã tạo ra nhiều tình huống oái oăm: Từ bà mẹ cố chấp không đồng ý cho con trai lấy người phụ nữ "tay lạnh nên tử cung cũng lạnh", cho tới người bác cực lực phản đối những cô gái "xinh đẹp không mài ra mà ăn được, bắt buộc phải lấy người biết làm việc nhà"... đều khiến cho dư luận ở quốc gia đông dân nhất thế giới phải dậy sóng.
Ngay số đầu tiên phát sóng, chương trình "Hẹn hò kiểu Trung Quốc" đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận.
6 chàng trai và phụ huynh của họ sẽ cùng "đi xem mặt" các nữ khách mời của chương trình. Trong quá trình tìm hiểu, các cô gái sẽ gặp bố mẹ của những chàng trai trước tiên, họ cùng xuất hiện trên sân khấu, còn những chàng trai thì ngồi sau cánh gà. Và cho đến tận khi lựa chọn đối tượng xong xuôi, họ cũng không có cơ hội nhìn mặt chàng trai ấy dù chỉ một lần.
Nhiều người vô cùng bức xúc khi chứng kiến sự nhu nhược của các chàng trai răm rắp nghe lời bố mẹ mà không dám đưa ra ý kiến của bản thân. Họ cho rằng hẹn hò kiểu này chẳng khác nào những cuộc hôn nhân "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" như thời phong kiến xa xưa.
Chương trình được đẩy lên cao trào khi một người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện và nhận được sự quan tâm cũng như tranh giành của các chàng trai. Nhưng tới khi cô ấy tiết lộ bản thân đã 40 tuổi và là một bà mẹ đơn thân, các nam khách mời bắt đầu tự động rút lui dần.
Đúng lúc này, một chàng trai 23 tuổi đã quyết định bước lên sân khấu để thử tiến tới với người phụ nữ hơn tuổi. Tuy nhiên, anh chàng lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ bà mẹ - người dùng những lời lẽ không mấy lịch sự để nói chuyện với người phụ nữ đã hớp hồn con trai mình.
Cho đến cuối chương trình, chỉ có duy nhất một cặp thành đôi khi chàng sinh ra trong gia đình có truyền thống Ngoại giao và là sinh viên xuất sắc của trường Đại học Thanh Hoa (trường Đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc); còn nàng là Thạc sĩ trẻ từng du học nước ngoài về, hiện đang tự kinh doanh lập nghiệp.
Sau khi xem hết chương trình, nhiều người cho rằng đây chính là đại diện cho kiểu tình yêu "môn đăng hộ đối" mà các bậc phụ huynh luôn hướng tới. Một số người khác lại quả quyết tất cả những tình huống oái oăm trong chương trình chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất nhằm thu hút khán giả xem đài.
Đáp lại những nghi vấn của cộng đồng, tổ sản xuất chương trình đã lên tiếng khẳng định họ ghi hình hoàn toàn tự nhiên, không có kịch bản, cũng như không có bất cứ sự "vẽ đường dẫn lối" cụ thể nào từ phía đạo diễn. Ngoài ra, trong giấy cam kết dành cho các khách mời, họ đã ghi rất rõ ràng rằng khách mời sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như cố tình giả mạo trên sân khấu.
Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng không phủ nhận sự thật là có những người chỉ muốn xuất hiện trong chương trình nhằm gây sự chú ý nên đã mời bố mẹ giả mạo đến tham gia. Nhưng những đối tượng này đã nhanh chóng bị bại lộ khi bị điều tra nhân thân.
Người đại diện tổ sản xuất tỏ ra hết sức quả quyết: "Trong vấn đề hôn sự của con cái, không có bất kỳ ông bố bà mẹ nào chịu phối hợp với bạn để diễn hết cả một quyển kịch bản đâu."
Bên cạnh những lời chỉ trích gay gắt, chương trình cũng nhận được một số phản hồi trái chiều từ khán giả. Một số người cho rằng quan điểm về tình yêu - hôn nhân của các bậc phụ huynh đã được thể hiện rất rõ ràng qua những hành động và lời nói của họ trên truyền hình. Nếu như không có sự can thiệp của nhà đài, thì đây quả thực là một sự thật quá phũ phàng đằng sau những buổi xem mặt "kiểu Trung Quốc". Một số người khác thì vẫn một mực khẳng định không nên tin tưởng hay đánh giá bất kỳ điều gì xuất hiện trên truyền hình...
Vậy "Hẹn hò kiểu Trung Quốc" chỉ là một chương trình truyền hình câu khách, hay chính là hiện thực tàn khốc về những cuộc hôn nhân sắp đặt vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống hiện đại của chúng ta?