Hết "Goblin" mà nhớ "chú Yêu Tinh" Gong Yoo quá? Xem ngay phim này!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 26/01/2017

Trước khi gây sốt với "Goblin" hay "Train to Busan", Gong Yoo đã cùng với Jeon Do Yeon viết nên một câu chuyện tình nặng trĩu những suy tư và mặc cảm với "A Man and a Woman" - phim điện ảnh nhiều cảnh nóng nhất của Gong Yoo.

Công chiếu vào cuối năm 2015, A Man and a Woman (tạm dịch: Một người đàn ông và một người phụ nữ) của đạo diễn Lee Yoon Ki đã giới thiệu đến công chúng một câu chuyện tình bị cấm đoán của những kẻ trung niên. Đây là một tác phẩm đầy ắp những cảnh ân ái giữa mĩ nam Gong Yoo và "hoa hồng đen xứ Hàn" Jeon Do Yeon (khi đó đã 42 tuổi). 

Hết Goblin mà nhớ chú Yêu Tinh Gong Yoo quá? Xem ngay phim này! - Ảnh 1.

Vào một ngày đông lạnh giá ở Helsinki, Phần Lan. Sang Min (Jeon Do Yeon) và Ki Hong (Gong yoo), hai kẻ xa lạ vừa đưa con đến nơi đưa đón của một chuyến cắm trại, vô tình gặp nhau. Sang Min xin Ki Hong một mồi lửa. Và rồi những hơi ấm bắt đầu len lỏi trong tâm hồn của một người đàn ông và một người phụ nữ nơi xứ người. 

Hai người quyết định đưa nhau đến thăm nơi cắm trại của bọn trẻ. Trên đường trở về, một trận bão tuyết đã giữ chân họ ở một nhà nghỉ. Sáng hôm sau, cả hai đi loanh quanh trong rừng và phát hiện một nhà tắm hơi không có người trông. Cuộc vui xác thịt đầu tiên diễn ra trong sự ngập ngừng rồi bất chấp của cả hai, để rồi lại trở thành hai kẻ xa lạ không biết tên nhau vào hôm sau đó. 

Vài tháng sau, Sang Min tình cờ nhìn thấy Ki Hong đi ngang qua cửa tiệm của mình tại Hàn Quốc. Hai kẻ đã có gia đình bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy của cảm xúc và lí trí. 

Hết Goblin mà nhớ chú Yêu Tinh Gong Yoo quá? Xem ngay phim này! - Ảnh 2.

A Man and a Woman là một bộ phim tình cảm tâm lý khá nặng khi chỉ tập trung vào những cảm xúc và tranh đấu nội tâm của nhân vật. Kịch bản phim không có nhiều những sự kiện hay biến cố để tạo kịch tính, nhưng vẫn vô cùng hấp dẫn. Bằng diễn xuất chín mùi của Jeon Do Yeon và Gong Yoo, từng thớ cảm xúc của nhân vật được bóc tách dần. Những dằn vặt lí trí, những sự thỏa hiệp cảm xúc, những mặc cảm tội lỗi, mọi thứ đều được thể hiện trọn vẹn qua hai nhân vật chính. Đúng như tên gọi của phim, chỉ cần một người đàn ông và một người phụ nữ, khán giả vẫn dễ dàng bị cuốn vào thế giới của tình yêu và nhục cảm.

Đạo diễn Le Yoon Ki rất biết cách dẫn dắt cảm xúc của người xem, không chỉ bằng những diễn biến tâm lý mà còn bằng chính những cảnh giao hoan của hai nhân vật. Trong bối cảnh lạnh lẽo đông cứng cả mặt hồ ở Phần Lan, hai kẻ có vấn đề với cuộc sống gia đình vô tình tìm thấy nhau. Mọi sự tiếp xúc thân thể diễn ra rất tự nhiên bằng chính bản năng và nhu cầu của con người. Không chỉ cảnh nóng ở nhà tắm hơi mà cả những cảnh nóng sau đó trong công ty của Sang Min hay trong khách sạn ở Busan đều được tính toán để diễn ra. 

Hết Goblin mà nhớ chú Yêu Tinh Gong Yoo quá? Xem ngay phim này! - Ảnh 3.

Khi hai con người thiếu thốn sự cảm thông bị đẩy vào tận cùng những bức bối và ngột ngạt của cuộc sống, công việc, gia đình, con cái còn những kẻ vốn dĩ là chồng, vợ lại không thể sẻ chia thì tự khắc họ phải tìm đến nhau. Vì thế mà những cảnh nóng trong phim dù rất táo bạo nhưng lại vô cùng cần thiết. Là những hình ảnh "cụ thể hóa" những xúc cảm mà Sang Min và Ki Hong dành cho nhau chứ không chỉ đơn thuần để "câu khách". Nếu thiếu đi những cảnh nóng quyết liệt này, bộ phim sẽ chết một nửa cảm xúc. 

Không đơn thuần là một câu chuyện tình cảm mà chủ yếu thiên về hướng đào sâu tâm lý. A Man and a Woman vô cùng khéo léo đặt nhân vật và cả khán giả ở giữa ranh giới của tình yêu và trách nhiệm, giữa sự thỏa hiệp và sự chịu đựng. Motive này không mới trong điện ảnh, thậm chí có rất nhiều phim cùng chủ đề đã thành công. Lấy ví dụ là phim Hoa Vạn Niên Hoa (In the Mood for Love/Tâm Trạng Khi Yêu) của đạo diễn Vương Gia Vệ. 

Tác phẩm này được đánh giá là chạm tới đỉnh cao của chuẩn mực về cái đẹp cảm xúc trong tình yêu. Chu Mộ Văn và Tô Lệ Trân là những kẻ ngoại tình, nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của ngoại tình. Họ yêu nhau quyết liệt nhưng đồng thời cũng cố gắng giữ lại ranh giới của đạo đức và trách nhiệm. Trong A Man and a Woman thì khác, sự thỏa hiệp về cảm giác và dục vọng được "nuông chiều" hơn trong câu chuyện của Sang Min và Ki Hong, khiến khán giả dễ đồng cảm hơn. Nhưng đồng thời cũng đẩy lí trí vào vị trí buộc phải lựa chọn và những mặc cảm tội lỗi. 

Hết Goblin mà nhớ chú Yêu Tinh Gong Yoo quá? Xem ngay phim này! - Ảnh 4.

Hoàn cảnh gia đình của Sang Min và Ki Hong đều không tốt. Những khiếm khuyết của con cái hay sự lạnh nhạt trong cuộc sống vợ chồng của họ dễ dàng khiến chúng ta "cổ vũ" mối tình vụng trộm của họ. Nhưng đâu đó trong những lúc man dại nhất họ vẫn nghĩ đến những người tội nghiệp gắn với trách nhiệm của họ. Tiêu biểu là chi tiết con Jung Hwa (con của Sang Min) bất ngờ xuất hiện khi Sang Min đang ân ái với Ki Hong. Nó khiến cho cuộc tình của họ lúc nào cũng xuất hiện những sự ngăn cản mà chủ yếu là đến từ tâm lý. 

Kết thúc của A Man and a Woman không hẳn là một cái kết đẹp, cũng không phải một bi kịch. Nó như thế nào thì nhường cho khán giả tự phán xét. Nhưng bằng việc giữ lại những cân bằng trong cuộc sống gia đình và những người thân của hai nhân vật chính, phần nào khán giả sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. 

Hết Goblin mà nhớ chú Yêu Tinh Gong Yoo quá? Xem ngay phim này! - Ảnh 5.

Hình ảnh và âm nhạc trong phim bổ trợ rất tốt trong việc thúc đẩy cảm xúc. Những cảnh quay trắng xóa ở Phần Lan như một bức tranh vẽ ra cõi lòng xơ xác của Sang Min và Ki Hong. Nó xuất hiện ở đầu phim và cuối phim giống như hai sự bắt đầu khác nhau trong cuộc tình của họ, như thế nào đều do họ toàn quyền lựa chọn. Phần âm nhạc trong những cuộc ân ái giữa hai kẻ vụng trộm cũng vô cùng "ma lực" khi nó gợi được sự gấp gáp trong lòng họ, đồng thời tạo ra những nỗi sợ hãi vô hình cho cả hai. 

A Man and a Woman có thể sẽ phá hủy hình tượng của một "soái ca" Gong Yoo trong lòng người hâm mộ khi anh phải hóa thân thành người đàn ông bỏ rơi tào khang. Tuy nhiên vì diễn xuất tài tình và ăn ý khi kết hợp với Jeon Do Yeon mà cả hai nhân vật đều khó lòng khiến khá giả ghét bỏ. Bộ phim có thể sẽ khó tìm được sự đồng cảm từ những người trẻ nhưng với những người đã có gia đình và đang gặp rắc rối thì nó lại như một cốc nước đầy cám dỗ. 

Hết Goblin mà nhớ chú Yêu Tinh Gong Yoo quá? Xem ngay phim này! - Ảnh 6.

Tất nhiên những giá trị đạo đức và trách nhiệm trong phim chỉ ở mức thách thức, không cổ xúy cho điều gì. Tất cả nhận định và đánh giá về cuộc sống, tình yêu của Sang Min và Ki Hong hoàn toàn do khán giả nắm bắt. Đôi khi trong cuộc sống ta không lựa chọn được bản thân sẽ yêu ai. Huống hồ một người đàn ông và một người phụ nữ thì cũng chỉ là những nô lệ với cảm xúc của chính mình mà thôi.