Hệ lụy từ kỷ nguyên smartphone: Những căn bệnh bạn có thể đã mắc mà không hay biết

TiTi, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 08/01/2018
Chia sẻ

Những chiếc smartphone ra đời với mục đích gắn kết con người gần nhau hơn ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng thay vì làm chủ, chính chúng ta lại là những nô lệ và gánh biết bao căn bệnh mà không hề hay biết.

Lợi ích từ smartphone là điều đã quá rõ ràng nhưng tác hại không phải không có. Smartphone khiến chúng ta mải nhìn vào màn hình mà quên đi đời sống xã hội, đôi khi là quên chính cả bản thân và dẫn tới những kết cục tồi tệ.

Hệ lụy từ kỷ nguyên smartphone: Những căn bệnh bạn có thể đã mắc mà không hay biết - Ảnh 1.

Thời đại người người nhà nhà cầm smartphone và chẳng ai buồn nói chuyện nhau, đó chẳng phải là một căn bệnh của cả xã hội hay sao?

Hậu quả gián tiếp đã nguy hiểm đến thế, ấy vậy mà còn những căn bệnh vô hình nguy hiểm hơn đang âm thầm lây nhiễm trong mỗi người dùng.

Bệnh bồn chồn, lo lắng máy sắp cạn pin

Theo một cuộc khảo sát mới đây của hãng viễn thông O2, 1/4 số người được hỏi cho rằng, họ đang sống trong một "nỗi sợ vô hình" liên quan đến tình trạng điện thọai sắp hết pin. Hãng điện tử LG đặt tên cho hội chứng này là "nỗi lo lắng pin yếu".

Hệ lụy từ kỷ nguyên smartphone: Những căn bệnh bạn có thể đã mắc mà không hay biết - Ảnh 2.

Nhiều người đang mắc hội chứng lo sợ máy sắp cạn pin và tìm ổ điện sạc một cách bất chấp.

Nỗi sợ vô hình này đôi lúc khiến những người không may mắc phải luôn trong trạng thái hoảng sợ, cuống cuồng tìm bộ sạc để sạc pin cho máy. Cũng theo khảo sát trên, có tới 40% người dùng thường mang một hoặc nhiều bộ sạc dự phòng vì lo pin sẽ mau hết.

Carl Harris, một nhân viên bán hàng tại hạt East Sussex, V.Q Anh chia sẻ, ông mong muốn có một chiếc smartphone có thể sạc một lần và dùng được cả tuần, bởi ông hay quên mang bộ sạc hay sạc dự phòng đi theo.

Tất nhiên với đà phát triển công nghệ như ngày nay, hội chứng này có thể sớm biến mất nếu thực sự có những chiếc smartphone pin lớn hơn, hoặc các phương pháp sạc điện thoại tiện lợi, gọn nhẹ và dùng được ở mọi lúc mọi nơi.

Bệnh cảm giác có ai đang gọi điện, nhắn tin hoặc thông báo Facebook tới

Khoan! Bạn có đang nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng chuông điện thoại không? Nếu không, xin chúc mừng vì bạn may mắn không mắc hội chứng rung và âm thanh ảo mà nhiều người dùng smartphone hiện nay đang gặp phải.

Tình trạng này xảy ra ở những người có tần suất sử dụng smartphone thường xuyên. Họ liên tục kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi, thông báo mạng xã hội hay email để giảm sự căng thẳng và bồn chồn trong tâm trí.

Hệ lụy từ kỷ nguyên smartphone: Những căn bệnh bạn có thể đã mắc mà không hay biết - Ảnh 3.

Ai gọi vậy ta? À hóa ra lại chẳng có ai cả.

 

Về lâu dài theo quán tính, điều này sẽ tạo nên một cảm giác hoang tưởng, nói cách khác là  luôn tưởng tượng về những âm thanh thông báo vô hình như tiếng chuông, tiếng rung báo có cuộc gọi đến. Đặc biệt với những ai đang nôn nóng chờ cuộc gọi hoặc thông báo của ai đó, hiện tượng này càng thể hiện rõ rệt hơn.

Là một căn bệnh nguy hiểm những cách chữa cũng khá dễ dàng. Trước hết, bạn cần tự nhủ với bản thân về cách sử dụng smartphone hiện đã hợp lý chưa.

Từ đó hãy cố gắng giảm tần suất dùng smartphone, thậm chí chuyển sang dùng điện thoại "cục gạch" hoặc tắt điện thoại một thời gian. Thử làm xem, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt sau một khoảng thời gian đó.

Rất nhiều những chứng bệnh về cột sống, mắt và sức khỏe tinh thần sa sút

Smartphone không gây ra những nguy hiểm ngay trước mắt nhưng sẽ để lại những di chứng khủng khiếp về sau này.

Thói quen sử dụng không điều độ, đặc biệt cúi xuống và tiếp cận quá gần với smartphone có thể sẽ dẫn tới những di chứng thoái hóa cột sống cổ, mỏi mắt, cận thị.

Hệ lụy từ kỷ nguyên smartphone: Những căn bệnh bạn có thể đã mắc mà không hay biết - Ảnh 4.

Cứ theo đà cúi đầu xuống để dùng smartphone như ngày nay thì các bạn trẻ rất có nguy cơ trở thành những "tể tướng lưng gù" trong tương lai.

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo, ánh sáng xanh phát ra từ smartphone là "sát thủ vô hình" với giấc ngủ của bạn. Việc dùng điện thoại và không đeo kính lọc ánh sáng xanh trước khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ mất ngủ và nhiều căn bệnh khác.

Tiếp cận với quá nhiều các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Messenger cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới chứng "nghiện" smartphone. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, người dùng còn có thể có biểu hiện trầm cảm, sống ảo, thu hẹp bản thân với xã hội và luôn tỏ thái độ lo lắng, tự ti và gắt gỏng với mọi người.

Bạn thấy rồi đấy, smartphone là một phát minh tuyệt vời của con người nhưng không phải vì thế mà chúng ta lạm dụng và tự biến mình thành nô lệ của chúng.

Thực tế, cách dùng smartphone thông minh để tránh những căn bệnh trên rất đơn giản. Đó là hãy tự đặt ra cho bản thân một giới hạn và xác định đâu là điểm dừng đúng lúc!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày