Thời báo Văn học Nghệ thuật cho biết, theo thông tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV News), một trường hợp đáng chú ý vừa xảy ra ở nước này. Theo đó, một cặp vợ chồng già sống ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bỗng nhiên cùng lúc nhận được chẩn đoán mắc ung thư thực quản. Đáng chú ý, người vợ đã ở vào giai đoạn cuối của bệnh.
Theo lời kể của người thân, bà Lâm gần đây thường xuyên gặp phải tình trạng khàn tiếng kéo dài, nói chuyện yếu và khó nghe. Ban đầu, gia đình nghĩ rằng đây chỉ là triệu chứng viêm họng do thay đổi thời tiết, nên bà đã đến bệnh viện để kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm khiến cả gia đình choáng váng, bà Lâm được chẩn đoán mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối.
Chồng bà là ông La cũng chia sẻ rằng ông thường xuyên bị nghẹn khi ăn. Sau khi thăm khám, ông được chẩn đoán mắc cùng loại ung thư với vợ.
Khi hỏi han thông tin, các bác sĩ phát hiện cặp vợ chồng này chung một thói quen ăn uống: Thường xuyên dùng canh nóng trong hầu hết các bữa. Ngoài ra, bà Lâm còn hay uống trà nóng.
Hé lộ thói quen "giết người" âm thầm khiến vợ chồng cùng mắc ung thư. Ảnh minh họa.
Theo China Times, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, niêm mạc thực quản chỉ có thể chịu được nhiệt độ từ 40 đến 60 độ C. Việc liên tục tiêu thụ đồ ăn, thức uống quá nóng sẽ khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương: Từ phù nề, thay đổi cấu trúc mô cho đến tăng sinh bất thường - tất cả đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại thực phẩm được làm nóng trên 65 độ C là tác nhân tiềm ẩn gây ung thư thực quản. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, sử dụng thường xuyên các loại đồ uống trên 65 độ C có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư thực quản so với dùng thực phẩm ở nhiệt độ thông thường.
Bên cạnh đó, các món ăn phổ biến như trà vừa pha có thể đạt đến 80-90 độ C, trong khi cháo, lẩu, canh thường ở mức 70-80°C, đều vượt ngưỡng an toàn đối với thực quản.
Ung thư thực quản là gì?
Theo Vietnamnet, đây là một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến thực quản - ống dẫn thức ăn nối từ cổ họng đến dạ dày. Tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như giai đoạn phát hiện bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và khả năng đáp ứng điều trị.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư thực quản khoảng 20%. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, cơ hội sống sót sẽ cao hơn nhiều. Gần 65% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn đầu có thể sống trên 5 năm.
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và trong một số trường hợp có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố then chốt giúp cải thiện tỷ lệ sống sót. Ở giai đoạn đầu, ung thư thực quản thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, người mắc có thể gặp các triệu chứng như khó nuốt, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc đau tức ngực. Nhận biết được những dấu hiệu này và đi khám kịp thời sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và nâng cao hiệu quả điều trị.
Để phòng ngừa căn bệnh này, các chuyên gia khuyến cáo:
- Không uống trà, ăn cháo, canh quá nóng
- Tăng cường rau xanh, chất xơ, uống đủ nước ấm
- Từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia
- Ăn chậm, nhai kỹ, không nuốt vội
- Khám sàng lọc tiêu hóa định kỳ, đặc biệt với người trên 50 tuổi
Câu chuyện của vợ chồng bà Lâm không chỉ là hồi chuông cảnh báo về thói quen ăn nóng phổ biến, mà còn là bài học đắt giá về việc chủ động bảo vệ thực quản bằng cách điều chỉnh hành vi ăn uống đơn giản hằng ngày. Đôi khi, một chén cháo nóng ăn vội lại là khởi đầu cho bi kịch kéo dài cả đời. Đừng để thói quen hủy hoại chính mình.