Từng có video quay cảnh một phụ nữ tát tiếp viên khi vừa xuống tàu cao tốc lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Sau khi xem đoạn video, một cư dân mạng bày tỏ sự khó hiểu về hành vi của người phụ nữ: "Hình như cô tiếp viên đang giúp hành khách xách hành lý. Tại sao họ không được cảm ơn mà còn bị đối xử thô bạo?".
Thì ra, trước đó bà mẹ này đi tàu nhưng cố tình không mua vé cho con mình. Sau khi tiếp viên phát hiện đã yêu cầu bù vé, bà làm theo nhưng nảy sinh ác cảm với tiếp viên này. Khi ra khỏi xe, người mẹ đặt vali ở lối đi. Tiếp viên kiểm tra và phát hiện chiếc vali không có người trông coi, sau khi hỏi các hành khách không có ai nhận, cô đã đặt chiếc vali lên giá hành lý lớn ở ngã ba toa theo quy định.
Khi đến nơi, người phụ nữ không tìm thấy hành lý đã hỏi xung quanh, tiếp viên sau đó đã chủ động mang đến. Nhưng bà mẹ này cho rằng mình bị cố tình làm khó nên đã tát và hành hung tiếp viên. Một hành vi trốn vé tưởng nhỏ nhặt đã mang lại hậu quả lớn, và điều tồi tệ nhất là con trai của bà mẹ đã chứng kiến tất cả những điều này.
Trẻ em là những kẻ bắt chước bẩm sinh. Một khi phát hiện ra rằng cha mẹ đã lợi dụng người khác, chúng sẽ bắt chước họ một cách vô thức. Cũng như hành động lợi dụng cho con trốn vé của bà mẹ nói trên, mới nhìn thì thấy có chút lợi lộc nhưng thực chất là "mất nhiều hơn được".
1. "Nhỏ trộm kim, già trộm vàng"
Người ta nói "nhỏ trộm kim, già trộm vàng", nếu như cha mẹ thường bắt con cái lấy chút lợi nhỏ, trẻ sẽ học cách lợi dụng và sẽ trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình trong mọi việc mà không màng đến cảm nhận của người khác. Nếu cố tình lợi dụng mà không kiểm soát được bản thân thì sau này trẻ rất dễ phạm tội.
Một cư dân mạng trên diễn đàn Zhihu đã chia sẻ câu chuyện: Cháu gái của anh ấy sống với ông bà đã lâu, rất thích tranh thủ những thứ nhỏ nhặt. Khi thấy thứ mình thích, người khác không cho thì giật lấy hoặc ăn cắp. Sau đó, cô ấy thực sự lấy trộm đồ chơi trong siêu thị và bị nhân viên bán hàng bắt quả tang, phải lên đồn cảnh sát.
2. Bị cô lập và không có bạn bè
Những đứa trẻ chỉ biết đến bản thân mình và chực chờ lợi dụng người khác, khi lớn lên có thể bị cô lập và không có bạn bè. Rõ ràng, không ai thích ở bên một người hẹp hòi và không biết chia sẻ với người khác, chỉ biết nhận về mà không muốn cho đi. Nếu không có các mối quan hệ giữa các cá nhân bình thường, sự nghiệp của đứa trẻ sẽ không thể phát triển thuận lợi, cuộc sống cũng vô cùng buồn tẻ và cô đơn.
3. Chỉ quan tâm đến lợi ích nhỏ nhặt, không có tầm nhìn
Một đứa trẻ phát triển thói quen lợi dụng người khác sẽ có tác động cực kỳ xấu đến tầm nhìn sau này. Khi đối mặt với một vấn đề, trẻ bỏ qua tình hình chung và chỉ nhìn thấy những lợi nhuận nhỏ trước mắt, từ đó cũng gián tiếp loại đi những cơ hội lớn trong tương lai.
Tiết kiệm là một đức tính tốt nhưng phải sử dụng đúng hướng, nếu không sẽ trở thành thói hư tật xấu. Muốn con thành tài, làm cha mẹ nhất định phải làm gương, không phung phí nhưng cũng biết rộng lượng đúng cách. Ngoài ra, cũng cần cố ý trau dồi cái nhìn tổng thể của trẻ, để trẻ không chỉ nhìn bề ngoài mà phải biết nhìn xa trông rộng, không bị một số lợi nhuận vụn vặt làm mờ mắt.
Có một câu nói nổi tiếng trong tâm lý học: "Trẻ em không sai, nếu chúng sai, đó là lỗi của cha mẹ". Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Vì nhân cách tốt và tương lai tươi sáng của con mình, cha mẹ không những không nên tư lợi mà còn phải luôn quan tâm đến con cái, đừng để chúng hùa theo lợi dụng người khác.