Cha mẹ khoe con trên mạng: Khoe thế khác gì hại con!

Lê Hữu Việt, Theo Tiền phong 16:16 19/05/2023

Việc nhiều cha mẹ thường xuyên khoe con trên mạng xã hội, đặc biệt các loại chứng nhận, bằng khen về thành tích học tập vô tình làm lộ thông tin cá nhân của các em.

Cần học làm cha mẹ

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, nguy cơ với trẻ em bị xâm hại trên môi trường ngày càng phức tạp, khó lường và còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Cha mẹ khoe con trên mạng: Khoe thế khác gì hại con! - Ảnh 1.

Trẻ em sử dụng Internet trong học tập, giải trí ngày càng phổ biến, đi kèm đó là nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng cũng tăng theo. (Ảnh minh hoạ: PT)

Ông Nam dẫn ví dụ, gần đây nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra như gọi điện cho cha mẹ chuyển tiền viện phí do con phải nhập viện… nhiều người hỏi thông tin về trẻ các đối tượng lừa đảo lấy từ đâu? Nhiều người đổ lỗi cho cơ quan, đơn vị để lộ thông tin của trẻ, nhưng không nghĩ một số hoạt động của cha mẹ trên mạng xã hội cũng vô tình làm lộ thông tin của con.

Cha mẹ vô tình làm lộ thông tin của con đó là chụp bằng khen, giấy chứng nhận về thành tích học tập của con với đầy đủ thông tin của trẻ, nơi học lên mạng xã hội; hoặc đưa ảnh các hoạt động gia đình lên mạng. “Thông tin của trẻ lộ từ đấy, cha mẹ chưa nên đổ lỗi cho ai, cơ quan nào, mà chính từ gia đình. Trước tiên, cha mẹ, gia đình phải biết và có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phải học làm cha mẹ”, ông Nam nói.

Cha mẹ khoe con trên mạng: Khoe thế khác gì hại con! - Ảnh 2.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1/3 trẻ em nói bị bắt nạt qua mạng

Bà Lê Thùy Dương, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2022, Bộ đã rà soát, ngăn chặn 18 nhóm trên mạng xã hội có nội dung xâm hại trẻ em. Các nhóm này có hơn 9,7 triệu thành viên, trong đó có 30% số thành viên tham gia các nhóm này là trẻ em, hơn 40% là thanh thiếu niên…

Số liệu từ tổ chức ChildFund Việt Nam cho thấy, năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu thuê bao Internet, hơn 66 triệu tài khoản Facebook, và hơn 49,8 triệu triệu tài khoản TikTok. Trong đó có 87% số tài khoản trên sử dụng Internet hàng ngày, người dùng ngày càng trẻ hoá.

Khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy, tại trên 30 quốc gia được khảo sát, có 1/3 trẻ em nói đã bị bắt nạt qua mạng, hơn 750 nghìn cá nhân thực hiện tìm kiếm trên Internet để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu.

Các khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ kết bạn với người lạ của trẻ em gái cao hơn trẻ em trai; trẻ em gái nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên mạng xã hội nhiều hơn trẻ em trai; tỷ lệ trẻ em trai trải nghiệm các rủi ro trên mạng cao hơn trẻ em gái, đặc biệt với rủi ro “truy cập đường link bạn bè hoặc người khác gửi”, “giả làm người khác trên mạng” và “gửi thông tin cá nhân cho người khác”…

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Dương cho biết, ngành thông tin - truyền thông sẽ tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội như Facebook, YouTube. Bộ TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube tuân thủ pháp luật Việt Nam, có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em.

Bộ TT-TT cũng đã lập đoàn kiểm tra TikTok về nội dung liên quan tới bảo vệ trẻ em, đoàn có sự tham gia của đại diện các bộ ngành có trách nhiệm về công tác bảo vệ trẻ em. Đoàn dự kiến thực hiện kiểm tra TikTok tại Việt Nam từ ngày 22-29/5.

Số liệu từ Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, trong 19 năm hoạt động, tổng đài nhận được gần 5,4 triệu cuộc gọi, trong đó có hơn 9,6 nghìn cuộc gọi hỗ trợ, can thiệp do trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bóc lột. Cụ thể, có gần 4,2 nghìn cuộc gọi hỗ trợ can thiệp do trẻ bị bạo lực; hơn 2,4 nghìn cuộc gọi về trẻ em bị xâm hại tình dục; hơn 748 cuộc gọi hỗ trợ trẻ em bị bóc lột…

Tính từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ các cuộc gọi tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em chiếm hơn 1 nửa. Trong những người gọi tới tổng đài 111, trẻ em là nhóm gọi tới nhiều nhất (hơn 48%), cha mẹ và người chăm sóc trẻ gọi tới chiếm 17%...