Ngày 8/4 vừa qua, Vũ Hán trở thành địa phương cuối cùng ở tỉnh Hồ Bắc dỡ lệnh phong tỏa sau 2 tháng. Nhiều người đã lập tức rời khỏi thành phố để trở lại công ty, nhà máy sau "kỳ nghỉ Tết" quá dài. Đối với hàng triệu người khác, cuộc sống của họ cũng bước qua một chương mới và sẽ mãi mãi không thể trở về như trước.
Người Vũ Hán không cần được nhắc nhở về giãn cách xã hội. Ký ức về người thân, bạn bè qua đời, hay chính bản thân cũng cận kề cái chết vì virus corona, đã để lại những vết thương tâm lý khó lành. Trong số hơn 80.000 người nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, hơn 2/3 trường hợp là ở Vũ Hán.
"Người Vũ Hán chịu đựng nỗi đau đầu tiên và sâu sắc nhất" - nữ nhân viên bán hàng Yan Hui, ngoài 50 tuổi, cho biết. "Bạn bè bị nhiễm bệnh, người quen cũng qua đời. Lần lượt từng người một đều rời bỏ chúng tôi. Cảm nhận của chúng tôi về đại dịch đã khắc sâu hơn so với người dân mọi nơi khác ở Trung Quốc".
Một gia đình Vũ Hán đốt vàng mã trong lễ Thanh minh (Ảnh: AFP)
Trong 76 ngày Vũ Hán phong tỏa để ngăn chặn virus lây lan, thời gian như đã ngưng đọng, đường xá cũng hoàn toàn vắng lặng như chìm vào hôn mê. Cuối cùng, khoảng 2 tuần trở lại đây, các cửa hàng đã từ từ mở cửa.
Nhiều người lần đầu tiên ra khỏi nhà để mua sắm hoa quả, rượu, thuốc lá... nhưng người mua kẻ bán vẫn đứng tách biệt nhau qua hàng rào chắn. Tại các công viên dọc bờ sông Dương Tử, các gia đình đi tập thể thao, tận hưởng chút ánh nắng và không khí trong lành mà suốt 2 tháng qua họ chưa từng biết tới. Các ông bà lão tụ họp trong những nhóm nhỏ để tán gẫu hay chơi mạt chượt. Xe buýt và tàu điện ngầm đã bắt đầu lăn bánh nhưng hầu hết thời gian đều vắng khách.
Cuộc sống đã thực sự tái sinh ở Vũ Hán trong nhiều khía cạnh, nhưng diễn ra chậm rãi và thận trọng. Niềm hi vọng về nhịp sống khỏe khoắn thường nhật vẫn còn là một giấc mơ xa vời.
Người dân mua hàng bên ngoài dãy rào chắn (Ảnh: EPA)
Người Vũ Hán sẽ phải làm quen với những điều mới mẻ. Ví dụ như hiện tại, cả núi hàng hóa đang được chất đống trước các căn hộ chung cư, khi dịch vụ thương mại điện tử hoạt động mạnh mẽ trở lại. Ông lớn JD.com cho biết, các đơn đặt hàng ở tỉnh Hồ Bắc đã tăng gấp 3 lần vào tháng 3 so với tháng 2. Xu hướng của khách hàng cũng dần thay đổi, họ không chỉ mua nhu yếu phẩm để "sống còn" nữa mà bắt đầu bù đắp cho bản thân qua việc mua mỹ phẩm, quần áo, các vật dụng du lịch...
Nhiều công ty ở Vũ Hán cũng yêu cầu nhân viên quay lại làm việc. Khoảng 94% trong tổng số 11.000 doanh nghiệp đã vận hành trở lại - theo Hu Yabo, phó thị trưởng Vũ Hán cho biết. Cụ thể hơn, đến 97% công ty thuộc ngành công nghiệp cốt lõi đã khởi động. Tỷ lệ này trong ngành dịch vụ cũng đạt con số ấn tượng 93%.
Tuy nhiên, mở cửa không có nghĩa là vận hành bình thường. Nhiều công ty sản xuất chỉ huy động 60% nhân viên và công suất tiêu thụ điện chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tập đoàn lớn dường như vượt qua giông bão dễ dàng hơn. Nhà máy Honda cho biết đã hoạt động 100% công suất. Ông lớn ngành công nghệ - Huawei - tuyên bố viện nghiên cứu Vũ Hán đã đi vào quỹ đạo với "làn sóng tích cực lan tỏa khắp công ty".
Ngược lại, không khí ảm đạm vẫn bao trùm nhiều doanh nghiệp nhỏ. Do dịch bùng phát trên toàn cầu khiến nhu cầu hàng hóa bị sụt giảm, nhiều nhà máy vẫn chưa thể hoạt động, trong khi đang phải gồng gánh mọi hóa đơn về thiết bị và mặt bằng.
Trong lĩnh vực bất động sản, chính quyền cho biết từ khi dịch đạt đỉnh vào tháng 2, không có bất kỳ giao dịch nhà đất nào được thực hiện ở Vũ Hán.
Helin Ding, 47 tuổi, là nhân viên của một công ty kiến trúc ở Vũ Hán. Mặc dù công ty của cô đang tiếp tục thực hiện các dự án lớn đến mức không thể hủy bỏ, nhưng ban lãnh đạo vẫn lo lắng về nhu cầu và nguồn khách hàng trong tương lai. "Cả thế giới đều đang ở trong tình thế bất ổn, nếu cứ kéo dài thì chẳng ai còn đủ tự tin (để mua nhà) nữa" - Ding nói.
Chính quyền vẫn khuyến nghị người dân tiếp tục ở yên trong nhà, cách ly xã hội (Ảnh: EPA)
Với các doanh nghiệp nhỏ, nguồn thu bị thất thoát có thể sẽ kéo họ đến bờ vực phá sản. Họ thiếu tiền để trả lương cho người lao động; trong khi hàng hóa tồn đọng sẽ gây tốn kém chi phí để bảo quản hay tiêu hủy.
Khi dịch Covid-19 chạm đỉnh, Liu Dongzhou (45 tuổi) gần như đã từ bỏ mọi hi vọng vực dậy công ty trong ngành thực phẩm, cụ thể là chế biến cá viên, gà xé và các loại thực phẩm đông lạnh khác. Hiện tại, anh Liu đã có thể níu kéo, bám trụ kinh doanh nhưng phải sa thải khoảng 1/5 trong tổng số 80 nhân viên địa phương.
Liu đã nghe nói về các gói cứu trợ của chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ nhưng chưa biết chừng nào mới nhận được. Ngoài ra, ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và hàng vạn người rời đi, các cư dân trong khu nhà của Liu vẫn bị quản lý chặt. Vậy nên ngày 8/4 đối với họ không phải một sự kiện quá to tát. "Với những người bình thường mà nói, không có sự thay đổi gì đáng chú ý".
Cô Yan Hui, nhân viên bán hàng, cho biết chi nhánh của tập đoàn đa quốc gia General Electric đã hoạt động lại ở Vũ Hán. Nhưng ban quản lý chỉ mời một số nhân viên quay trở về làm việc để hạn chế tập trung quá đông đúc. "Họ cứ cắn răng chịu đựng tiếp thôi, dù gì cũng là một tập đoàn lớn..." - Yan nói.
"Cắn răng chịu đựng" cũng là điều mà người dân Vũ Hán đã luyện tập thành thạo suốt 2 tháng nay. Chẳng hạn như Yan đã dành hết 15 ngày chiến đấu với virus corona ở bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn. Khi xuất viện và trở về nhà, cô phát hiện tất cả đồ ăn dự trữ đã ôi thiu hết. Ngoài ra, Yan cũng tránh tiếp xúc với bố mẹ dù họ sống ngay căn hộ bên cạnh.
Mặt khác, trải nghiệm một lần mắc phải căn bệnh nguy hiểm cũng làm thay đổi nguyên tắc sống của Yan. Giờ đây, cô ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe và gia đình. Công việc, sự nghiệp và thành công - tất cả đều tạm lùi xuống phía sau.
Yan vẫn chưa biết cuộc sống sau này sẽ khó khăn và biến đổi ra sao. Nhưng chí ít, cảnh sắc mùa xuân ở Vũ Hán đã làm cô thoải mái hơn. Bãi cỏ như xanh mướt và cây cối cũng vươn mình lớn lên. Cuối cùng, nhiều Vũ Hán đã có thể chào đón một mùa xuân mà họ hằng mong đợi. "Trước đại dịch, Vũ Hán luôn tràn ngập sức sống. Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đều đã là những nền kinh tế trưởng thành. Nhưng mọi thứ ở Vũ Hán chỉ vừa mới bắt đầu" - Yan nói.
Vũ Hán từng trải qua nhiều phong ba bão táp trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, cũng đã vượt qua trận lũ lụt "đại hồng thủy" năm 1931, tiếp tục phát triển thành trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông với biệt danh "Chicago của Trung Quốc". Ngay trước dịch bệnh, Vũ Hán cũng là một trong những đầu tàu phát triển về công nghệ.
Liệu thành phố 11 triệu dân này sẽ vực dậy như thế nào sau dịch bệnh? Chúng ta sẽ sớm có câu trả lời, vì cả thế giới vẫn đang quan sát Vũ Hán để rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tái khởi nền kinh tế hậu phong tỏa.
(Theo NY Times)