Hàng loạt tai nạn thẩm mỹ vì kiểu làm đẹp cấp tốc: BS chỉ rõ 1 sai lầm khiến nhiều người "nhận trái đắng"

Đậu Đậu, Theo Thể thao văn hóa 19:00 10/01/2023

Bác sĩ Vương khuyến cáo trước khi thực hiện tiêm thẩm mỹ ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, chị em cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu bản thân, cân nhắc về hiệu quả... hãy đến cơ sở y tế tin cậy để được nghe tư vấn.

Bắt kịp xu hướng làm đẹp không đau đớn, không tốn thời gian, không can thiệp dao kéo - tiết kiệm tiền bạc và sức khỏe, nhiều chị em ngày càng tin tưởng và chọn hình thức tiêm thẩm mỹ.

Tiêm thẩm mỹ là tên gọi chung của rất nhiều phương pháp làm đẹp thông qua hình thức tiêm tinh chất vào người. Phổ biến nhất có thể kể đến như: tiêm filler (chất làm đầy), tiêm botox thon gọn hàm, tiêm Mesotherapy trẻ hóa da...

Tết cận kề, nhu cầu tìm đến các các phương pháp làm đẹp “cấp tốc” lại ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi "chọn mặt gửi vàng" nhầm chỗ, không ít chị em trở thành nạn nhân của thẩm mỹ, gặp các biến chứng nguy hiểm như biến dạng mặt, hoại tử da, mù mắt...

Muôn vàn biến chứng do làm đẹp cấp tốc

Đầu tháng 1/2023, bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.T.N. (1993, Nha Trang) cấp cứu trong tình trạng hai bên mông căng tức, tím tái. Được biết trước đó 1 ngày bệnh nhân đã thực hiện tiêm filler độn mông tại một cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn. Tổng filler bệnh nhân được spa tiêm lên đến 600cc. Sau khi tiêm, người này bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, căng cứng.

Khi các bác sĩ thăm khám, lỗ thủng trên mông bệnh nhân liên tục tuôn trào dịch mủ ào ạt, nếu không điều trị khẩn cấp sẽ dẫn đến hoại tử. Các bác sĩ phải trực tiếp dùng tay để có thể thực hiện nạo vét từng mảng filler luồn sâu vào trong từng thớ cơ. Đồng thời, liên tục bơm rửa để làm sạch ổ áp xe nhiễm trùng.

Hàng loạt tai nạn thẩm mỹ vì kiểu làm đẹp cấp tốc: BS chỉ rõ 1 sai lầm khiến nhiều người nhận trái đắng - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang nạo filler cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Giữa tháng 12/2022, bệnh viện Da liễu trung ương đã tiếp nhận trường hợp của chị N.T.M. (30 tuổi ở Hà Nội). Sau khi tiêm botox để chống nhăn đuôi mắt thì vùng da xung quanh mắt của chị M. bỗng nổi mẩn đỏ và dần tạo thành mủ. Sau 1-2 tháng tự điều trị không đỡ, chị M tìm đến bệnh viện và được điều trị bằng kháng sinh.

Bên cạnh đó, trong tháng 12, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân (34 tuổi, Hà Nội) bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và bị tắc một phần động mạch cánh mũi sau khi tiêm filler để nâng mũi tại một spa gần nhà. Khoảng 7 ngày sau khi tiêm filler gặp biến chứng, bệnh nhân mới đến bệnh viện. Do đến khám và điều trị quá muộn nên mũi của nam bệnh nhân không thể phục hồi lại như trước.

Hàng loạt tai nạn thẩm mỹ vì kiểu làm đẹp cấp tốc: BS chỉ rõ 1 sai lầm khiến nhiều người nhận trái đắng - Ảnh 2.

Mũi bệnh nhân bị biến chứng sau tiêm filler (Hình minh họa)

Biến dạng mặt, hoại tử da chưa phải biến chứng đáng sợ nhất của tiêm thẩm mỹ. Trước đây, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân V.T.H.T (SN 1984, ngụ quận 10) bị sưng đỏ vùng tiêm, mắt phải mờ dần sau tiêm filler nâng mũi.

Do biến chứng sau tiêm filler, gây nhiễm trùng và tắc mạch máu khiến vùng da mũi bị viêm đỏ, có hoại tử đen lấm chấm, mắt phải bị xuất huyết kết mạc... Các bác sĩ cho biết trường hợp này di chứng để lại có thể là các vết sẹo trên da, giảm hoặc mất hẳn thị lực mắt phải.

Phương pháp tiêm thẩm mỹ: Hiệu quả nhanh, nhưng có 1 sai lầm khiến nhiều người "nhận trái đắng"

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Vương (bác sĩ thẩm mỹ nội khoa tại Hà Nội với 12 năm kinh nghiệm): "Dịch vụ tiêm làm đẹp được ưa chuộng vì thời gian thực hiện nhanh chóng, không xâm lấn nhiều, cũng như hạn chế thời gian phải nghỉ dưỡng. Sau khi làm, chị em có thể ra về và sinh hoạt bình thường".

Để thực hiện các phương pháp tiêm thẩm mỹ như mesotherapy, filler, botox... bác sĩ dùng một mũi tiêm siêu nhỏ đưa hoạt chất vào những vùng da cần điều trị để phục vụ các mục đích làm đẹp như xóa nhăn, nâng và tạo dáng mũi, nâng ngực và độn mông...

Tuy các phương pháp tiêm thẩm mỹ là một trong những phương pháp làm đẹp tốt. Nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro biến chứng nếu như chị em không chọn lựa thật kỹ về chất lượng hoạt chất đưa vào người, địa chỉ thẩm mỹ uy tín cũng như tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ.

"Các phương pháp tiêm thẩm mỹ nếu như người thực hiện không phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, không có đủ kinh nghiệm để làm các thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ thì sẽ rất nguy hiểm. Tiêm không đúng kĩ thuật có thể tiêm vào đường đi của mạch máu, gây tắc mạch, từ đó gây hoại tử, có thể dẫn đến mù lòa", BS Vương nói.

Hàng loạt tai nạn thẩm mỹ vì kiểu làm đẹp cấp tốc: BS chỉ rõ 1 sai lầm khiến nhiều người nhận trái đắng - Ảnh 3.

Ngoài ra, BS Vương cũng cảnh báo rằng nếu thực hiện tiêm thẩm mỹ bởi những người không được đào tạo bài bản về thuốc gây tê, gây mê thì có thể dẫn đến trường hợp bị tiêm thuốc quá mức, dẫn đến ngộ độc. Hoặc bản thân họ không nhận thức được thuốc sử dụng có được Bộ Y tế cho phép, có bị cấm hay không, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Vương khuyến cáo trước khi thực hiện tiêm filler ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, chị em cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu bản thân, cân nhắc về hiệu quả... hãy đến cơ sở y tế tin cậy để được nghe tư vấn. Chị em tuyệt đối không được ham rẻ mà làm ở những chất lượng filler không tốt, bác sĩ làm không có tay nghề vì như vậy có thể dẫn đến nguy hiểm cho bản thân.

Nguyên tắc quan trọng khi thẩm mỹ đó là: "Bệnh viện thẩm mỹ chính quy có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; được cơ quan chức năng cấp phép; được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, có bằng cấp chuyên môn", BS Vương nói.