Hàng loạt tài khoản Facebook mạo danh y hệt CEO Mark Zuckerberg đang mọc lên như nấm thời gian gần đây để đi lừa đảo người khác. Mọi thứ có lẽ cứ im ỉm như vậy cho tới khi câu chuyện về Gary Bernhardt - một cựu binh bị lừa gạt đã nổi lên và thu hút sự chú ý.
Tháng 11 năm ngoái, Facebook của ông nhận được thông báo tin nhắn mới, từ tài khoản tên "Mark Zuckerberg" nói rằng ông vừa trúng 750.000 USD từ một chương trình quay thưởng của Facebook.
Ông Gary Bernhardt.
"Khi đó tôi đã bất ngờ và rất hứng thú. Ai mà biết được đó lại là trò lừa cơ chứ," ông Bernhardt chia sẻ. Sau khi nhận tin nhắn, ông đã trả lời, nhiệt tình trao đổi các thông tin liên quan với "anh Mark Zuckerberg" đến tận sáng luôn. Cuối cùng, anh ta đưa ra điều kiện rằng ông cần gửi trước 200 USD để làm thủ tục nhận số tiền thưởng khổng lồ kia.
Sau khi mua một chiếc thẻ quà tặng có giá trị tiền đổi tương đương, ông gửi luôn cho "anh Mark" mà không hề do dự. Tuy vậy, sau lần đó, hắn ta lại nhắn cho ông nhờ chuyển thêm vài lần nữa với những lý do xoay quanh. Tổng cộng, Bernhardt đã mất thêm 1310 USD nữa cho những lần hứa hẹn suông này.
Sau rồi Bernhardt cũng nhận ra mình đang thực sự bị "vờn" trong một vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Chính việc không có nhiều hiểu biết cũng như các kỹ năng tự nhận thức đã khiến ông dễ dàng bị rơi vào trò lừa đơn giản này - một phần cũng là vì Facebook chưa thật sự mạnh tay với vấn nạn giả mạo tài khoản, kể cả khi đó là chính tên tuổi CEO của mình.
Theo tìm hiểu từ The New York Times, đã có tận 205 tài khoản mạo danh CEO Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg của Facebook trên cả mạng xã hội này và Instagram gộp lại (mới tính tài khoản cá nhân, chưa kể fanpage). Trong số đó, đã có 51 tài khoản bị phát hiện dấu hiệu nhắn tin trúng thưởng lừa đảo như trường hợp của ông Bernhardt.
Cả Instagram cũng chứa đầy những kẻ lừa đảo như trên Facebook.
Thực chất, đã có một đội ngũ do Facebook lập ra để tìm ngăn chặn tệ nạn này suốt từ năm 2010, nhưng có lẽ họ chưa làm việc và kiểm soát đủ chặt chẽ. Ít nhất thì sau khi The New York Times đưa tin, Facebook đã có động thái mạnh tay quét sạch những tài khoản mạo danh 2 giám đốc cấp cao của mình, dù vẫn chưa bình luận về nguyên nhân tại sao không phát hiện ra chúng từ trước.
Đây cũng là lý do vì sao Facebook yêu cầu mọi người đều dùng tên thật của mình để tạo tài khoản. Theo tính toán rà soát của họ, có khoảng 60 triệu tài khoản là giả trên Facebook, trải dài từ việc mạo danh người bình thường hoặc người nổi tiếng cũng có.
Xét cho cùng, hình thức nhắn tin lừa đảo trúng thưởng để đánh vào lòng tham của mỗi người vẫn đang được lợi dụng rất phổ biến mà chưa bị dập tắt hẳn. Những tên tuổi uy tín như các lãnh đạo Facebook thường được đem ra đứng tên nhiều nhất, và mục tiêu cũng tập trung vào các người dùng lớn tuổi, ít nhanh nhạy với công nghệ, hoặc tầng lớp tri thức thấp trong xã hội. Thậm chí, để tránh Facebook phát hiện, chúng còn thêm vào các họ đệm giả để làm khác đi so với tên gốc nhưng vẫn đủ để lừa gạt.
Vài hình ảnh kết quả tìm kiếm về Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg.
Ranh mãnh hơn, khi bị hỏi về bằng chứng chứng minh tài khoản này là của Mark Zuckerberg hoặc nhân vật danh tính thật, chúng sẽ gửi một bức ảnh chụp CMTND được Photoshop chỉnh ảnh rất khớp. Sau đó chúng tiếp tục mượn danh Facebook để giả vờ đảm bảo tính uy tín của chương trình trúng thưởng này, đưa con mồi vào tròng.
The New York Times cũng đã tiếp tục điều tra thêm nhiều vụ việc tương tự, nhưng khá nhiều tài khoản giả mạo cố tình phớt lờ họ đi sau khi nhận ra mình đã bị phát hiện là giả mạo. Xét cho cùng, đây là một loại tội phạm Internet không khó để đề phòng và phát hiện, nhưng vẫn còn nhiều người đang mất cảnh giác và tự khiến mình chui vào cạm bẫy được chúng giăng ra từ trước.