Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại Hàn Quốc với con số bệnh nhân lên đến 1.766 người, ngày 26/2 vừa qua, tại Trung tâm nghiên cứu Trung ương PCL (Song Chunggu, Seoul), nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm bộ kit chẩn đoán nhanh có tên là COVID-19 Ag GICA Rapid.
Tại trung tâm, các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm bằng dịch mũi của bệnh nhân nghi nhiễm bệnh và chỉ 10 phút sau đã có thể cho ra kết quả.
Phương pháp mới này được phát triển để hỗ trợ cho xét nghiệm DNA (RT-PCR) hiện đang được sử dụng tại các bệnh viện và trung tâm y tế nhằm xác định bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, phương pháp RT-PCR tốn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, bộ xét nghiệm nhanh có cách sử dụng giống như que thử thai nên dễ dàng tự thực hiện tại nhà và chỉ trong 10 phút có thể đưa ra kết quả. Phía công ty sản xuất xác nhận rằng độ chính xác của bộ kit lên đến 85%.
Bộ kit kiểm tra có tên COVID-19 Ag GICA Rapid.
So với bộ kit xét nghiệm nhanh, phương pháp RT-PCR có độ chính xác cao hơn, tuy nhiên thời gian đưa ra kết quả của RT-PCR là gần 6 tiếng và khi càng có nhiều người nghi ngờ bị nhiễm thì sai số của kết quả lại càng cao. Do đó, bộ kit chiếm ưu thế ở việc người dân có thể mua về sử dụng tại nhà, tránh được việc tiếp xúc với nhiều người tại nơi xét nghiệm, làm tăng nguy cơ lây chéo.
Vào ngày 26/2, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu PCL, ông Kim So-yeon đã giải thích trong cuộc điện thoại với kênh tin tức Hàn Quốc rằng: "Sản phẩm này được làm bằng phương pháp mua kháng thể từ Trung Quốc. Người dân có thể sử dụng dễ dàng bằng cách thử với dịch mũi hoặc đờm".
Ông cũng chia sẻ: "Bộ kit chẩn đoán là một biện pháp bổ sung để phát hiện và xử lý tình huống nhanh chóng".
Ngoài ra, công ty PCL cũng đưa ra một bộ dụng cụ chẩn đoán kháng thể (IgG, IgM) vừa có thể sử dụng tại nhà thông qua việc lấy và kiểm tra máu, vừa có thể sử dụng tại địa điểm thử nghiệm RT-PCR. Đặc biệt, trước tình trạng virus corona có thể lây lan dù người nhiễm chưa phát bệnh, các phương pháp tại nhà kể trên được xem như giải pháp bổ sung nhằm xét nghiệm an toàn hơn.
Thông thường, khi bị virus xâm nhập, cơ thể của con người sẽ sản sinh ra các kháng thể để tự bảo vệ trước những tổn thương. Nhưng với Covid-19, người mắc sẽ không có các triệu chứng nhiễm trùng, vì thế kháng thể không được báo động để giúp người bệnh chống trả lại virus.
Ông Kim cho biết: "Trong trường hợp bệnh nhiễm trùng không triệu chứng, vì khối lượng virus thấp nên khó phân biệt bằng RT-PCR. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng bộ chẩn đoán kháng thể để kiểm tra". Nếu bộ kit được đưa vào sử dụng thì có thể giúp phát hiện được 1.000 ca mỗi bộ.
Ông cũng chỉ ra rằng: "Trường hợp sử dụng RT-PCR có độ chính xác rất cao, nhưng vấn đề ở đây là cần phải có chuyên gia được trang bị đồ bảo hộ và nhân lực dự phòng để thay thế. Covid-19 vẫn còn nhiều ẩn số, do đó nên sử dụng kết hợp các bộ dụng cụ kiểm tra với RT-PCR để xét nghiệm".
Với độ chính xác cao và cách sử dụng dễ dàng của bộ dụng cụ nói trên, công ty sản xuất đang chờ kết quả phê duyệt để có thể đưa vào sử dụng ngay.
*Cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đây.
(Theo News1.kr)