Ham ''việc nhẹ, lương cao'', nhiều người bị chích điện, đánh đập

LÊ HOÀI, Theo Người lao động 17:45 11/08/2022
Chia sẻ

Với chiêu thức dụ dỗ ''việc nhẹ, lương cao'', tội phạm mua bán người đánh vào tâm lý người lao động cần việc, cần tiền để lừa đảo, đưa ra nước ngoài, sau đó buộc tham gia vào các công ty hoạt động phạm tội.

Đầu tháng 8/2022, chúng tôi đến ấp 5, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang gặp ông Nguyễn Văn Thi và được nghe câu chuyện " việc nhẹ, lương cao " của con trai ông.

Lời hứa "ngàn đô" và nỗi sợ hãi bên kia biên giới

Trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt ông Thi luôn hướng về phía cửa, nơi con trai ông đang rửa xe với niềm vui, hạnh phúc. Nguyễn Mạnh Tuấn, 20 tuổi, vừa thoát khỏi bọn buôn người, trở về từ Campuchia. Trước đây, Tuấn là công nhân của một công ty trên địa bàn tỉnh Long An. Thu nhập không cao, nhưng cũng đủ trang trải cho bản thân và có thể phụ giúp thêm cho gia đình.

Ham việc nhẹ, lương cao, nhiều người bị chích điện, đánh đập - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thi (trái) kể về câu chuyện ''việc nhẹ, lương cao'' của con trai

Tháng 2/2022, một người họ hàng giới thiệu về công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao, có thể kiếm được 1.000 USD mỗi tháng. Ông Thi tin lời nên bàn bạc với gia đình, cho Tuấn đi cùng người họ hàng sang Campuchia. Khi vào cái nơi được gọi là công ty, thông qua nhiều người Việt Nam đang làm việc tại đây, Tuấn mới biết được công việc chính là tạo các tài khoản game, sàn giao dịch ảo, các trang mạng để lừa đảo khách vào chơi. Nhân viên nào làm không đạt yêu cầu, sẽ bị quản lý phạt bằng cách chích điện, đứng bàn chông, đánh đập hoặc bị bán cho một công ty khác.

Qua một thời gian, do không muốn lừa đảo người khác, nhưng lại bị quản lý dùng các hình phạt khống chế, buộc phải làm việc, Tuấn tìm cách trở về Việt Nam. Phía "công ty" thông báo rằng nếu muốn về, phải đóng phạt 10.000USD. Giữa đất khách quê người, Tuấn thật sự hoảng loạn, có lúc còn có ý định tự tử.

Tuấn gọi điện thoại cho cha cầu cứu. Khi ông Thi điện thoại cho người họ hàng nhờ giúp đỡ thì người này lạnh lùng, nói: "Có đủ tiền chuộc thì mới được về, vì là chỗ họ hàng nên giảm từ 10.000 USD xuống còn 6.000 USD".

Hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, nhưng thương con, ông Thi phải vay mượn người thân, bạn bè khắp nơi cho đủ 6.000USD, giao cho người họ hàng. Ngày 5/7, Tuấn về Việt Nam. Ông Thi liền đến cơ quan công an trình báo.

Đối tượng mua bán người lộ diện

Tiếp nhận đơn tố cáo của ông Thi, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tiền Giang tiến hành điều tra, xác định Lê Anh Thư (SN 1999; ngụ xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) – đối tượng có hành vi mua bán người, cưỡng đoạt tài sản. Thủ đoạn của Thư là chiêu dụ, lôi kéo, đưa người sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" để lấy tiền, đòi tiền chuộc nếu nạn nhân muốn về nước.

Ngày 1/8, Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với VKSND tỉnh đã khởi tố và bắt Thư. Kiểm tra nơi ở của Thư, lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ nhiều chứng cứ, tài liệu quan trọng liên quan đến hành vi mua bán người.

Tại cơ quan điều tra, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Thư thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời khai nhận đã lôi kéo được vài người sang Campuchia để Thư hưởng 800 USD. Riêng trường hợp của Tuấn, Thư nhận được 5.000 USD từ các đối tượng ở Campuchia. Ngoài ra, Thư còn đang dụ dỗ được vài người, chuẩn bị đưa sang Campuchia thì bị bắt.

Ham việc nhẹ, lương cao, nhiều người bị chích điện, đánh đập - Ảnh 2.

Bị can Lê Anh Thư

Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tiền Giang cho biết gần đây, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu thông qua mạng xã hội. Các đối tượng tác động vào nhóm người trẻ, chưa có việc làm ổn định, sinh viên mới ra trường muốn tìm việc làm có thu nhập cao.

Chúng chiêu dụ bằng những lời hứa hẹn "việc nhẹ" nhưng mức lương 1.000 USD/tháng để dẫn dụ nạn nhân. Ngoài ra, các đối tượng còn xây dựng hình ảnh của bản thân là một người thành đạt, có đủ điều kiện, vật chất sau khi đi làm tại các "công ty" nước ngoài. Từ đó, nạn nhân dễ tin tưởng nên "sập bẫy".

"Để phòng ngừa có hiệu quả với loại tội phạm mua bán người, người dân luôn nhớ số điện thoại hoặc địa chỉ tin cậy như cơ quan công an hoặc người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc, tìm hiểu về thân nhân, lai lịch của người giới thiệu việc làm.

Tham khảo ý kiến của người thân trước khi xuất khẩu lao động. Không nghe lời bạn bè, người quen đi qua biên giới tìm việc, kể cả khi đi bằng con đường chính ngạch. Nếu muốn hợp tác xuất khẩu lao động, nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp. Hết sức cảnh giác những lời hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao" – Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày