Hai năm sau khi hạn chế, làn sóng mukbang bùng phát trở lại: Chỉ cần ngồi ăn mỗi tháng kiếm 50 triệu đồng

Nguyễn Phượng, Theo Đời sống Pháp luật 20:39 26/12/2023

Hơn hai năm sau khi Trung Quốc đưa ra các quy định nhằm hạn chế việc livestream ăn uống vô độ, hay còn gọi là mukbang, làn sóng độc hại này đã quay trở lại và đối mặt với những chỉ trích mới.

Theo báo cáo trên cơ quan truyền thông trong nước Legal Daily, hơn 30 tài khoản đã tích cực tham gia phát trực tiếp các video ăn uống say sưa, chủ yếu vào lúc nửa đêm. Những người này sẽ thường kết hợp quảng cáo đồ ăn và trò chuyện.

Cụ thể, trong những buổi phát trực tiếp như vậy, các Influencer (người có ảnh hưởng) thường ăn nhiều loại thực phẩm như bánh bao, mì, gà rán và thịt nướng chỉ trong một lần ngồi. Trang cá nhân của họ cũng thường đăng hình ảnh món ăn có màu sắc rực rỡ để thu hút sự chú ý của người xem.

Hai năm sau khi hạn chế, làn sóng mukbang bùng phát trở lại: Chỉ cần ngồi ăn mỗi tháng kiếm 50 triệu đồng - Ảnh 1.

Làn sóng mukbang tại Trung Quốc được hồi sinh sau 2 năm bị khai tử

Zhang Yumi, còn được gọi là Mizi Jun, một trong những người đầu tiên khởi xướng làn sóng mukbang của Trung Quốc. Cô từng rất nổi tiếng vào năm 2016 sau khi tiêu thụ 4kg gạo trong một cuộc thi ăn uống và lập kỷ lục về việc ăn khẩu phần lớn trong một bữa như 10 bát cơm dứa, 8 bát bún và 10 phần chân giò.

Nhưng giờ đây, khi người dùng tìm kiếm các cụm từ như "Vua bụng to" hoặc "phát trực tiếp ăn uống" trên các nền tảng video Trung Quốc như Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quốc - Kuaishou và Bilibili, các thông báo không khuyến khích lãng phí thực phẩm sẽ xuất hiện, chẳng hạn như "Trân trọng đồ ăn và Nói Không với Lãng phí" ở đầu kết quả tìm kiếm của họ.

Báo cáo cho biết, khán giả thường xem các buổi phát trực tiếp về việc ăn uống say sưa vào khoảng 12 giờ đêm với nội dung đa dạng, bao gồm cả việc tiêu thụ lượng lớn thực phẩm và giới thiệu các món ăn độc đáo như ễnh ương, bạch tuộc và nhộng tằm.

Những video như vậy có thể kiếm tiền thông qua nhiều phương tiện, bao gồm quảng cáo, bán hàng trực tiếp và quan hệ đối tác với các tổ chức mạng đa kênh.

Hai năm sau khi hạn chế, làn sóng mukbang bùng phát trở lại: Chỉ cần ngồi ăn mỗi tháng kiếm 50 triệu đồng - Ảnh 2.

Những người quay video sẽ ăn thật nhiều thức ăn trong mỗi bữa

Một người phát sóng trực tuyến nói với Legal Daily rằng cô có thể kiếm được 15.000 nhân dân tệ (khoảng 51 triệu đồng) mỗi tháng và thực phẩm mà cô tiêu thụ trong buổi phát trực tiếp thường không liên quan đến sản phẩm cô quảng cáo. Cô nói, "Ăn uống chỉ là một phương tiện để thu hút khán giả, bán sản phẩm mới là mục tiêu cuối cùng".

Trong bối cảnh nội dung mukbang trở lại, các trang tin tức do nhà nước điều hành ở Bắc Kinh đã kêu gọi các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn. Một bài bình luận gần đây ủng hộ lệnh cấm phát sóng trực tuyến vi phạm đạo đức và nhấn mạnh sự cần thiết phải làm sạch môi trường trực tuyến, ngăn chặn những người có ảnh hưởng "Vua bụng to" tham gia vào hành vi sai trái.

Được biết, một yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển của những video này là tác động vào tâm lý. Chúng có khả năng tạo ra lối thoát cho cảm giác thèm ăn của người xem, đặc biệt là vào đêm khuya.

Chen Jing, một cố vấn tâm lý có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với truyền thông trong nước: "Mọi người xem video mukbang như một sự bù đắp tinh thần cho việc không thể thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn".

Vào năm 2020, đài truyền hình nhà nước CCTV đã chỉ trích mukbang vì khuyến khích lãng phí thực phẩm và các hành vi "ăn giả" hay nôn mửa. Các quy định cụ thể sau đó được áp dụng để đối phó với các video và buổi phát trực tiếp liên quan đến việc ăn uống vô độ.

Hai năm sau khi hạn chế, làn sóng mukbang bùng phát trở lại: Chỉ cần ngồi ăn mỗi tháng kiếm 50 triệu đồng - Ảnh 3.

Các Influencer từng bị đặt nghi vấn ăn giả, nôn mửa sau ăn

Năm sau đó, bốn cơ quan chính phủ, bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt cấm rõ ràng các nền tảng video và truyền hình trực tuyến sản xuất, xuất bản hoặc phổ biến nội dung khuyến khích ăn quá nhiều, uống rượu say hoặc lãng phí thực phẩm.

Những người có ảnh hưởng sau đó đã phải xóa tài khoản hoặc chuyển sang đánh giá nhà hàng. Mizi Jun hiện đang viết blog về ẩm thực và thu hút hơn 18 triệu người theo dõi trên nền tảng Weibo sau khi xóa hết nội dung về ăn uống quá mức.

Trên Bilibili, một nền tảng video của Trung Quốc, các video về những người có ảnh hưởng tiêu thụ lượng thực phẩm lớn đã trở nên hiếm hoi, thay vào đó, nội dung của những người có ảnh hưởng nước ngoài tham gia vào các hoạt động tương tự đã trở nên phổ biến hơn.

Theo Sixth Tone