Vừa mở Facebook ra, đập vào mắt bạn có thể là video livestream của một người bạn nào đó, trong friendlist hoặc trong các hội nhóm mà bạn tham gia. Mở Youtube lên xem top trending, có thể là một video mubkang nào đó của hot Youtuber đang kiếm cả tỷ đồng bằng cách "ăn cho mọi người ngồi nhìn".
Chẳng nói thì ai cũng hiểu, năm 2020 này, có quá nhiều biến động vì đại dịch Covid-19, vì thiên tai bão lũ, vì tai nạn thảm họa. Thứ tưởng chừng như rẻ tiền và tràn lan đại hải như giấy vệ sinh lại trở thành "của hiếm" bị tranh cướp rồi nâng niu hơn cả thức ăn.
Người ta gọi đó là hiện tượng "sao đổi ngôi". Nhưng nếu nói về sự thay đổi ấn tượng nhất, phải kể đến lĩnh vực kết nối trực tuyến: sự lên ngôi của livestream bán hàng, xu hướng giải trí Mukbang, trào lưu dùng Tiktok...
Khi "gã khổng lồ" Facebook và các trang mạng xã hội khác phát triển tính năng livestream, cư dân mạng như thể "được lời như cởi tấm lòng", livestream ở khắp mọi lúc, mọi nơi. Ăn cũng "live", ngủ cũng "live", đi đường cũng lại "live".
Và năm 2020, cái trào lưu live ấy lại càng thịnh hành hơn nữa khi mà cả thế giới phải "ngồi yên một chỗ" vì đại dịch Covid-19. Ở nhà không có việc gì làm thì livestream để giao lưu với bạn bè, dạy cách trang điểm, chia sẻ về cuộc sống... và thậm chí, người ta còn biến nó thành công cụ kiếm tiền vô cùng hữu dụng.
Số liệu trên trang thống kê Statista.com cho thấy tại Mỹ, có tới 25% những người trẻ tuổi xem phim trên các dịch vụ streaming mỗi ngày. Số liệu của Nielson cho thấy streaming chiếm 19% trong tỷ lệ người dân xem TV tại Mỹ.
Trong đợt cao điểm của đại dịch Covid-19, khi hầu hết các quốc gia phải áp lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, thì những nền tảng streaming phim, âm nhạc bỗng trở thành "hàng quý" để người dân giải tỏa căng thẳng, giải trí hoặc thậm chí là giết thời gian. Năm 2020, hàng loạt các bom tấn cũng phải tìm cách "đổ bộ" vào các kênh streaming thay vì công chiếu ở rạp.
Ảnh minh họa
Trở lại vài năm trước, nhiều người nghĩ rằng "bữa tiệc linh đình" có thể sớm kết thúc đối với ngành công nghiệp video phát trực tiếp của Trung Quốc bởi số lượng người xem giảm không phanh dù đã được đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Tuy vậy, ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự tích hợp của các tính năng video phát trực tiếp với các nền tảng thương mại điện tử và giải trí khác nhau. Và năm 2020, đại dịch Covid-19 đến như thể "chất xúc tác" đẩy lĩnh vực livestream lên một tầm cao mới, không một ngành nghề nào sánh bằng.
Lượng người xem livestream tăng kỷ lục, người bán hàng cũng tăng đột biến. Đến nỗi mà, cả những doanh nhân nổi tiếng như tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba hay Liang Jianzhang, chủ tịch Tập đoàn Trip.com cũng tham gia livestream.
Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba (phải) cũng livestream bán hàng
Zhang Dingding, nhà bình luận ngành công nghiệp Internet và cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh, nói: "Livestream là một mô hình đầy sáng tạo, cho phép người dùng tương tác và cùng tham gia. Sự tương tác góp phần thúc đẩy các giao dịch".
Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, từng tham gia cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi, người được mệnh danh là "vua son môi". Austin từng bán 15.000 thỏi son chỉ trong 5 phút trên Taobao Live. Cuộc thi xem ai có thể bán nhiều son hơn, phát trực tiếp trên nền tảng Youku, đã thu hút hàng triệu người xem.
James Liang Jianzhang, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Trip.com, dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc cũng là một ngôi sao livestream. Trong các buổi live của mình, ông Liang mặc đồ cổ trang để giới thiệu các sản phẩm, ứng dụng mới của công ty. Một buổi livestream kéo dài hàng giờ của nhà sáng lập Trip.com đã thu hút hơn 600.000 người theo dõi và mang về doanh thu 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD).
Ông James Liang, Chủ tịch Trip.com livestream bán hàng
Luo Yonghao, cựu CEO hãng công nghệ Smartisan đã thu hút 48 triệu lượt người xem livestream bán các sản phẩm công nghệ và đem về doanh thu 110 triệu nhân dân tệ (15,5 triệu USD) vào ngày 1/4. Ngày 11/4 Yonghao tiếp tục đem về doanh thu 35 triệu nhân dân tệ (5 triệu USD) và thu hút 11 triệu lượt xem khi livestream, theo nhà cung cấp dữ liệu newrank.cn.
Theo số liệu tổng kết từ các nguồn của iMedia Research, tổng giá trị của các giao dịch thông qua livestream tại Trung Quốc đạt 61 tỷ USD vào năm ngoái. Năm 2020, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lĩnh vực này còn được dự đoán lên tới 129 tỷ USD. Chỉ riêng Taobao Live, từ tháng 3 đến tháng 6, số lượng người xem livestream trên nền tảng này đã tăng 160% và số lượng người bán tham gia đạt 220% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo luật của hầu hết các quốc gia, một bộ phim được công chiếu cần qua kiểm duyệt nội dung kỹ càng, sát sao thì giờ đây, trên nền tảng streaming, nó dễ dàng được phát tán mà chẳng ai cấm được. Điều này đã dấy lên những quan ngại về hậu quả xã hội do những tác phẩm thiếu kiểm soát về mặt nội dung, hình ảnh.
Nhiều hoạt động livestream bị đánh giá là trái với thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống xa hoa, lãng phí, vô trách nhiệm.
Còn nhớ, vào tháng 6 vừa qua, một thanh niên ở bang California (Mỹ) mới đây đã gửi đơn kiện mạng xã hội Twitch đòi bồi thường 25 triệu đô la (575 tỷ đồng) vì "phải" tiếp xúc với quá nhiều nội dung khiêu dâm và những hình ảnh khêu gợi quá mức của các streamer trên nền tảng này. Đơn kiện dài 56 trang do thanh niên tên Erik Estavillo đệ trình bao gồm hình ảnh của rất nhiều nữ streamer trên Twitch.
Trong đơn khiếu nại, Estavillo đã cho rằng anh đã mắc phải các căn bệnh như OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, nghiện sex, sợ không gian rộng và cả bệnh Crohn (viêm đường ruột) vì đã dựa dẫm quá nhiều vào Internet tất cả vì mục đích giải trí. Sau đó, anh chàng này chỉ đích danh "tội lớn" của Twitch là để cho hình ảnh của các nữ streamer gợi cảm xuất hiện một cách quá thường xuyên khiến cho nguyên đơn gần như không thể sử dụng Twitch mà không tiếp xúc với nội dung tình dục như vậy.
TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn - từ lâu đã là "trò tiêu khiển" của nhiều bạn trẻ nhưng đến năm 2020, khi các khái niệm mới được sinh ra như làm việc và học tập từ xa, giải trí tại chỗ hay kể cả đặt hàng trực tuyến cũng nở rộ lên như 1 phương pháp duy trì cuộc sống thường nhật xung quanh ta, thì TikTok cũng "bùng nổ" trở thành "mạng xã hội được nhiều người yêu thích và sử dụng.
Trong 1 năm qua, TikTok luôn dẫn đầu trong danh sách có lượt tải về nhiều nhất. Có thể nói, chính TikTok đã tạo nên nhiều xu hướng khác nhau. Chỉ cần 1 câu nói, sự kiện hay bài hát được đông đảo người biết đến là ngay lập tức trên TikTok đã tạo nên những trào lưu hết sức thú vị.
Mà không chỉ giới trẻ, cả các cô các bác có tuổi cũng "đu trend" dùng TikTok cực đỉnh, thậm chí còn trở thành hot TikToker được nhiều người chú ý.
Chẳng hạn như hồi tháng 9 vừa qua, dân mạng xôn xao về một "bà thím" trở thành hot Tiktoker với 1,4 triệu lượt thích cùng 46.000 người theo dõi mà chẳng cần màu mè gì. Sử dụng tài khoản có tên blackbeltmom67, bà chia sẻ những khoảnh khắc đời thường quanh quẩn trong căn nhà nhỏ để chăm sóc chồng. Thỉnh thoảng, bà trình diễn vài "đường quyền" để thể hiện sức mạnh của một võ sĩ đã lên đến đai đen đẳng cấp.
Đai đen cấp độ 3 rồi đó nha!
Video: Nhảy múa mua vui cho chồng đang nằm trên giường bệnh
Năm 2020 cũng là một năm đánh dấu sự thành công vang dội của nghề Mukbang YouTuber cũng bởi đại dịch Covid-19 đến và người ta coi đó như một trò tiêu khiển, giết thời gian và giải trí, xả stress.
Mukbang trở thành xu hướng nhờ vào trải nghiệm cảm giác ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response - Tạm dịch: Phản ứng kích thích cảm giác tự động). Người xem có thể vừa nghe thấy âm thanh ăn uống của các mukbanger và được nhìn thấy hình ảnh các món ăn ngon mắt. Các mukbanger tạo tiếng nhóp nhép, xì xụp… ở những video ăn uống. Chúng tạo những khoái cảm về mặt tâm sinh lý, giúp khán giả giảm căng thẳng.
Những người đam mê Mukbang có thể dễ cảm thấy hài lòng khi xem người khác ăn loại thực phẩm mà họ thèm muốn, hoặc đơn giản là thưởng thức video như một hình thức giải trí. Có những người dành hàng giờ đồng hồ chỉ để xem trọn một video Mukbang. Hay đến ban đêm, khi cơ thể bỗng thèm một cái gì đó nhưng không thể ăn, họ cũng tìm đến Mukbang.
Năm 2020, xuất hiện càng nhiều các Mukbang YouTuber với những nội dung độc đáo, sáng tạo để thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, thu hút lượt xem, lượt theo dõi kênh... Từ đó, họ kiếm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ những video ăn uống giải trí tưởng vô bổ ấy.
Hồi tháng 7 vừa qua, trang Pann đình đám đã đưa ra số liệu về thu nhập của các YouTuber mukbang xứ Hàn. Trung bình, mỗi người trong danh sách top 5 giàu có nhất này "cá kiếm" được khoảng 215 triệu đến 2,8 tỷ won mỗi tháng.
Đứng đầu trong danh sách chính là Dona (도나) với mức thu nhập cao khủng khiếp khiến ai cũng "sốc" khi nghe qua: 2 tỷ 846 triệu won, tương đương hơn… 55 tỷ đồng mỗi tháng, cao gấp nhiều lần những vị trí còn lại trong bảng xếp hạng.
Xếp sau Dona lần lượt là: Jane ASMR với 796 triệu won mỗi tháng (khoảng 15,4 tỷ đồng), Hongyu ASMR với 445 triệu mỗi tháng (tương đương 8,6 tỷ đồng), Hamzy với 261,5 triệu won mỗi tháng (khoảng hơn 5 tỷ đồng) và Eat with Boki với 215,2 triệu won mỗi tháng (cỡ 4,2 tỷ đồng).
Kênh Jane ASMR có hơn 8,58 triệu subscribes và hơn 2,4 tỷ view
Kênh Hongyu ASMR có hơn 4,47 triệu subscribes và hơn 1 tỷ view
Kênh Hamzy có hơn 3,54 triệu subscribes và hơn 833 triệu view
Nguồn: Tổng hợp