Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên nhanh: lúc 7 giờ ngày 22/7, mực nước tại Hà Nội lên mức 9,0m (dưới báo động 1: 0,5m); lúc 19 giờ ngày 22/7, mực nước tại Hà Nội xuống mức 8,80m (dưới báo động 1: 0,7m).
Do mực nước sông Hồng lên nhanh, cảnh báo nguy cơ ngập lụt vùng trũng và bãi bồi ven sông Hồng.
Cũng theo ghi nhận thực tế tại chân cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng - Tây Hồ - Hà Nội) trong ngày 22/7 mực nước lên cao khiến hàng hét-ta đào bị chìm trong biển nước. Ngay sau đó đến sáng ngày 23/7 dù nước đã rút đi nhiều nhưng những vùng trũng hàng nghìn gốc đào vẫn bị ngập trong nước lũ.
Từ ngày 21/7 nước sông Hồng bất ngờ dâng lên cao khiến khu vực chân cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng) và khu vực bãi bồi thuộc phường Nhật Tân xảy ra hiện tượng hàng hét-ta đào bị ngập úng trong nước lũ.
Theo ghi nhận sáng ngày 23/7 dù nước đã rút khoảng 60-70cm so với ngày 22/7 nhưng lượng đào bị ngập ở khu vực trũng vẫn còn nhiều.
Rất nhiều hộ nông dân trồng đào tại phường Phú Thượng cho biết, việc nước lũ dâng cao bất ngờ tràn vào khu vực trồng đào khiến họ không kịp trở tay.
Ngoài những khu vực nước đã rút đi một số gốc đào có hiện tượng bị héo lá do bộ rễ yếu thì lo lắng nhất là khu vực nước vẫn còn đọng lại có điểm ngập lên đến 50cm. Theo người dân, nếu trong một vài ngày tới nước không rút hết những gốc đào này sẽ chết.
"Gốc đào này đã phải chịu cảnh ngập lụt đến ngày thứ 3, đến thời điểm hiện tại nước vẫn ngập như thế này chúng tôi lo sợ cây sẽ không chịu được và chết", một người nông dân chia sẻ.
Nhiều nông dân không còn biết phải làm gì với tình trạng nước ngập hàng nghìn gốc đào như thế này.
"Năm ngoái cũng bị ngập nhưng không đến mức ngập nặng như năm nay, chúng tôi chăm đào cả năm giờ ngập như thế này xem như bị thua lỗ trong mùa này rồi", anh Trung chia sẻ.
Những gốc đào bị dầm mình trong nước nhiều ngày bắt đầu có hiện tượng bị "ngậm" nước quá nhiều.
"Trong ngày 22/7 nước ngập trắng hết, sau đó nước rút mạnh nhưng đến thời điểm này nước khu vực trũng này không có lối thoát", anh Trung nói.
Nước ngập khiến đào bị ảnh hưởng nặng nề, bên cạnh đó các loại rau màu trồng xen canh như: Hoa cúc, các loại rau, củ... cũng bị ảnh hưởng.
Những luống hoa cúc mới trồng phục vụ Rằm tháng 8 đã bị héo úa do ngập nặng.
Một số gia đình đã phải nhổ bỏ các gốc đào bị ngập úng gây thối rễ.