Cứ tới 7 giờ tối, cả nhà lại ngồi vào bàn ăn cơm, xem thời sự và kể những câu chuyện tầm phào trong ngày. Bữa nay khác, mẹ tôi không kể chuyện mua rau đắt rẻ, bố không hỏi chuyện Phây-búc đang có gì hay ho không. Khác với ngày thường, mẹ quay sang hỏi tôi:
“Trước mẹ cứ nghĩ Triều Tiên xa lắm, không ngờ đi bằng tàu qua Việt Nam được, mai mốt nhà mình cũng đi du lịch Triều Tiên được không con?”.
Hóa ra, các cụ đang nói về câu chuyện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Tôi cười cười.
Bữa cơm vừa kết thúc, mẹ hớt hải chạy ra ngoài cửa nhỏ to với mấy cô hàng xóm. Những người phụ nữ vùng ngoại thành ít khi vào thành phố, họ nói về việc “cuối tuần này lên phố đi bộ đi, cờ hoa đẹp lắm”, họ háo hức khi đâu người ta cũng nói về Việt Nam, về những con đường sạch sẽ, khang trang.
Có những con số khá thú vị, như 4.000 cột cờ nơi tung bay 3 lá quốc kỳ của Việt Nam - Hoa Kỳ - Triều Tiên, phía dưới là biểu tượng cái bắt tay hoà bình, 4.000 giỏ hoa tươi được "đính" khắp các tuyến phố cùng 500.000 cây xanh lần lượt được tỉa cành, công nhân làm việc xuyên đêm "vá" lại những con đường cũ.
Tôi đoán rằng mẹ tôi hay nhiều người khác không biết rằng Hội nghị lần này là về gì, rằng thế giới sẽ thay đổi ra sao. Như phần lớn người Việt Nam khác, họ cảm thấy có chút vui trong lòng vì một lần nữa cái tên Việt Nam lại được nhắc tới nhiều trên toàn thế giới. Niềm háo hức ấy cứ thế len lỏi qua từng con phố, gợi lên những câu chuyện trong bữa cơm gia đình.
Sáng 26/2, ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) vui mừng đón chào Chủ tịch Triều Tiên sau hơn 60 giờ đồng hồ ông ngồi trên tàu bọc thép xuất phát từ Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam và nhận được sự chào đón nồng hậu của người dân. Những đám đông cứ thế nối dài, trên khắp đường phố Hà Nội.
Rất nhiều người dân hào hứng đứng sau những thanh rào chắn chờ đợi với hy vọng được nhìn thấy lãnh đạo Triều Tiên. Hàng trăm máy ảnh liên tục chớp sáng ghi lại khoảnh khắc đoàn xe tháp tùng chủ tịch Kim đến khách sạn. Hai bên đường, màu cờ 3 nước tung bay trong gió.
"Sáng hôm nay, nhìn đoàn xe lướt qua, dù chỉ nhanh thôi, chúng tôi cũng cố gắng vẫy chào ông Kim. Bản thân tôi hy vọng, sau này, Hà Nội sẽ còn được nhắc đến như một mốc son đánh dấu cho hoà bình thế giới" - bác Hoa (60 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số hàng trăm tổ trưởng tổ dân phố đứng dọc bên đường làm "lá chắn" phân hàng người dân.
Hòa mình trong dòng người ấy, tôi thấy niềm hân hoan khác ngày thường của người dân. Họ có mặt ở đây từ rất sớm, nhân viên văn phòng hay những người lao động bình thường cũng có cả. Họ mang theo hoa, cờ và những hình ảnh đẹp về Mỹ - Triều Tiên. Hỏi một người phụ nữ đứng cạnh tôi điều gì khiến cô háo hức đến vậy, cô nói:
“Mỹ hay Triều Tiên đều là những quốc gia xa xôi với chúng tôi. Có lẽ chưa bao giờ, tôi nghĩ rằng mình có thể đứng gần với những Nguyên thủ quốc gia đến như vậy. Được tiếp đón họ trên đất nước Việt Nam thì người Việt nào chẳng háo hức cơ chứ?”.
Có những người lớn tuổi đã đứng chờ ở đây từ sáng. Sống qua bao cuộc chiến tranh, bao biến cố lịch sử, họ háo hức chờ đón Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên như một tín hiệu vui của lịch sử. Tôi đọc hàng chục bài báo, lắng nghe những lời chia sẻ của bạn bè trên Facebook, đâu đâu cũng reo vang những lời chúc mừng. “Thật vui khi Việt Nam được lựa chọn như một điểm đến của hòa bình” hay “Việt Nam là một đất nước yêu hòa bình”.
Một vài tiếng nói chuyện xung quanh khu vực chờ tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. "5 phút nữa ông Kim tới kìa", "Mọi người đừng xen lấn xô đẩy nhé", "Bà con cố gắng đừng lấn qua vạch kẻ". Tiếng còi xe vang lên đầy kiêu hãnh, đoàn tháp tùng đi trước, xe chở lãnh đạo Triều Tiên theo sau, người dân 2 bên giơ tay vẫy chào, tươi cười.
Giữa đám đông hồi hộp chờ đợi đoàn xe của hai nhà lãnh đạo, có vài anh chị nhân viên văn phòng, tếu táo: "Tụi tui xin sếp nghỉ một chút để xuống đây vẫy chào ngài Kim". Và bạn cũng có thể thấy, sau lớp kính ngăn cách đường lớn và bên trong văn phòng làm việc, nhiều chị em tươi cười, tranh thủ "ngó nhìn" ông Kim.
Mọi công tác được tổ chức chặt chẽ.
Cụ bà đứng hẳn trên cao ngắm đoàn xe ngài Kim cho rõ.
Chúng ta không chỉ vui khi Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức một hội nghị cấp cao quan trọng trong năm mà đó còn là nơi mang nhiều ý nghĩa với điều mà cả thế giới luôn mong đợi: hòa bình.
“Còn điều gì ý nghĩa hơn những thỏa thuận liên quan tới hòa bình được ký kết tại đất nước đã nỗ lực hết mình để có được hòa bình”, một người bạn của tôi gõ vài dòng trên Facebook, ngay buổi sáng con tàu của Chủ tịch Kim Jong-un tiến vào ga Đồng Đăng tại Lạng Sơn.
“Cô cũng không rõ họ là ai đâu, mọi người nói vui và quan trọng thì cô cũng biết thế. Thấy đường phố khang trang sạch sẽ, nhiều lẵng hoa rồi đèn điện thì mình cũng thấy vui theo”. Một cô bán hàng rong ngó theo dòng người đông đúc. Đất nước tôi không dựng lên bằng những điều lớn lao, chỉ bằng những niềm vui giản đơn và tình yêu hòa bình cũng đủ để người ta không quên Việt Nam rồi.
Tối Chủ nhật, cậu bạn người nước ngoài nhắn tin hỏi đùa tôi:
“Này, Tổng thống Donald Trump sắp tới Việt Nam đó, mày có được gặp ông ấy không?”.
“Tất nhiên không rồi”, tôi đùa lại.
“Ừ, tao cũng đoán, nhưng nếu được gặp nhớ dẫn ông đi Phở nhé, bánh mì nữa! đi Ninh Bình hay đi Hạ Long nữa nghe chưa”. Kể cả những người bạn nước ngoài, họ cũng đang hướng về đất nước tôi như một nơi sẽ ghi dấu lịch sử.
Người dân và lực lượng an ninh đứng chờ phái đoàn Triều Tiên.
Việt Nam tôi đâu chỉ có phở, có nem hay bánh mì; đó là món bún chả trứ danh Obama từng nếm thử khi ghé thăm Việt Nam, đó là món bánh xèo nổi tiếng từng xuất hiện trên bộ phim ẩm thực nổi tiếng. Ai cũng muốn đưa những món ăn mang hồn cốt của Hà Nội, của dân tộc Việt Nam tới bạn bè thế giới - một niềm tự hào về những giá trị truyền thống của đất nước. Ông chủ hàng phở Thìn muốn mời hai Nguyên thủ dùng Phở, chủ quán Cà phê Giảng cũng vậy. Rồi nhiều nghệ sĩ cũng mong muốn tặng những tác phẩm của mình cho Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, từ tranh Đông Hồ cho tới nón lá. Ngồi trong phố cổ, chị hàng nước vui vẻ nói với tôi:
“Hai vị mà tới đây uống nước trà đá thì chị sẽ mời mọi người miễn phí trong cả ngày đó luôn”. Chị cười hồ hởi, vui vẻ, dù biết những nội dung cuộc họp ấy xa vời lắm với hàng nước chè của mình. Người ta không nói về chuyện nhà này nhà kia trong quán nước nhỏ mà mọi câu chuyện đều xoay quanh Hội nghị Mỹ - Triều Tiên đặc biệt lần này. Từng góc phố, hàng ăn, quán nhỏ đều mang những phong vị của một Hà Nội thật khác mà người dân Hà Nội nào cũng muốn bạn bè biết tới. Chúng tôi phấn khởi khi một lần nữa, sự hiếu khách và những nét đẹp của văn hóa Việt Nam sẽ lại được người dân toàn thế giới ghi nhận.
Đi giữa Hà Nội những ngày này, đâu đâu cũng thấy các phóng viên nước ngoài. Gần 3.000 phóng viên quốc tế đã tới Hà Nội, chiếm số đông là phóng viên từ những đài, báo, hãng tin lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản như KBS, NHK, SBS, Fuji, Yonhap. Những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất của Việt Nam, đi kèm sự nhiệt tình, nồng ấm của người dân đã phần nào đem đến cho họ sự thoải mái khi tác nghiệp và những ấn tượng tốt đẹp.
Bạn biết đấy, tất cả phóng viên quốc tế đều được thưởng thức miễn phí nhiều đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, như bún chả, bún thang, nem, phở, cà phê trứng,... do chính tay nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng nhất chế biến. Nhiều chuỗi quán cafe, quán ăn nổi tiếng của Hà Nội cũng mong muốn đây là cơ hội quảng bá ẩm thực Việt Nam tới các phóng viên nước ngoài và thành viên phái đoàn Mỹ, Triều Tiên khi đến Hà Nội.
Nhóm phóng viên Reuters khoe ảnh đi ăn bánh mì Hà Nội, món chả cá của phóng viên CNN là một số hình ảnh đã được đưa trên trang mạng xã hội cá nhân của một số nhà báo quốc tế. Trong khi đó, anh Bhavan Jaipragas, đến từ báo South China Morning Post hóm hỉnh chia sẻ: "Tin rất, rất, rất quan trọng! Yêu cầu các nhà báo tác nghiệp tại trung tâm báo chí phải được mời ăn tất cả những đặc sản ẩm thực của Việt Nam như nem, phở, xôi và thịt nướng".
Bên cạnh những thông tin về Hội nghị là những câu chuyện về vẻ đẹp, con người Việt Nam. Những góc phố thân quen, hồ Tây rồi Văn Miếu, phố Cổ hay những con đường giao mùa lãng mạn hiện lên thật hiền hòa. Không có quá nhiều cơ hội để hình ảnh về Việt Nam lại được cả thế giới biết nhiều tới vậy. Với những người làm du lịch, họ cũng tự hào biết mấy khi thấy các điểm đến của Việt Nam xuất hiện nhiều trên báo chí nước ngoài.
“Giờ đây ai cũng biết Việt Nam không chỉ có vịnh Hạ Long mà còn vô vàn những điểm đến ấn tượng, từ Hà Nội cho tới Ninh Bình. Chúng tôi sẵn sàng dành tặng các tour miễn phí cho phóng viên nước ngoài tới đất nước mình trong dịp này”.
Bên cạnh những cảnh đẹp, những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, bạn bè quốc tế còn có những câu chuyện thú vị về những con người hiếu khách, thân thiện, những cử chỉ đẹp của người dân Thủ đô.
Chính mỗi người dân Hà Nội là một vị đại sứ đại diện cho hình ảnh Việt Nam mến khách.
Những chiếc áo phông in hình Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hay cờ 3 quốc gia Mỹ, Triều Tiên, Việt Nam được bày bán nhiều tại các cửa hàng thu hút đông người mua. Nhưng có lẽ, sự thân thiện, mến khách mới là lý do khiến đông đảo du khách đến đây.
Màu đỏ là biểu tượng của màu cờ sắc áo, của tổ quốc Việt Nam, cô bán hàng thân thiện tặng những chiếc mũ màu đỏ cho bạn bè quốc tế. Đơn giản lắm, như cách cô chia sẻ, "mong các bạn có một chút nhớ thương về Hà Nội, về con người Việt Nam".
Nếu bạn có cơ hội ghé quán nước chè trên phố Lý Thường Kiệt, ắt hẳn sẽ bắt gặp ông chủ nhiều tuổi, chân thật và dí dỏm:
"Hôm nay là sự kiện trọng đại, khuyến mạiiii" - ông chú hét lớn, rồi đon đả mời từng phóng viên uống nước chè nhà mình, bởi người Việt Nam là thế đấy, mến khách và thân thiện!
Một cửa hàng ở phố cổ Hà Nội bán áo phông in hình 2 nhà lãnh đạo lớn của thế giới.
Những ngày vừa qua, các cửa hàng quanh khách sạn JW Marriott nằm trên đường Đỗ Đức Dục - nơi lưu trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du tới Việt Nam, đều buộc phải đóng cửa tạm thời để đảm bảo cho công tác an ninh.
Khi được hỏi liệu đóng cửa như thế này có ảnh hưởng nhiều tới việc kinh doanh không?, một ông chú vui vẻ trả lời: "Có sao đâu, đóng cửa 3, 4 ngày, mình mất chút doanh thu, nhưng góp phần làm đẹp cho cả Quốc gia".
Chỉ với một câu nói, ông chú Hà Nội đã làm mọi thứ dịu đi, dù trước đó không khí an ninh siết chặt vẫn luôn được tăng cường trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều. Lực lượng chức năng cũng bắt đầu tiến hành cấm một số tuyến đường ở Thủ đô, đương nhiên có báo trước và người dân không cảm thấy khó chịu với việc này.
Ai cũng háo hức và đợi chờ, rồi cùng vỗ tay khi đoàn xe đi tới.
"Tôi nghĩ, không chỉ người dân Thủ đô mà nhân dân cả nước đều mong chờ cuộc gặp gỡ lịch sử Mỹ - Triều. Dù cấm đường khiến một số nơi tôi đi qua gặp khó khăn, nhưng không sao, tôi hy vọng về một cơ chế hoà bình lâu dài và ổn định ở Triều Tiên sau hội nghị này" - chú Hùng (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Trưa 25/2 (giờ Washington tức đêm 25/2 giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump lên máy bay Air Force One, rời Căn cứ Không quân Andrews, bắt đầu chuyến công tác tới Việt Nam. Ngồi trên máy bay, ông Trump đăng dòng tweet bày tỏ sự lạc quan: "(Tôi) đang trên đường tới Việt Nam để gặp ông Kim Jong-un, mong chờ một cuộc gặp thượng đỉnh rất hiệu quả".
Sau nhiều giờ bay, khoảng 21h tối 26/2, chuyên cơ Air Force One đáp xuống sân bay Nội Bài. Tiết trời Hà Nội về đêm, lạnh và có mưa phùn, nhưng cũng không ngăn được dòng người xếp hàng dọc các tuyến phố ông Trump cùng siêu xe "quái thú" băng qua.
Sự đón tiếp nồng hậu của người dân Thủ đô được ngài Tổng thống đáp trả bằng cú vẫy tay tình cảm và thân thiện. Trong sáng cùng ngày, chủ tịch Triều Tiên cũng đã chủ động hạ cửa kính xe bọc thép, gửi lời chào tới người dân Việt Nam.
Trên trang cá nhân, ông Trump viết: "Cảm ơn tất cả người dân vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Đám đông khổng lồ chứa đựng rất nhiều tình cảm".
Đón ông Trump, mặc dù giữa đêm lạnh và tối, người dân vẫn cố gắng đứng gọn gàng 2 bên đường. Cờ, hoa, biểu ngữ cùng những nụ cười thay cho lời chào mừng Tổng Thống Mỹ tới "thành phố vì hòa bình", cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh sắp tới.
Người dân đứng đợi Tổng thống Trump đường Võ Chí Công, hướng từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội.
Việt Nam có vinh dự được là quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh mang tầm vóc thế giới, nhưng vinh dự nhất của đất nước chúng ta là giờ phút này được chứng kiến sự thay đổi vĩ đại nhất, một hành tinh cùng ngồi lại vì hoà bình, không còn chiến tranh. Chúng ta đều rất vui khi thấy Hà Nội là thành phố trung lập đóng góp vào nền hoà bình ấy.
Để có được cơ hội tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên không phải dễ dàng. Khi Singapore tổ chức Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2018, đất nước này đã phải chi ra 11,8 triệu USD với cơ sở vật chất hàng đầu trên giới. Việc Việt Nam vượt qua Thái Lan và được lựa chọn trở thành nơi tổ chức Hội nghị lần hai đã thực sự chứng tỏ được khả năng của Việt Nam, cũng như đất nước luôn sẵn sàng cho các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
“Mình hiểu rằng để Việt Nam có được cơ hội tổ chức một sự kiện lớn như vậy không phải may mắn hay điều dễ dàng. Đó là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, địa điểm chiến lược và rất nhiều yếu tố khác. Thực sự đó là tín hiệu đáng mừng khi Việt Nam ngày càng được các cường quốc trên thế giới công nhận”, Huy Minh - một bạn trẻ đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ.
Hàng ngàn phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Việt Nam xuyên suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Vài nghìn phóng viên tới Việt Nam tác nghiệp là một con số ấn tượng và đi cùng đó là hàng nghìn lần cái tên Việt Nam, Hà Nội được thế giới biết tới. Chỉ cần Google những cụm từ như “Hanoi”, “Vietnam” những ngày này, bạn sẽ được trả về rất nhiều thông tin liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên trên các tờ báo lớn như Reuters, New York Times, BBC, CNN… Là những người làm báo chí, chúng tôi càng hiểu hơn hết điều ấy có ý nghĩa và giá trị như thế nào với một đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong thành phố tôi những ngày này, và có lẽ trên khắp Việt Nam, những niềm vui ấy cứ lan dần từ quán nước nhỏ, trên vỉa hè cho tới những cửa hàng cà phê, văn phòng công sở. Đó không chỉ là về số lượng khách du lịch sẽ tới vào năm sau hay số bài báo nhắc tới Việt Nam; mọi thứ đi lên từ những điều nhỏ bé hơn, đâu đó trên mạng xã hội, người ta sẽ nói.
“À, vậy là tôi biết Việt Nam ở đâu rồi. Đất nước này thực sự đẹp lắm!”.
“Việt Nam quả thật là một đất nước rất đẹp”.
Tôi không biết quá nhiều điều to tát, nhưng chính những điều đó làm nên sự phấn chấn trong tôi, trong một ngày trọng đại như vậy.
Dòng người đổ ra đường chờ đón ông Kim Jong-un.