Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hoàng Mai, đến cuối năm 2023, Dự án xây dựng đường Tam Trinh được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh lại, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2026, chậm 7 năm so với kế hoạch trước đó. Tổng đầu tư dự án là 3.354 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.287 tỉ đồng. Chợ Mai Động là một trong những địa điểm cần phải giải phóng ngay để phục vụ dự án theo phê duyệt mới.
Hơn 300 tiểu thương đang hoạt động tại chợ nhận thông báo "khẩn cấp" phải dọn dẹp ra khỏi chợ để trả mặt bằng cho dự án, chợ Mai Động phải dừng hoạt động trước ngày 29/02/2024. Các tiểu thương ở đây cho biết mới nhập hàng để bán trong và sau dịp Tết số lượng còn nhiều nên việc đóng cửa ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý (BQL) chợ Mai Động mở duy nhất một cửa ra vào cho các hộ kinh doanh thu dọn, di dời hàng hóa. Thế nhưng, sau khi đóng cửa chợ, các tiểu thương ở chợ hầu hết không biết "đi đâu về đâu".
Chợ Mai Động thông báo "đột ngột", dừng hoạt động từ ngày 29/2/2024.
Ban quản lý (BQL) chợ Mai Động mở duy nhất một cửa ra vào cho các hộ kinh doanh thu dọn, di dời hàng hóa.
Bà Xuân (70 tuổi) đã 29 năm buôn bán quần áo, giày dép ở chợ Mai Động, bà Xuân cho biết kinh doanh từ những ngày thành lập chợ nhưng cũng "không kịp trở tay" khi biết chợ đóng cửa đột ngột. "Ngày 22/2, BQL chợ thông báo sẽ đóng cửa chợ từ ngày 29/2. Trong vòng 4 ngày thì làm sao có thể chuyển hết một đống hàng hóa nên chỉ đành "bán đổ bán tháo" với giá rẻ. Sau khi đóng cửa chợ tôi cũng chỉ có thể về nhà chứ giờ cũng không có chỗ bán", bà Xuân chia sẻ.
Bà Xuân (70 tuổi), một trong những tiểu thương thiệt hại nặng nề sau thông báo chợ Mai Động đóng cửa.
Cô Đào Thị Kim Dung (65 tuổi) có 28 năm buôn bán giày dép tại chợ Mai Động, cô cho biết trong kho nhà còn 8 bao tải giày dép mới nhập với giá 100 triệu đồng mà phải thanh lý vội vì chợ đóng cửa đột ngột. "Nhà tôi còn một đống hàng mới nhập giá 100 triệu đồng, sau khi nghe tin chợ đóng cửa có người đến hỏi mua thanh lý với giá 15 triệu đồng, tuy nhiên ngay hôm sau họ chỉ còn trả có 10 triệu đồng. Giày dép không thể chuyển đi đâu, không có bảo vệ sợ bị mất hàng nên đành phải bán", cô Dung chia sẻ.
"Chúng tôi ở đây cũng vui vẻ di dời, trả lại mặt bằng cho dự án làm đường nhưng nên cho thời gian dài một chút để không nhập hàng, bán hết số hàng còn lại cho bà con đỡ thiệt thòi. Mất cả trăm triệu cũng đau lòng lắm!", cô Dung bức xúc.
Một số người còn bám trụ lại mong bán nốt số hàng tồn đọng, vớt vát lại chút vốn liếng
"Theo lịch là 29/2 vừa rồi BQL chợ yêu cầu đóng hết các cửa hàng. Từ 22-24/2 là đóng một số cổng, đến 25/2 là cắt hết điện, nước chỉ để lại một cổng duy nhất. Trong 4 ngày thì không thể nào xoay kịp, chỗ ngồi không có, hàng hóa còn tồn đọng. Đáng nhẽ BQL phải báo trước 1-3 tháng để có thể sắp xếp", một tiểu thương bán thức ăn trong chợ Mai Động chia sẻ.
Các tiểu thương ở đây cho biết, theo kế hoạch sẽ chuyển ki-ốt về chợ Lĩnh Nam, tuy nhiên đa số các tiểu thương đều không đồng ý do chợ Lĩnh Nam là chợ tư nhân không phải chợ truyền thống , xa với khu vực sinh sống và chợ cũng bỏ hoang, xuống cấp sau nhiều năm xây dựng.
"Tôi bán quen cho các cửa hàng bún, phở xung quanh đây, bây giờ chuyển về chợ Lĩnh Nam cách xa 4-5km thì còn ai nhập hàng của tôi nữa", một tiểu thương bán bánh bún, phở chia sẻ.
Một số ki-ốt bán đồ tươi, sống cố bám trụ tại chợ Mai Động vì không biết "đi đâu về đâu".
Các lối đi trong chợ không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp buôn bán.
Cảnh hoang tàn bên trong chợ sau khi nhiều ki-ốt đã chuyển đi.
Khu chợ Mai Động hoạt động từ giữa những năm 90 thế kỷ trước, với hơn 300 tiểu thương giờ tan hoang như sau cơn bão...