Bảo tàng Điềm Phùng Thị
Điềm Phùng Thị là trường hợp đặc biệt của ngành điêu khắc, một phụ nữ xinh đẹp, nhỏ nhắn, là tiến sĩ Nha khoa của Pháp đã bất ngờ say sưa sáng tác điêu khắc.
Mặt tiền Trung tâm nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị. Ảnh: Ngọc Hân
Những tác phẩm điêu khắc của bà với bảy mẫu tự đặc trưng của ngôn ngữ Điềm Phùng Thị chinh phục giới mỹ thuật thế giới. Hàng loạt buổi triển lãm quy mô tổ chức ở khắp nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ... Tên của bà cũng được ghi trong đại từ điển Larousse (1991). Bảo tàng Điềm Phùng Thị nằm lặng lẽ bên dòng sông Hương, các tác phẩm điêu khắc bà hiến tặng Huế mở rộng cửa để mọi người vào thưởng lãm.
Ngôi biệt thự tọa lạc bên bờ sông Hương lưu giữ các tác phẩm điêu khắc và di vật của bà Điềm Phùng Thị (Ảnh: Ngọc Hân)
Trong bảo tàng có treo câu nói của bà: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ/Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa/ Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissiere, tôi trao tôi cho các bạn”.
Địa chỉ: Số 17 Lê Lợi, TP Huế
Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng
Rời bảo tàng Điềm Phùng Thị, đi tiếp vài trăm mét đến số 15 Lê Lợi là Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, danh hoạ có sự nghiệp mỹ thuật lừng lẫy ở Pháp và trên thế giới.
Bên ngoài Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng
Bắt đầu từ thanh niên nghèo vẽ những bức ký họa mèo một nét độc đáo con phố nhỏ ở Paris, nay nổi tiếng với tên phố "Con mèo câu cá" (La Rue Du Chat Qui Pêche) đến trường phái riêng lebadagraphic.
Lê Bá Đảng được tôn vinh là "bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây". Rời khỏi làng quê Bích La Đông từ năm 18 tuổi, trong tim người thanh niên Lê Bá Đảng luôn chảy dòng máu thắm thương nhớ Việt Nam qua đa số Vườn mộ Loa Thành, Hạt gạo Trường Sơn, Dấu chân Giao Chỉ, Làng hoa Bích La, Tượng đài Thánh Gióng, Cọc chông Bạch Đằng…
Địa chỉ: 15 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng
Ảnh: Lê Bá Đảng Memory Space
Sau khi thưởng lãm các tác phẩm của danh hoạ Lê Bá Đảng, những giấc mơ nghệ thuật của ông nay trở thành hiện thực tại Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng. Con đường dẫn nhỏ ngoằn nghèo đưa chân du khách đến đây bao quanh bởi không khí huyền ảo, lãng đãng như phong cảnh Đà Lạt.
Ảnh: Lê Minh Diệu
Cổng vào Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng cũng là tác phẩm nghệ thuật hân hoan chào đón du khách lạc vào khung cảnh thần tiên. Toà nhà chính xây dựng từ bản vẽ tác phẩm của danh hoạ suốt nhiều năm trời cả đội ngũ đồng lòng kỳ công hoàn thành trên mảnh đất hoang vu của thôn Kim Sơn. Ai đến đây cũng ngỡ ngàng và được chinh phục trái tim bởi nghệ thuật, thiên nhiên khéo léo quyện vào nhau thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Kiến trúc hiện đại và vẻ đẹp Á Đông đan quyện hài hoà.
Những tác phẩm nghệ thuật của danh hoạ Lê Bá Đảng sắp đặt xen lẫn cùng cỏ cây hoa lá theo như phong cách sáng tác của ông (Ảnh: Lê Minh Diệu)
Những tác phẩm nghệ thuật của danh hoạ Lê Bá Đảng sắp đặt xen lẫn cùng cỏ cây hoa lá theo như phong cách sáng tác của ông.
Địa chỉ: Thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy
Bảo tàng gốm cổ sông Hương
Nhiều món đồ gốm cổ chum, vại, hũ… nhiều kích cỡ, hình dạng lớn nhỏ trong bảo tàng Gốm cổ Sông Hương thầm thì kể câu chuyện thời xa xưa
Bảo tàng gốm cổ sông Hương của nữ giáo sư triết học Thái Kim Lan, Việt kiều Đức. Nơi đây là không gian nhà vườn Huế được chủ nhân chăm chút từng ngọn cỏ, cành cây, bông hoa, đồ vật. Bộ sưu tập các hiện vật gốm cổ hàng mấy trăm năm dưới lòng sông Hương do gia đình họ Thái tích luỹ nay trưng bày mở rộng cửa đón chào khách tham quan. Đây là địa điểm văn hoá được đánh giá cao bởi nữ chủ nhân giữ vẹn nguyên tâm hồn sâu sắc của xứ kinh kỳ.
Nhiều món đồ gốm cổ chum, vại, hũ… nhiều kích cỡ, hình dạng lớn nhỏ trong bảo tàng Gốm cổ Sông Hương thầm thì kể câu chuyện thời xa xưa.
Địa chỉ: số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế
Tham quan nhà vườn An Hiên
Nhà vườn An Hiên rộng 6500m², địa điểm có kiến trúc phong cách nhà vườn cổ xứ Huế. Nhẹ bước dạo vào khu vườn cổ kính, chúng ta có thể cảm nhận không khí, lối sống của những người quý tộc Huế thời xưa.
Nhà vườn An Hiên lưu dấu kiến trúc cổ xưa của Huế
Khung cảnh yên tĩnh, trong lành giữa hàng trăm kỷ vật được chạm khắc, thiết kế tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Khuôn viên vườn An Hiên trồng nhiều loại cây ăn trái đặc trưng của đất cố đô như: sen súng, thanh trà, quýt, măng cụt, sầu riêng, hồng, vải thiều…
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế
Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn
Điểm dừng chân cuối cùng là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Huế của nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn, trước đây là tư gia của cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn.
Những dụng cụ dùng để ăn trầu trong thế kỷ 19 - 20 được chạm khắc kỹ lưỡng các hoa văn cầu kỳ
Bộ sưu tập Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn ngoài những vật dụng trong cung đình, còn có đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của giới quý tộc xưa như khay trầu, cơi trầu, bình vôi, ống xoáy trầu hay khay trà, hộp trà, tẩu thuốc, bình rượu… Mỗi món vật trang trí hoa văn nghệ thuật tinh xảo qua hình ảnh hội hoạ, thơ ca. Nếu có thời gian quan sát, tìm hiểu sẽ học nhiều kiến thức quý giá qua những món cổ vật quý giá này.
Địa chỉ: 114 Mai Thúc Loan, phường Phú Hậu, TP Huế
Thành phố Huế là khu vực cho đến nay lưu giữ dày đặc các di tích lịch sử hơn 200 năm qua của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Do đó, mỗi lần ghé Huế vội vã tham quan rồi lại ra về trong tiếc nuối vì vẫn còn nhiều nơi chưa có thời gian đến thăm.
Các địa điểm trên đây là một trong những địa điểm tiêu biểu đậm đặc chất mỹ thuật đỉnh cao của Huế bởi chủ nhân có sự nghiệp lừng lẫy được giới mộ điệu công nhận và trao tặng các giải thưởng vinh danh. Chỉ trong một ngày với kinh phí rất nhỏ, các bạn sẽ nhận được các món quà tinh thần vô giá các danh nhân đã trân trọng gửi tặng quê hương.