Nếu được yêu cầu hãy chọn ra một loại quà vặt khiến bạn nhớ về tuổi thơ êm đẹp của mình nhất thì chắc chắn rất nhiều bạn sẽ chọn loại bánh gạo ống (hay còn gọi là bỏng gạo) vô cùng bình dị này. Có lẽ vẫn còn rất nhiều các bạn trẻ 8x, 9x nhớ về một thời mỗi khi nghe tiếng xe xay bánh ống (cách gọi ở miền Tây) hoặc xe nổ bỏng gạo (cách gọi ở miền Bắc, miền Trung) thì trẻ em lẫn người lớn trong xóm đều ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh ra để xí phần được làm bánh trước tiên. Bởi ai cũng biết được rằng, chỉ cần chậm chân 5 - 10 phút thì có thể bạn phải chờ hàng giờ đồng hồ mới đến lượt mình.
Đặc biệt, thời bấy giờ, nếu mang theo nguyên liệu thì khá nặng và cồng kềnh nên hầu như những người làm bánh chỉ mang theo chiếc máy là chính, còn nguyên liệu là do người dân tự chuẩn bị lấy. Do đó, chiếc bánh được làm ra của nhà này với nhà khác hoàn toàn không giống nhau. Bởi mặc dù nguyên liệu chính là gạo trắng nhưng tùy khẩu vị từng nhà mà có người cho thêm sữa đặc, gạo lứt, ngô, đường, muối, cà phê, cacao, hạt vừng, dừa, đậu xanh, đậu đỏ… thậm chí cả mì ăn liền vào để tạo vị khác lạ.
Vì thế, mỗi khi chiếc xe làm bánh gạo ống xình xịch chạy ngang thì nhà nhà đều rộn ràng, trẻ con thì náo nức phụ mẹ chuẩn bị các nguyên liệu để mang ra xe, mong nhanh nhanh có bánh ăn. Và khi đã tạo ra các ống bánh hoàn chỉnh thì mọi người còn có thêm thói quen đổi bánh cho nhau để thử hương vị mới của từng nhà.
Bánh ống có dạng ống tròn, bên trong rỗng ruột nhìn tương tự như cái ống dẫn nước. Bánh thường được cắt thành từng khúc đều nhau, dài hay ngắn tùy theo sở thích của người làm lẫn người mua bánh. Bởi do hình dạng của bánh hình ống như vậy nên ở miền Tây, bánh thường được gọi là bánh gạo ống hoặc bánh ống.
Điểm đặc biệt của loại bánh ống này là có mặt từ Bắc vào Nam chứ không riêng gì ở miền Tây. Do đó, vấn đề tên gọi của loại bánh này vẫn là một đề tài thú vị bởi dường như ở mỗi địa phương thì bánh ống được đặt một tên gọi khác nhau. Ví dụ như ở miền Bắc thì gọi món này là bỏng ống, bỏng gậy, bỏng gạo hay bánh gạo nổ. Nhưng ở các tỉnh miền Trung thì loại bánh này đôi khi còn được gọi là bắp đùng, bắp bung.
Do đây là loại bánh ăn giòn mới ngon nên bánh sau khi ra lò, đợi cho nguội xíu là sẽ được cho vào túi nylon cột kín lại. Vì nếu để không khí lọt vào túi thì bánh sẽ bị mềm, ăn không còn hấp dẫn nữa.
Tuy nhiên, bánh ống thưởng thức ngon nhất là lúc vừa mới "ra lò", tức là ăn ngay tại xe làm bánh khi bánh còn nóng hổi. Mùi thơm của bánh lúc đó quả đúng là không gì sánh bằng và có thể khiến nhiều người nhớ mãi về sau. Đặc biệt, lúc này thì bánh không chỉ thơm ngon mà còn giòn rụm, cắn nghe răng rắc, nhai nghe rạo rạo hấp dẫn vô cùng.
Những ngày thời tiết se lạnh, được cầm nguyên túi bánh gạo ống trên tay, vừa ngồi xem chương trình yêu thích, hay ngồi tám chuyện với bạn bè, vừa thưởng thức món ăn này thì không gì có thể sánh nổi. Mà một khi đã ăn món này thì rất dễ gây nghiện nhé, do đó, không mở túi bánh ra thì thôi chứ nếu mở ra rồi thì thế nào cũng hết sạch cho xem.
Ngày nay, bánh ống vẫn là món ăn vặt được yêu thích của nhiều người. Bằng chứng là dạo quanh các cửa hàng tạp hóa, bán bánh kẹo ở thành phố lẫn thôn quê thì không khó để tìm ra nơi bán bánh gạo ống. Tuy nhiên, hình ảnh miền quê về những chiếc xe làm bánh ống chạy xình xịch dường như đang mờ nhạt dần. Bởi ngày nay, muốn ăn bánh ống thì cứ việc chạy ra cửa hàng, ra chợ là mua được rồi.
Và tất nhiên, bánh ống được làm sẵn rồi thì làm sao sánh được với bánh được làm ngay tại chỗ. Đặc biệt, người ta nhớ hương vị bánh gạo ống không chỉ vì vị ngon của bánh mà còn vì bầu không khí gần gũi, bình dị và rất đỗi thân thương, cả hẻm, cả phố nhộn nhịp, rộn ràng chuẩn bị nguyên liệu làm bánh. Chỉ một chiếc bánh dân dã, bình dị, thế nhưng không biết đã chứa đựng biết bao ký ức tuổi thơ của nhiều người mà bây giờ muốn tìm lại cũng không hề dễ dàng gì.