Góc hoài niệm: Những ca khúc ngày xuân bất hủ của cha mẹ ta ngày xưa, cứ đi đâu nghe là thấy Tết gần sát

Anh Min, Theo Trí Thức Trẻ 13:00 05/02/2019

Những ca khúc có tuổi đời hàng chục năm nhưng mỗi khi vang lên dịp Tết đến, xuân về cũng đều khiến lòng người thêm rộn rã.

Hiếm có xứ sở nào mà ở đó, âm nhạc lại có hẳn một "mùa" riêng như ở Việt Nam. Người ta gọi đó là mùa nhạc xuân, nhạc Tết. Là thời điểm mà những thanh âm rộn ràng, giàu hình ảnh, đầy màu sắc của giai điệu mùa xuân sẽ vang lên khắp phố phường, trong mỗi nhà, mỗi quán xá. Trong không khí những ngày giáp Tết, lòng người thêm rộn rã, nao nức khi những bài hát bất hủ từ lâu đã đi vào lòng mỗi con người Việt Nam bỗng vang lên, là báo hiệu cho dịp sum vầy sắp đến. Hãy cùng điểm lại những ca khúc nhạc xuân đã có tuổi đời hàng chục năm nhưng chưa bao giờ là cũ mỗi dịp Tết đến, xuân về. 

Ngày Tết quê em

"Tết tết tết tết đến rồi/ Tết tết tết tết đến rồi/ Tết đến trong tim mọi người..."

"Ngày Tết quê em" là sáng tác của cố nhạc sĩ Từ Huy với giai điệu tươi vui, rộn rã, lời bài hát gần như gói gọn hết những nét đặc trưng, phong tục và ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết cổ truyền đối với người Việt Nam, từ chuyện "khoe áo mới" đến "đi lễ chùa" hay "về chung vui bên gia đình".

Ngày Tết Quê Em - Phương Mỹ Chi

Ngày xuân long phụng sum vầy

"Mừng tết đến và lộc đến nhà nhà/ Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi/ Chúc cụ già được sống lâu sống thọ, cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang..."

"Ngày xuân long phụng sum vầy" là ca khúc đã trở nên quen thuộc trong playlist của mỗi người vào dịp xuân về. Lời bài hát giản dị nhưng không kém phần rộn ràng, vui tươi, khắc họa rõ nét hình ảnh ngày tết quê hương cùng những hình ảnh truyền thống lâu năm của người Việt như cánh mai, cành đào, bếp hồng, nồi bánh chưng xanh...

"Ngày Xuân Long Phụng Xum Vầy" - Nhiều ca sĩ

Điệp khúc mùa xuân

"Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/ Chở tia nắng về trong ánh mùa sang/ Ánh mắt mơ trông nơi xa vời/ Chờ mùa Xuân đến đem nguồn vui..."

Bài hát được viết trước khi thống nhất đất nước, hay chính xác hơn là 1974, vào những năm tháng mùa xuân còn đắm chìm trong chiến tranh biển lửa nên tâm trạng ca khúc vẫn còn mang mác buồn khi nhạc sĩ viết nên. Sau này, khi mùa xuân đã thanh bình thì bài hát như được "sống" lại một lần nữa và trở thành một trong những khúc xuân ca được yêu thích nhất.

"Điệp khúc mùa xuân" - Nhiều ca sĩ

Lắng nghe mùa xuân về

"Kìa tiếng chim rộn hót xa vời/ Cánh hoa đào bỗng như cười, báo tin mùa xuân về..."

Ra đời từ năm 1998 với sự thể hiện lần đầu tiên của diva Mỹ Linh, "Lắng nghe mùa xuân" vô cùng thích hợp để thưởng thức vào những phút giây giao thừa thiêng liêng, vì đó là lúc nội tâm lắng đọng để cảm nhận hương xuân đang tràn về, lướt qua từng giọt mưa, mầm non, nụ hoa... và lòng người chan chứa niềm tin, hạnh phúc bên gia đình, bạn bè. 

"Lắng nghe mùa xuân về" - Hồng Nhung ft. Bằng Kiều

Xuân này con không về

"Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang..."

Có một ca khúc lạc giữa những giai điệu vui tươi thường thấy, mang đến cảm giác chạnh lòng, buồn rười rượi cho người con xa nhà không thể đoàn tụ bên người thân, gia đình lúc mai đào nở rộ, bánh chưng nghi ngút khói. Ca khúc được viết để nói lên tâm trạng của người lính thời chiến, nhưng cho đến tận khi đất nước đã hoà bình, "Xuân này con không về" lại mang nỗi niềm thay cho những người tha phương đang ngấn lệ nhớ về quê nhà.

Quang Lê - "Xuân Này Con Không Về"

Khúc giao mùa

"Bên em bên em anh say trong hạnh phúc/ Đôi môi em anh ngỡ cánh đào/ Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát/ Những giai điệu tình yêu…"

"Khúc giao mùa" - bản ballad được ví như "Happy New Year của Việt Nam" nói lên vẻ đẹp của thời khắc giao thoa đất trời khi chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trăm hoa đua nở, hồn hoà vào cùng với đất trời, con người tạm quên sự bon chen thường ngày để tận hưởng tình yêu lãng mạn, ngọt ngào trong khoảnh khắc xúc động nhất của một năm.

"Khúc Giao Mùa" - Mỹ Linh

Nắng có còn xuân

"Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời/ Ðồi núi xanh ngời, đâu đây tiếng đàn cầm buông lả lơi..."

Là một trong những ca khúc xuân hiếm hoi mang âm hưởng dân tộc, "Nắng có còn xuân" cũng được nhạc sĩ Đức Trí sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Đó là khi anh quần quật trong sự ngột ngạt của phố thị Sài Gòn thì bỗng nhớ về một mùa xuân trong lành "đang hát bên kia trời" của thiên nhiên miền núi, và cũng vào một thời điểm không phải là mùa xuân. 

"Nắng có còn xuân" - Quang Linh

Mùa xuân đầu tiên

"Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến đầu tiên..."

Từ trước 1975, Việt Nam đã có rất nhiều bài hát về mùa xuân bất hủ vẫn được hát vang mỗi độ Tết đến cho đến tận ngày nay. Bài hát được viết mừng mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc cũng chính tác phẩm gần cuối trong sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Ông viết bài này cho mùa xuân đầu tiên đất nước thống nhất. Điệu valse khoan thai cất lên, dìu dặt khiến lòng người trở nên thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc xúc cảm chân thành, dung dị về một mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, của dân tộc. Một bức tranh có
"khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông" bình dị, nhẹ nhàng như thế nhưng lại vô cùng quý giá vào thời điểm ấy, và thậm chí là cả sau này, khi mỗi chúng ta hoài niệm lại khoảng thời gian hào hùng ấy của cha ông. 

"Mùa Xuân Đầu Tiên" - Thanh Thúy

Xuân họp mặt

"Xuân đã về, xuân mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang..." 

Đúng như ý nghĩa của mùa hội họp, ca khúc là một chuỗi những cử chỉ thân thương của những người thân trao cho nhau ngày chia tay cũng như ngày họp mặt như "cầm tay", "hỏi han", "nhìn nhau", "hẹn cau chờ nhau",... Giai điệu vui tươi trong bài thể hiện được niềm hạnh phúc vỡ oà khi cả gia đình được dịp quây quần đầy đủ bên nhau sau 1 năm trời. 

"Xuân Họp Mặt" - Đàm Vĩnh Hưng

Xuân đã về

"Xuân đã về, xuân đã về. Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông/ Trên cánh đồng, chim hót mừng, đang thướt tha tưng bừng cùng nhau vui say..."

“Xuân đã về” là nhạc phẩm vui tươi thể hiện tâm trạng hân hoan, rộn ràng của mọi người khi mùa xuân lại về. Đó là lúc ánh nắng sáng tươi tràn ngập muôn nơi, từ đồng quê ra phố thị, muôn ngàn đóa hoa nở rộ đón gió xuân, những thiếu nữ kiều diễm cười tươi như hoa và trẻ nhỏ khúc khích chào đón thời khắc giao thừa. 

"Xuân Đã Về" - Hồ Ngọc Hà

Mùa xuân ơi

"Xuân xuân ơi, xuân đã về/ Kính chúc muôn người với bao điều mong ước/ Trong hương Xuân ta vẫy chào/ Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui..."

"Nhạc sĩ của mùa xuân" Nguyễn Ngọc Thiện đã viết nên ca khúc mùa xuân nổi tiếng nhất của ông vào năm 1995. Những hình ảnh, kỷ niệm về ngày Tết từ lúc thơ ấu bên ông bà, cha mẹ đến lúc trưởng thành đều được nhạc sĩ cố gắng cô đọng để đưa vào bài hát chỉ vỏn vẹn vài dòng. Khái vọng dân tộc yên ấm, an vui cũng được gieo vào để gợi lên trong lòng người những thổn thức về một mùa xuân bình yên, tươi đẹp của đất trời.

"Mùa Xuân Ơi" - Nhóm Mây Trắng