Giới trẻ Trung Quốc biến uất ức chốn công sở thành nghề chống đói, lên mạng hò nhau nộp đơn xin nghỉ việc: “Tôi nghỉ rồi, bạn nghỉ chưa?”

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 19:04 04/09/2024
Chia sẻ

Than thở chán việc trên MXH, dựa vào “số tim” để xem có nên nghỉ việc hay không là nước đi đang được nhiều dân công sở xứ Trung áp dụng.

Đôi lần giận sếp, thi thoảng thấy ghét đồng nghiệp, dăm bữa nửa tháng lại nghĩ đến việc bỏ quách cái “cần câu cơm” này đi,... là những cảm giác mà nếu đã đi làm, chắc hẳn bạn đều đã ít nhiều kinh qua.

Dân công sở xứ Trung có vẻ cũng thế, nhưng thay vì giữ mối “uất hận” này trong lòng hoặc thủ thỉ với bạn thân, họ lại đem chúng lên mạng tâm sự, kể cho bằng hết. Lâu dần, việc này tạo thành một trào lưu của hội “cổ cồn trắng” ở quốc gia tỷ dân: Đủ tương tác là nộp đơn xin nghỉ việc không cần nghĩ!

Giới trẻ Trung Quốc biến uất ức chốn công sở thành nghề chống đói, lên mạng hò nhau nộp đơn xin nghỉ việc: “Tôi nghỉ rồi, bạn nghỉ chưa?”- Ảnh 1.

“Bài đăng này đủ 100 lượt like, tôi sẽ từ chức”

Vào tháng 3 năm nay, một người dùng có nickname Aying La đã đăng trên trang cá nhân dòng status “Tôi sẽ từ chức nếu bài đăng này đủ 100 lượt like”. CHỉ sau chưa đầy 3 ngày, bài đăng của cô đã lan truyền rộng rãi trên MXH, thu hút 280.000 lượt tương tác từ cư dân mạng. Aying La sau đó đã thực sự nộp đơn xin nghỉ việc. Hành trình từ suy nghĩ tới hành động của cô đều được chia sẻ trên MXH, khơi dậy trào lưu đếm like, nghỉ việc ở Trung Quốc.

Trên Xiaohongshu - Một MXH ở Trung Quốc, chủ đề "Tôi nghỉ việc" đã vượt mốc 100 triệu lượt thảo luận trong 6 tháng đầu năm. Giới trẻ không ngại phơi bày những điểm trừ từ nho nhỏ tới cực lớn của công ty mình đang làm việc. Ở đó, hoặc là họ an ủi nhau cố gắng chịu đựng để kiếm tiền trang trải cuộc sống, hoặc là truyền động lực cho nhau nghỉ việc.

Claire Chazai - Một thành viên tích cực trong việc đóng góp nội dung cho chủ đề “Tôi nghỉ việc” trên Xiaohongshu, cho biết : “Tôi được coi là một trong những người tiên phong chia sẻ những vấn đề nhức nhối, những sự bất công chốn công sở và truyền động lực cho những người trong hoàn cảnh tương tự nộp đơn xin nghỉ việc”.

Giới trẻ Trung Quốc biến uất ức chốn công sở thành nghề chống đói, lên mạng hò nhau nộp đơn xin nghỉ việc: “Tôi nghỉ rồi, bạn nghỉ chưa?”- Ảnh 2.

Claire Chazai

Được biết, Claire Chazai từng làm việc cho ByteDance. Cô trở nên nổi tiếng trên MXH sau khi nghỉ việc, và bóc trần những “thiếu sót không thể chấp nhận nổi” của doanh nghiệp này. Trong bài đăng của mình, cô viết: “Phụ nữ mang thai không được hưởng chế độ đãi ngộ tốt, vẫn phải tăng ca ngoài giờ cho tới tận khi lâm bồn, lãnh đạo thì công tư không phân minh, ưu tiên bổ nhiệm và thăng chức cho người thân trong họ còn những nhân sự không phải “máu mủ ruột thịt” thì mặc kệ”.

Những chia sẻ của Claire Chazai nhận được hơn 3.500 lượt thích, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và tạo ra hiệu ứng lan tỏa, cộng hưởng. Sau khi bài viết của Claire Chazai trở nên viral, nhiều người khác cũng mang hết uất ức chốn công sở lên mạng. Cứ thế, họ an ủi lẫn nhau, truyền động lực cho nhau rời bỏ môi trường làm việc mà họ cho là độc hại.

Xiaobo - Một trong những người dùng có lượng người theo dõi nhiều nhất trong chủ đề “Tôi nghỉ việc” cho biết: “Cuối tháng 5 vừa qua, tôi đã từ bỏ công việc văn phòng đã gắn bó 3 năm rưỡi. Tôi có cảm giác rằng nếu tiếp tục ở lại đó, mọi giá trị quan của tôi về công việc và cuộc sống sẽ bị bóp méo hoàn toàn mất.

Tôi nghĩ rằng quyết định nghỉ việc của mình là đúng, nhiều đồng nghiệp đã nhắn tin riêng cho tôi và nói rằng ước gì họ cũng dám nghỉ việc như tôi”.

Tranh thủ lượng tương tác có được trong quá trình nghỉ việc để nhận quảng cáo, kiếm tiền trang trải cuộc sống

Trong trào lưu “tôi nghỉ việc” này, việc mọi người làm gì sau khi tự đưa bản thân vào trạng thái thất nghiệp, cũng là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm. Có người trở thành nhân viên phục vụ trong các tiệm cà phê, hàng ăn,... Có người chia sẻ họ sẽ dành 1 khoảng thời gian rong chơi cho lại sức trước khi quay trở lại cuộc sống 9-to-5.

Những gì xảy ra sau khi nghỉ việc đều được mọi người chia sẻ rộng rãi, cởi mở hệt như khi họ đang băn khoăn chẳng biết có nên nghỉ việc hay không. Vô hình trung, điều này lại tạo ra một trào lưu mới: Tranh thủ lượng tương tác trên MXH đang ổn định, nhận quảng cáo và kiếm tiền.

Xiaobo cũng không phải ngoại lệ. Sau khi nghỉ việc và kênh cá nhân có một lượng người theo dõi ổn định (hơn 3000 người), cô bắt đầu livestream chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống cá nhân của mình. Chẳng biết là vô tình hay hữu ý, nhưng cuối cùng, Xiaobo cũng trở thành một nhà sáng tạo nội dung trên MXH. Trong vòng 2 tuần, số tiền mà cô nhận được từ việc nhận quảng cáo, livestream đã bằng 2 tháng tiền lương thời còn đi làm văn phòng.

Giới trẻ Trung Quốc biến uất ức chốn công sở thành nghề chống đói, lên mạng hò nhau nộp đơn xin nghỉ việc: “Tôi nghỉ rồi, bạn nghỉ chưa?”- Ảnh 3.

Xiaobo

Còn Claire Chazai - Cô gái tự nhận mình là một trong những người tiên phong trong khơi dậy trào lưu “bóc phốt công sở” cho biết sau khi nghỉ việc, trung bình mỗi tháng, cô nhận được 7-10 quảng cáo ở trang cá nhân trên nền tảng MXH Xiaohongshu. Việc này giúp cô kiếm được khoảng 20.000 - 30.000 NDT (khoảng 69 - 104 triệu đồng). Claire Chazai cho biết đây là mức thu nhập mà cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể có được sau khi nghỉ việc. Hiện tại, dự định của Claire Chazai là tiếp tục đầu tư công sức làm nội dung trên Xiaohongshu để có nhiều người theo dõi hơn, từ đó, nhận được nhiều quảng cáo hơn

Lên mạng giãi bày, trải lòng tâm sự những uất ức chốn công sở, rồi nghỉ việc và tranh thủ lượng người theo dõi ổn định, không ngừng tăng lên để dấn thân vào lĩnh vực mới - sáng tạo nội dung trên MXH - Đây là cú rẽ hướng mà cả Claire Chazai và Xiaobo đều không dự định từ trước.

Tất cả những gì họ làm chỉ đơn giản là chán quá rồi, lên mạng thở than thôi và cứ thế, một hành trình kiếm tiền mới tự nhiên mở ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày