35 triệu/tháng, nghe qua thì thấy có vẻ cũng nhiều, cũng “hòm hòm” chứ không thể gọi là ít? Nhận định này có lẽ chỉ đúng với những người độc thân; hoặc các cặp vợ chồng mới cưới, chưa tham gia vào đường đua bỉm sữa.
Chứ với những gia đình đã có con, lại đang phải ở nhà thuê, 35 triệu đôi khi cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Con ốm 1 trận phải nằm viện 5-7 ngày, cộng thêm tiền bỉm sữa, tiêm phòng, thực phẩm bổ sung, rồi cả tiền thuê nhà, chi phí ăn uống, đi lại của bố mẹ nữa,... liệt kê sương sương đã thấy con số 35 đang vơi dần về 0.
Nói vậy để thấy, 35 triệu - dù không phải là mức ngân sách quá thấp, nhưng cũng không thể gọi là dư dả hay quá “dễ thở” với những gia đình đang nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, nếu biết vun vén chi tiêu, tiết kiệm thì câu chuyện lại rất khác.
Mới đây, trong 1 cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một bà mẹ 2 con cho biết với mức thu nhập 35 triệu, tháng nào cô cũng “dư được 1 chỉ vàng”. Dẫu vậy, cô vẫn băn khoăn tìm cách cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm được nhiều hơn nữa, một phần cũng vì con cả sẽ phải đi học thêm nhiều hơn trong năm học tới, đồng nghĩa với việc dòng tiền chi ra cũng sẽ nhiều hơn.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người khen bà mẹ này chi tiêu quá đỉnh, thu nhập 35 triệu/tháng, nhà 4 người mà mỗi tháng mua được 1 chỉ vàng là khéo lắm rồi, chẳng biết cắt giảm khoản nào được nữa.
Nếu muốn giảm tiền ăn, có thể nhờ bố mẹ mua giúp thực phẩm ở quê và gửi lên thành phố, như vậy cũng tiết kiệm được phần nào. Ngoài ra, khoản tiền "mỹ phẩm, làm đẹp, xà bông,..." cũng có thể giảm từ 2,5 triệu đồng/tháng xuống 1 triệu đồng/tháng. Còn các khoản chi khác thì chẳng biết cắt vào đâu.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm mua vàng tích sản, đừng quên tham khảo những chia sẻ của chủ tiệm vàng và người mua vàng lâu năm này.
1 - Giá vàng tăng hay giảm cũng kệ, cứ mua đều
Chia sẻ trên kênh tiktok cá nhân, bà chủ một tiệm vàng ở Hà Nội khẳng định nếu làm được theo 2 việc đơn giản này thì yên tâm, mua vàng tích sản không bao giờ lo lỗ.
“Nếu bạn có thói quen mua vàng hàng tháng, thì bạn cứ nên duy trì đều. Việc duy trì kỷ luật khi mua vàng là rất quan trọng. Nếu mỗi tháng bạn mua 1 chỉ, 2 chỉ hoặc 5 chỉ (tùy vào thu nhập và tình hình tài chính) thì việc canh giá vàng là không thực sự cần thiết. Vì giá vàng tăng, bạn phải mua 1 hoặc vài cây vàng, thì giá mua vào mới có sự chênh lệch, biến động lớn. Chứ mua lẻ vài chỉ thì thực ra cũng chỉ tăng vài trăm nghìn, không đáng kể.
Thế nên nếu muốn mua vàng tích sản thì cứ đúng ngày đúng giờ, có tiền là các bác đi mua thôi. Mua xong quên nó đi, giữ qua 5-10 năm thì không bao giờ lo mất giá hay lỗ được” - Chủ tiệm vàng chia sẻ.
2 - Mua vàng nhẫn trơn thay vì vàng trang sức
Nếu mua vàng để tích sản, không có nhu cầu đeo, hãy mua vàng nhẫn trơn hoặc vàng thỏi, chứ không nên mua vàng trang sức hay vàng chế tác.
“Đã mua vàng 9999 hoặc 18k dạng trang sức, dù đeo hay không thì vẫn mất tiền công, tiền hạt đính kèm,... khi đi bán đi nghiễm nhiên bị trừ hao 2 phần đó. Người thu mua vàng chỉ cân vàng tính tiền, chứ không trả lại tiền công và tiền hạt đâu, nên mua vàng trang sức hoặc vàng chế tác sẽ rất lỗ đấy. Mua vàng làm của để dành thì vàng nhẫn trơn vẫn là lựa chọn số 1” - Một người có kinh nghiệm mua vàng tích sản khẳng định.