Giới trẻ chậm kết hôn, ngại sinh con vì giá nhà "leo thang"

Quỳnh Nga, Theo Tiền Phong 22:00 15/08/2024
Chia sẻ

Giá nhà ở ngày càng tăng cao đã tạo ra những rào cản lớn cho giới trẻ trong việc sở hữu nhà riêng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Điều này khiến cho người trẻ có xu hướng trì hoãn kết hôn, ngại sinh con.

Giá nhà ở ngày càng tăng cao đã tạo ra những rào cản lớn cho giới trẻ trong việc sở hữu nhà riêng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Điều này khiến cho người trẻ có xu hướng trì hoãn kết hôn, ngại sinh con. Xu hướng này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có áp lực tài chính và gánh nặng kinh tế khi nuôi dạy con cái.

Trì hoãn kết hôn, sinh con vì giá nhà

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.

Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.

Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trong giai đoạn 2013 - 2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người.

Đáng chú ý, tại TP HCM, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP HCM là 30,4 - mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.

Giới trẻ chậm kết hôn, ngại sinh con vì giá nhà "leo thang"- Ảnh 1.

Giá nhà ngày càng tăng cao đã tạo ra những rào cản lớn cho giới trẻ trong việc sở hữu nhà riêng.

Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn hoặc độc thân cũng đang không ngừng gia tăng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, lựa chọn lối sống DINK (Double Income, No Kids - Hai thu nhập, không con cái) cũng đang ngày càng trở nên phổ biến ở châu Á thời gian gần đây. Bởi bên cạnh các nguyên nhân chủ quan như mong muốn sống tự do, không ràng buộc,... thì với ngân sách eo hẹp, các cặp vợ chồng này cảm thấy họ chỉ có thể trang trải được một trong hai khoản: hoặc mua nhà, hoặc đẻ con. Theo tính toán của realtor.com, mua nhà sẽ chỉ tốn thêm khoảng 50% mỗi tháng so với việc nuôi con.

Giá nhà ngày càng tăng cao đã tạo ra những rào cản lớn cho giới trẻ trong việc sở hữu nhà riêng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Hiện nay, giá bất động sản thường gấp từ 24 đến 30 lần thu nhập hàng năm của người dân. Ví dụ, một căn hộ tại TP HCM có giá trung bình từ 2,8 đến 4,5 tỷ đồng trong khi thu nhập trung bình của một hộ gia đình chỉ khoảng 20 -30 triệu đồng/tháng, khiến việc mua nhà gần như là điều rất khó với nhiều người trẻ .

Để sở hữu nhà, người trẻ thường phải có khoản tiết kiệm tối thiểu 30% giá trị căn nhà và thu nhập hàng tháng không được vượt quá 50% dùng cho việc trả nợ . Tuy nhiên, với mức thu nhập phổ biến từ 20 - 30 triệu đồng/tháng, việc tích lũy vốn là một thách thức lớn khi giá chung cư gia tăng liên tục.

Theo thống kê, nửa đầu năm 2024, loại hình căn hộ thương mại bình dân đã hoàn toàn vắng bóng tại Hà Nội và TP HCM. Hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP HCM thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang có giá hơn 50 triệu/m2.

Do nguồn cung căn hộ giá rẻ đang rất hạn chế, tình hình này càng làm cho giấc mơ có nhà của người trẻ trở nên xa vời. Điều này cũng khiến cho nhiều cặp đôi trẻ quyết định trì hoãn việc kết hôn và sinh con cho đến khi họ có được căn hộ riêng và tình hình tài chính ổn định hơn. Họ cảm thấy rằng việc sở hữu một căn nhà riêng là một điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái một cách ổn định.

Giải quyết bài toán nhà ở cho người trẻ

Lý giải nguyên nhân, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, mặc dù có nhiều lý do cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính.

VARS cho biết một khảo sát nhanh trên fanpage gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cũng cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.

Mà theo VARS, nỗi lo về cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Khi giá nhà - đang ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải “cày ngày, cày đêm" để có thể mua nhà cho bằng được mà bỏ qua thời điểm “vàng" để lập gia đình, sinh con.

Giới trẻ chậm kết hôn, ngại sinh con vì giá nhà "leo thang"- Ảnh 2.

Phát triển các mô hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người trẻ.

Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng chiếm gần hết lương khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh 1 con hoặc trì hoãn việc sinh con.

Thực tế cho thấy, tại TP HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước.

Các chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề này, các chính sách hỗ trợ tài chính và phát triển nhà ở xã hội là những giải pháp cần thiết. Các chính sách như cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hoặc xây dựng nhiều dự án nhà ở giá rẻ sẽ giúp người trẻ có cơ hội tiếp cận và sở hữu nhà ở dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc tăng cường nguồn cung căn hộ giá rẻ cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người trẻ.

Đồng thời, việc phát triển các mô hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người trẻ, như nhà ở xã hội, căn hộ mini, hoặc các dự án nhà ở thương mại bình dân , cũng sẽ là những giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán nhà ở cho giới trẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày