Giới nhà giàu Trung Quốc cho con học chơi golf, tập làm CEO với quan điểm EQ quan trọng hơn IQ

Trần Vân, Theo Trí thức trẻ 16:33 27/03/2018

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con Trung Quốc đã được phụ huynh đưa đến các lớp học chơi golf và các trường đào tạo CEO. Những khóa đào tạo đó sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và tố chất để trở thành các nhà lãnh đạo.

Ở một lớp học tại Quảng Châu, một trong những thành phố giàu có nhất Trung Quốc, bé gái 4 tuổi có vẻ nhút nhát tên là Tử Hương đang học cách vượt qua những ngượng ngùng, bối rối để bắt tay với người lạ và tự tin giới thiệu về bản thân. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết mà CEO nhất định phải có nếu muốn thành công trong cuộc sống.

Trong khi đó, tại khu vực gần hố golf, cô bé 3 tuổi Tử Linh đang cố phát bóng bằng cây gậy driver dài gần bằng chiều cao của mình. Giáo viên hướng dẫn của Tử Linh đã nghỉ dạy người lớn chuyển hẳn sang dạy các bé chơi golf vì số lượng học sinh đăng ký theo học ngày càng đông.

Giới nhà giàu Trung Quốc cho con học chơi golf, tập làm CEO với quan điểm EQ quan trọng hơn IQ - Ảnh 1.

Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm trẻ chỉ mới chập chững bước đi đang được dạy nghệ thuật giao tiếp, cách ứng xử văn minh, cách làm việc theo nhóm hay cách tạo sức ảnh hưởng cho riêng mình.

Ở một đất nước mà người dân còn yếu kém trong cách ứng xử xã hội, ngày càng nhiều bậc phụ huynh tin rằng chỉ số EQ mới thực sự là yếu tố quan trọng giúp đạt những thành công lớn trong đời chứ không phải chỉ số IQ như nhiều người vẫn tưởng.

Học cách thể hiện bản thân và thu hút người khác

Hàng tuần, Tử Hương tham dự một khóa học tại LeederEDU, khóa học này hứa hẹn sẽ khiến cô bé trở thành một CEO đầy duyên dáng trong tương lai. Cha Tử Hương cho biết ông cho con đi học để cải thiện sự rụt rè: "Tôi nghĩ con bé cần một chuyên gia khoa học để kích thích sự bạo dạn. Tử Hương khá nhút nhát và ngại giao tiếp, ở nhà không thích nói chuyện và chào hỏi. Nhưng sau khi tham gia khóa học này thì con bé đã bắt đầu tương tác với mọi người, thậm chí là tán gẫu những vấn đề như ăn uống hay công việc của cha mẹ".

Những khóa học như thế này hoàn toàn không rẻ chút nào. Các bậc phụ huynh phải bỏ ra 8.000 USD 1 năm để con mình có thể theo học.

Giới nhà giàu Trung Quốc cho con học chơi golf, tập làm CEO với quan điểm EQ quan trọng hơn IQ - Ảnh 2.

Ngoài ra, golf cũng là một phần trong khóa huấn luyện EQ này. Lớp mà bé Tử Linh theo học có học phí là 150 USD 1 tháng. Tổng các chi phí kể cả học phí, phí dụng cụ, phụ phí mà phụ huynh cần đóng cho khóa học chơi golf này là 16.400 USD 1 năm.

Số lượng các golfer dưới 10 tuổi đang nhanh chóng gia tăng ở Trung Quốc. Thậm chí, một số trường tiểu học công lập còn đưa golf vào làm bộ môn bắt buộc. Vì vậy, câu lạc bộ golf Foison dự định sẽ mời tất cả các trường mẫu giáo trong khu vực tham dự vào chương trình đào tạo của họ.

Chủ tịch câu lạc bộ golf Foison cho biết: "Golf là môn thể thao duy nhất đòi hỏi cách ứng xử thông minh và tư duy chiến lược. Hơn thế, golf còn khuyến khích tính tự kỷ luật cao và biết cách tạo dựng niềm tin để tỏa sáng".

Học kỹ năng mềm để không phải là một cuốn từ điển thông minh

Theo một báo cáo năm 2014, có tới 78,2% phụ huynh cho rằng EQ quan trọng hơn IQ đối với sự nghiệp sau này của trẻ và giúp trẻ phát triển EQ càng sớm càng tốt. Do đó, họ không ngần ngại đầu tư vào những khóa học mới xuất hiện. Trung tâm LeederEDU khuyến khích trẻ từ 3 tuổi nên tham gia. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh nôn nóng đã cho con mình tham gia từ 2 tuổi. Những CEO tương lai này sẽ hoàn thành khóa đào tạo khi đủ 6 tuổi.

Trước kia nhiều người vẫn nghĩ rằng có học vấn uyên thâm, học nhiều hiểu rộng sẽ dễ dàng thành công hơn. Nhưng thực tế, chúng ta cần có kỹ năng mềm để không trở thành những cuốn sách thông minh.

Đối với những CEO tương lai, thậm chí là những đứa trẻ, những kỹ năng tuyệt vời nhất định phải có là tự học hỏi, tự xoay xở, biết làm việc nhóm, biết cạnh tranh và biết cách tác động đến người trong một vấn đề nào đó.

Trải nghiệm nhiều công việc khác nhau

Giới nhà giàu Trung Quốc cho con học chơi golf, tập làm CEO với quan điểm EQ quan trọng hơn IQ - Ảnh 3.

Ở Thâm Quyến, một lớp học cho phép các học sinh khám phá một showroom Audi. Trẻ được tự do ngồi vào ghế lái và thỏa thích trườn bò trong xe. Đây là một trong số các hoạt động phong phú giúp trẻ trải nghiệm nhiều công việc và nơi làm việc khác nhau. Những hoạt động này được trung tâm giáo dục sớm Gymboree tổ chức. Gymboree được biết đến là một trung tâm giáo dục sớm ở Trung Quốc thiên về đào tạo các kỹ năng sống.

Để được ngồi vào 1 chiếc siêu xe như thế, các bậc phụ huynh phải bỏ ra 60 USD cho 1 lần. Nhưng họ cho rằng vậy cũng đáng để biết được liệu con mình có thích làm công việc liên quan tới xe trong tương lai không.

Nhiều gia đình còn cho con thử làm cả lính cứu hỏa, nhân viên ngân hàng hay buôn bán với hy vọng sẽ tìm ra được nghề tương lai cho con mình. Kể cả phải chi cả bộn tiền, họ cũng phải cho con mình tham gia các khóa học đó.

Kiểm soát cảm xúc

Giới nhà giàu Trung Quốc cho con học chơi golf, tập làm CEO với quan điểm EQ quan trọng hơn IQ - Ảnh 4.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm sàng Singapore chỉ ra rằng sự phát triển của tuổi thơ liên quan mật thiết đến sự thành công sau này. Khả năng kiểm soát và xử lý sự thất vọng có thể thể hiện sâu sắc về thành tích học tập cũng như khả năng giao tiếp xã hội sau này của các em.

Stella Tsotsi, một nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Lâm sàng Singapore, đã tiến hành một thử nghiệm: cho 3 bé 3 chùm chìa khóa gồm nhiều chiếc khác nhau và 3 chiếc hộp nhựa trong suốt có chứa một chiếc điện thoại hoặc một món đồ chơi.

Chìa khóa không thể mở được hộp bởi thử nghiệm này muốn kiểm tra khả năng xoay xở nỗi thất vọng của trẻ khi chúng không mở được hộp. Một bé trở nên lo lắng, gãi đầu gãi tai. Bé thứ 2 nhanh chóng bỏ cuộc và gọi mẹ giúp đỡ. Chỉ có bé thứ 3, bé này mới chập chững biết đi, quan sát kỹ càng tất cả chìa khóa và kiên trì mở hộp.

Nhóm nghiên cứu của Tsotsi cho rằng những đứa trẻ đang chập chững biết đi có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thường cho rằng trẻ không kiểm soát được cảm xúc là do chúng có EQ thấp là không đúng. Trẻ học hỏi rất nhanh từ những người xung quanh. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đã biết cách kiểm soát cảm xúc của mình chưa?

Theo Channel News Asia