Giới khoa học chấn động khi tìm thấy loài cá 'hiếm nhất thế giới' sau 85 năm được cho là đã tuyệt chủng

Nguyệt Phạm, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 21:42 22/04/2025
Chia sẻ

Sự kiện loài cá quý hiếm này xuất hiện trở lại đã làm chấn động giới khoa học.

Loài cá hồi sinh sau 85 năm

Theo công bố đăng hồi tháng 1 trên tạp chí Zootaxa, giới khoa học thế giới vừa nhận một tin vui đến từ việc tìm thấy ba mẫu vật loài cá đầu rắn Chel quý hiếm nhất thế giới cùng bằng chứng hình ảnh xác thực. Phát hiện này được xem là một sự kiện lịch sử trong lĩnh vực nghiên cứu cá.

Điều này chính thức khép lại 85 năm loài cá này "biến mất" khỏi tầm mắt con người kể từ lần cuối cùng được ghi nhận trong các mẫu vật thu thập từ năm 1918 đến 1933 tại khu vực Himalaya (Ấn Độ). Trước đó, thông tin về loài cá này đã được đăng tải trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học sau thời gian dài tìm kiếm đã bỏ cuộc và xác định rằng loài này đã tuyệt chủng.

Giới khoa học chấn động khi tìm thấy loài cá 'hiếm nhất thế giới' sau 85 năm được cho là đã tuyệt chủng- Ảnh 1.

Giới khoa học thế giới vừa nhận một tin vui đến từ việc tìm thấy ba mẫu vật loài cá đầu rắn Chel quý hiếm nhất thế giới cùng bằng chứng hình ảnh xác thực. (Ảnh: ABC News)

Nhà sinh vật học động vật hoang dã Forrest Galante đã chia sẻ trên Instagram về hành trình gian nan tìm kiếm loài cá này trong nhiều thập kỷ qua. Thông tin từ bài báo cho biết, các mẫu vật được tìm thấy bên bờ sông Chel, thuộc thị trấn Kalimpong, Tây Bengal (Ấn Độ) sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một bộ lạc địa phương đang tiêu thụ loài cá này.

Cá đầu rắn Chel (Channa amphibeus), loài cá nước ngọt đặc hữu của hệ thống sông Chel, được biết đến với lớp vảy xanh sáng và sọc vàng nổi bật. Theo Quỹ bảo tồn động vật hoang dã Thackeray (Mumbai, Ấn Độ), đơn vị tham gia vào việc tái phát hiện loài cá này, đầu rắn Chel cũng là loài có kích thước lớn nhất trong họ cá đầu rắn. Đây cũng được coi là loài cá đầu rắn khó nắm bắt nhất thế giới.

Giới khoa học chấn động khi tìm thấy loài cá 'hiếm nhất thế giới' sau 85 năm được cho là đã tuyệt chủng- Ảnh 2.

Các mẫu vật cá đầu rắn Chel được tìm thấy bên bờ sông Chel, thuộc thị trấn Kalimpong, Tây Bengal (Ấn Độ). (Ảnh: ABC News)

Cá đầu rắn Chel, hay còn gọi là "Bora Chung" theo tiếng của bộ lạc Rabha, sở hữu chiều dài ấn tượng từ 80 đến 100 cm cùng màu sắc rực rỡ. Nhà nghiên cứu cá học độc lập J Praveenraj, người tái phát hiện loài cá này vào tháng 9 năm ngoái, chia sẻ: "Đối với cộng đồng các nhà nghiên cứu cá học, đây là loài cá đầu rắn đẹp và sặc sỡ nhất trong tất cả các loài đã biết." Ông Praveenraj đã hợp tác với Quỹ Động vật Hoang dã Thackeray (Mumbai), một tổ chức nghiên cứu và bảo tồn phi lợi nhuận, để thực hiện công trình nghiên cứu này.

Cá đầu rắn là loài cá nước ngọt với thân hình dài, đầu giống rắn và vây lưng dài. Có 37 loài cá đầu rắn được biết đến trên khắp châu Á, với kích thước trung bình từ 25 đến 30 cm.

Được phát hiện vì trở thành "thức ăn"

Quỹ Thackeray nhận được tin báo về việc bộ lạc Rabha, sống bên bờ sông Chel ở Bắc Bengal, đang sử dụng một loài cá đầu rắn làm thức ăn. Đây cũng chính là nơi loài cá này được phát hiện nhiều thập kỷ trước. Nhà khoa học Akshay Khandekar thuộc Quỹ Thackeray cho biết: "Chúng tôi đã cử một nhóm đến địa điểm được thông báo để xác minh."

Việc xác nhận mất khoảng bốn tháng. Nhà nghiên cứu Praveenraj giải thích: "Chúng tôi phải so sánh các đặc điểm của loài cá này với những gì đã được ghi nhận từ lần phát hiện cuối cùng vào năm 1938. Các phép đo sinh trắc học như đường kính mắt là cần thiết để xác nhận đây đúng là loài cá đầu rắn Chel." Loài cá này được phát hiện lần đầu vào năm 1845 và sau đó được nhìn thấy vào năm 1938, rồi hoàn toàn biến mất khỏi tầm quan sát của con người.

Giới khoa học chấn động khi tìm thấy loài cá 'hiếm nhất thế giới' sau 85 năm được cho là đã tuyệt chủng- Ảnh 3.

Loài cá này được phát hiện lần đầu vào năm 1845 và sau đó được nhìn thấy vào năm 1938, rồi hoàn toàn biến mất khỏi tầm quan sát của con người. (Ảnh: NY Post)

Nhà nghiên cứu Praveenraj cho biết: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu các kiểu sinh sản của chúng, cách bảo tồn chúng, các mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng, và các hoạt động gây ô nhiễm đe dọa loài này."

Trên Facebook, nhà sáng lập Quỹ bảo tồn động vật hoang dã Thackeray, ông Tejas Thackeray, chia sẻ: "Việc giải mã bí ẩn kéo dài trong ngành nghiên cứu cá học Ấn Độ này đã củng cố tầm quan trọng của việc tiếp tục khám phá và làm nổi bật sự bền bỉ của đa dạng sinh học, ngay cả ở những loài từng bị cho là đã tuyệt chủng."

Việc tái phát hiện loài cá đầu rắn Chel không chỉ là một tin vui cho giới khoa học mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ngay cả những loài được cho là đã tuyệt chủng vẫn có thể tồn tại và mang đến những bất ngờ cho con người.

Theo NYP, ABC, People

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày