Tại nội dung đua xe đạp đường trường nữ ở SEA Games 28 tổ chức tại Singapore, vận động viên Nguyễn Thị Thật của đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành được tấm HCV quý giá. Kể từ tấm HCV SEA Games 21 của vận động viên Hoàng Thị Thanh Tân, đội tuyển xe đạp đường trường nữ Việt Nam mới lại thêm một lần đạt được ngôi vị cao nhất ở đại hội thể thao Đông Nam Á.
Tấm HCV đối với Nguyễn Thị Thật là vô cùng đáng quý, nhưng cách mà cô có được nó còn khiến cho giá trị của tấm huy chương càng trở nên đặc biệt hơn nữa. Đó là nỗ lực của bản thân Thị Thật, và còn có cả sự góp sức của những phóng viên Việt Nam ở hiện trường ngày hôm đó đã ra tay đòi lại công bằng cho vận động viên nước nhà.
Trở lại với những diễn biến của cuộc đua ngày hôm đó, khi Nguyễn Thị Thật đang cạnh tranh vô cùng gắt gao với vận động viên Maneephan Jutatip (Thái Lan) ở 2 vị trí dẫn đầu. Đại diện của Việt Nam lúc này đang thực hiện cú nước rút về đích. Thế rồi, Juratip bắt đầu thực hiện hành vi chơi xấu của mình.
Tay đua của Thái Lan đột nhiên lấn làn để khiến Nguyễn Thị Thật mất thăng bằng. Ngay sau đó, nữ cua rơ người An Giang đã cố gắng lách ra khỏi cuộc va chạm nhưng thêm một lần nữa, Jutatip lại lao vào áp sát Nguyễn Thị Thật. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng sau 2 lần bị đối thủ "giở trò", đại diện của Việt Nam đã bị Jutatip vượt qua và lao về đích đầu tiên.
Nguyễn Thị Thật (áo đỏ) bị đối thủ Thái Lan 2 lần chơi xấu.
Quá bức xúc với hành động phi thể thao của đối thủ, Nguyễn Thị Thật lập tức giơ tay phản đối ngay sau khi về đích. Đến lúc này, tổ trọng tài đã phải vào cuộc để giải quyết tình huống gây tranh cãi. Lúc này, đoàn phóng viên của một đài truyền hình Việt Nam có mặt tại hiện trường đã nhanh chóng cung cấp video bằng chứng để đòi lại công bằng cho vận động viên Thị Thật.
Sau khi xem xét đoạn băng hình, tổ trọng tài đã công nhận hành vi chơi xấu của Juratip. Vận động viên Thái Lan bị tước HCV và danh hiệu cao nhất đã được trao lại cho Nguyễn Thị Thật.
Phóng viên cung cấp video bằng chứng cho trọng tài.
"Trước khi về đích, vận động viên Thái Lan đã ép tôi tận 2 lần. Ở lần đầu thì tôi đã vượt qua được, nhưng khi chỉ còn cách đích 50m tôi lại bị ép một lần nữa và vì khoảng cách quá gần nên tôi không thể cố gắng vượt qua tay đua Thái Lan. Lúc về đích chỉ biết giơ tay lên thôi", Nguyễn Thị Thật kể lại khoảnh khắc bị đối phương chơi xấu.
Ông Ngô Quang Vinh, PCT Liên đoàn xe đạp mô tô thể thao Việt Nam, ghi nhận sự đóng góp rất lớn của những phóng viên hiện trường ngày hôm đó:
"Rất may là hôm nay nhờ những phóng viên mà hội đồng trọng tài đã có quyết định công bằng, xử cho vận động viên Nguyễn Thị Thật thắng cuộc."
Tấm HCV quý giá của Nguyễn Thị Thật.
Thực chất, đó vẫn chưa phải là niềm vui trọn vẹn với đội xe đạp đường trường nữ Việt Nam.
Ngay sau khi trọng tài xác định Maneephan Jutatip phạm quy và bị tước HCV, phía đại diện của Thái Lan đã lên tiếng "xin" cho vận động viên của mình: "Tôi thừa nhận là Jutatip đã sai. Nhưng bị loại thì hơi quá đáng. Tôi nghĩ xử cho vận động viên của chúng tôi hạng nhì thì tốt hơn."
Và quả thực, trọng tài đã xử cho vận động viên Thái Lan được HCB. Điều đáng nói ở đây là theo luật của Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI), một vận động viên khi phạm quy sẽ không được tính thành tích. Trong khi đó, hành động của Jutatip có thể được xem là phi thể thao, là tấm gương xấu cho các vận động viên khác và hoàn toàn xứng đáng bị loại. Nhưng rốt cuộc, cô vẫn giành được HCB bởi quyết định có phần khó hiểu của trọng tài.
Điều này đồng nghĩa với việc Phan Thị Liễu, một vận động viên khác của Việt Nam, đã đánh mất tấm HCĐ. Phan Thị Liễu về đích thứ tư chung cuộc, và nếu Jutatip bị loại thì cô sẽ được đôn lên vị trí thứ ba. Khi đó, cả 2 vận động viên của Việt Nam sẽ đều có huy chương.
"Tôi cũng hơi buồn nhưng xét về việc Việt Nam có được tấm HCV thì tôi đã cảm thấy vui hơn.", Phan Thị Liễu chia sẻ.
Nguyễn Thị Thật (trái) và Phan Thị Liễu (phải).