Gìn giữ di sản giữa nhịp sống hiện đại

Thu Trang/ VTV.VN , Theo VTV 14:50 24/07/2025
Chia sẻ

Cuối tháng 5 vừa qua, một người đàn ông trèo lên ngai vàng triều Nguyễn tại Đại Nội Huế và đập phá phần tay vịn. Sự việc gây phẫn nộ và tiếp tục đặt ra câu hỏi: Di sản văn hóa cần được bảo vệ như thế nào?

Gìn giữ di sản giữa nhịp sống hiện đại- Ảnh 1.

Số hóa di sản

Tính đến năm 2025, Việt Nam có 327 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Bao gồm từ những cổ vật nghìn năm như trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh, bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh, đến các bản tuyên ngôn, tác phẩm hội họa hiện đại. Mỗi một bảo vật là lát cắt của lịch sử, kết tinh trí tuệ, tâm hồn và thẩm mỹ dân tộc.

Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt, tiêu biểu cho lịch sử, văn hóa và bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo vệ các cổ vật quý giá này giữa một xã hội ngày càng thương mại hóa, công nghệ hóa và đông đúc khách du lịch chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Gìn giữ di sản giữa nhịp sống hiện đại- Ảnh 2.

Trống đồng Ngọc Lũ (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử)

Hiện nay, nhiều bảo vật đang được trưng bày tại các bảo tàng, khu di tích hoặc nằm trong sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, không ít nơi vẫn thiếu điều kiện bảo quản tối thiểu như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Hệ thống an ninh còn lạc hậu, nhân lực chuyên môn hạn chế, chưa có phương án ứng phó rõ ràng với các rủi ro như cháy nổ, trộm cắp hay thiên tai.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát toàn diện hiện trạng bảo vật, đồng thời yêu cầu các địa phương đánh giá điều kiện trưng bày và xây dựng kế hoạch bảo vệ cụ thể.

Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh - để bảo tồn hiện vật quý cần có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ chuyên môn cao và ứng dụng công nghệ hiện đại. "Việc quét 3D, tạo bản sao kỹ thuật số hay áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR/AR) không chỉ giúp lưu trữ dự phòng khi có hư hại, mà còn là công cụ giáo dục và phát triển du lịch bền vững. Một bảo vật được số hóa có thể hiện diện ở nhiều nơi, tiếp cận hàng triệu người thay vì chỉ nằm sau tủ kính", ông chia sẻ.

Gìn giữ di sản giữa nhịp sống hiện đại- Ảnh 3.

Chõ gốm Đông Sơn, bảo vật quốc gia vừa được công nhận (Ảnh: Thu Trang)

Trách nhiệm cộng đồng

Trong một thế giới phẳng, di sản văn hóa, đặc biệt là bảo vật quốc gia, không chỉ là tài sản quý giá của dân tộc, mà còn là một hình thức "quyền lực mềm" trong xây dựng thương hiệu quốc gia. Nhìn ra quốc tế, nhiều nước đã xây dựng hệ thống bảo tồn chặt chẽ gắn với phát triển bền vững.

Tại Pháp, mỗi bảo vật quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt về điều kiện bảo quản và chỉ được di dời hay phục chế khi có sự đồng thuận của Hội đồng chuyên gia quốc gia. Nhật Bản kết hợp bảo tồn và trình diễn trong lễ hội truyền thống. Hàn Quốc thành lập Ủy ban quốc gia về bảo vật, quản lý từng hiện vật với ngân sách riêng và đội ngũ phục chế chuyên biệt. Tại Ý, quốc gia có số lượng di sản UNESCO nhiều nhất thế giới, nhà nước cho phép tư nhân tham gia đầu tư bảo tồn và được hưởng lợi từ du lịch văn hóa.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những mô hình này, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tiễn trong nước. Bảo tồn không chỉ là gìn giữ mà còn là cơ hội phát triển nếu có cơ chế linh hoạt, chính sách mở và sự tham gia của cộng đồng.

Gìn giữ di sản giữa nhịp sống hiện đại- Ảnh 4.

Bô 3 tượng Phật gỗ cổ xưa nhất Đông Nam Á (Ảnh: Thu Trang)

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh - chính người dân sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa mà cha ông ngàn xưa đã sáng tạo và gìn giữ để lưu lại cho đời sau. "Chúng ta vừa trân trọng, vừa có trách nhiệm phải bảo vệ trong thời gian sắp tới".

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc bảo tồn di sản không chỉ là giữ lại những gì đã có, mà còn là cách gìn giữ căn tính và bản sắc Việt giữa một thế giới đa dạng và biến động không ngừng.

Công tác nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ, cần được triển khai rộng rãi từ nhà trường, gia đình đến không gian công cộng. Không thể chỉ dựa vào khẩu hiệu hay văn bản, mà cần truyền thông bằng hình thức gần gũi, cảm xúc và sáng tạo, để mỗi người đều thấy di sản là một phần của chính mình.

"Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức cộng đồng. Mỗi di sản tồn tại đều nhờ vào sự bảo vệ của con người. Nếu người dân không hiểu giá trị của bảo vật, thì luật pháp và kỹ thuật cũng không đủ sức cứu vãn. Vì thế, cần đưa giáo dục di sản vào nhà trường, tổ chức các triển lãm, kể chuyện cổ vật, tour tham quan chuyên đề để 'thổi hồn' vào di sản, biến chúng thành một phần trong đời sống hiện tại, chứ không chỉ là quá khứ khô cứng", Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Gìn giữ di sản giữa nhịp sống hiện đại- Ảnh 5.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử)

Khi người dân hiểu và trân trọng từng cổ vật, từng biểu tượng lịch sử, chính họ sẽ trở thành những "người bảo vệ di sản" bền bỉ và mạnh mẽ nhất.

Mỗi bảo vật quốc gia là minh chứng sống động cho quá trình dựng nước và giữ nước, là biểu tượng tinh thần dân tộc, và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Gìn giữ bảo vật không chỉ là bảo vệ hiện vật mà là gìn giữ ký ức, khơi dậy niềm tự hào, và khẳng định bản sắc Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày