Không phải tất cả chúng ta đều có kỹ năng bẩm sinh về những thứ giống nhau. Một số giỏi thể thao hơn học toán, có người giỏi tiếp thu ngôn ngữ và từ ngữ, trong khi lại có người khác rất nhanh nhạy trong việc hình dung các hình ảnh, khối mẫu. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết khả năng của mình và kết quả là họ có thể chọn sai nghề nghiệp.
Lý thuyết về nhiều trí thông minh (Thuyết Đa trí tuệ) được giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách “Frames of Mind” năm 1983 của Howard Gardner - nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học Harvard (Mỹ). Theo nghiên cứu và phân tích của ông, con người có 8 loại trí thông minh, mỗi loại đại diện cho khả năng một người xử lý thông tin tốt nhất. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không phải mỗi người chỉ có thể có 1 loại thông minh duy nhất. Việc bạn đạt điểm cao như thế nào trong một hạng mục không nhất thiết ảnh hưởng đến điểm số của bạn trong một hạng mục khác.
Nếu bạn muốn trở nên xuất chúng ở một lĩnh vực nào đó, cách tốt nhất là hiểu những lĩnh vực trí tuệ mà mình có lợi thế và sau đó xây dựng dựa trên những điểm mạnh đó. Ví dụ, một học sinh có trí thông minh không gian có thể hiểu hơn về các phân số trong toán học khi họ hình dung cách tách quả táo thành từng lát.
Khi hiểu sâu hơn về tài năng thiên bẩm của mình, chúng ta có cơ hội tốt hơn để tìm ra cách đạt được mục tiêu trong cả cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp.
Thuyết đa trí tuệ phân trí thông minh của con người thành 8 loại
Dưới đây là 8 loại trí thông minh được Gardner xác định:
Trí thông minh này là khả năng suy nghĩ trừu tượng và đa chiều. Những người sở hữu trí thông minh không gian cao thường có khả năng lý luận và hình thành các khái niệm về không gian tốt. Đây là khả năng cần thiết cho các lĩnh vực như kiến trúc, thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, thiết kế nội thất và hàng không.
Thông minh thể chất là có khả năng sử dụng cơ thể của bạn để thể hiện năng lực thể chất và thể thao. Nếu bạn có kỹ năng này, bạn có thể trở thành một vận động viên hoặc một vũ công giỏi. Ngoài ra trí thông minh loại này còn hợp để làm nhà vật lý trị liệu hay thợ xây.
Người có độ nhạy với nhịp điệu, cao độ, âm sắc, giai điệu và âm thanh nói chung được coi là có trí thông minh âm nhạc. Những người nổi tiếng với trí thông minh âm nhạc bao gồm Beethoven, Jimi Hendrix và Aretha Franklin.
Đôi khi được gọi là “trí thông minh ngôn từ”, bao gồm khả năng nhạy cảm với ý nghĩa của từ, thứ tự giữa các từ và âm thanh, nhịp điệu, sự biến đổi và độ dài của từ. Những người đạt điểm cao trong hạng mục này thường giỏi viết truyện, ghi nhớ thông tin và đọc. Họ phù hợp với nghề viết hay làm luật sư.
Thông minh toán học bao gồm khả năng phân tích vấn đề một cách logic, thực hiện các phép toán và điều tra các vấn đề một cách khoa học. Những người có trí thông minh này có thể kể đến Albert Einstein và Bill Gates. Họ đều có kỹ năng phát triển các phương trình, chứng minh và giải quyết các vấn đề trừu tượng và hợp làm nhà toán học, lập trình viên, nhà khoa học nghiên cứu, nhà kinh tế học.
Trí thông minh này thể hiện khả năng tương tác hiệu quả với những người khác, tức nhạy cảm với tâm trạng, cảm xúc, tính khí và động cơ của người xung quanh. Về cơ bản, người có trí thông minh tương tác có thể hiểu và liên hệ với những người xung quanh một cách sâu sắc. Vì thế, nhóm người này hợp làm nghề liên quan đến đàm phán, chính trị và tâm lý học.
Nếu bạn thấy mình có sự nhạy cảm với cảm xúc, mục tiêu và sự lo lắng của bản thân cũng như khả năng lập kế hoạch và hành động dựa trên những đặc điểm của bản thân cao thì có thể bạn sở hữu trí thông minh nội tâm. Loại thông minh này không dành riêng cho những nghề nghiệp cụ thể mà đó là mục tiêu của mọi cá nhân trong một xã hội hiện đại, nơi chúng ta phải đưa ra các quyết định mang tính hệ quả cho chính mình.
Khả năng hiểu được các sắc thái trong tự nhiên, bao gồm sự phân biệt giữa thực vật, động vật và các yếu tố khác của tự nhiên và cuộc sống thuộc về trí thông minh tự nhiên. Những nhân vật đáng chú ý với trí thông minh tự nhiên bao gồm Charles Darwin và Jane Goodall. Họ hợp làm nhà địa chất, làm nông hay nhà thực vật học.
Nguồn: CNBC