Tỷ phú là những người quản lý thời gian khôn ngoan nhất thế giới. Mỗi ngày, họ bận trăm công nghìn việc: đọc email, gặp nhân viên, họp hành, tìm chiến lược marketing mới,... Làm thế nào để họ xử lý hết khối lượng công việc khổng lồ đó và vẫn kiếm được 10.000 USD/ngày?
Sự thật là, họ thành công như vậy nhờ làm việc năng suất. Dưới đây là những bí kíp giúp các tỷ phú có thể sử dụng thời gian hiệu quả mỗi ngày, rút ra từ cuốn sách 15 Bí Mật Người Thành Công Dùng Để Quản Lý Thời Gian: Thói Quen Của 7 Tỷ Phú, 13 Vận Động Viên Olympics, 29 Học Sinh Giỏi Và 239 Doanh Nhân.
Làm việc quan trọng nhất vào sáng sớm
Nathan Blecharczyk
Nathan Blecharczyk - người đồng sáng lập Airbnb - luôn lên lịch làm việc "ngược". Anh sẽ sắp xếp các việc cần làm theo thứ tự từ cuối ngày lên đầu ngày, để có thể tập trung cho việc quan trọng vào sáng sớm. Tỷ phú này cũng luôn xếp các cuộc họp vào cuối ngày vì chúng không quan trọng.
Do đó, nếu không muốn bị xao nhãng với đủ loại yêu cầu và email, hãy hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất vào sáng sớm.
Không làm nhiều việc cùng lúc
Tỷ phú Mike Cannon-Brookes khuyên mọi người: "Mỗi lần chỉ nên làm một thứ, đừng làm nhiều việc cùng lúc!".
Nhiều người thường tự hào vì có thể làm nhiều việc cùng lúc. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thói quen này sẽ làm giảm năng suất, đặc biệt là đối với người trẻ. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, làm nhiều việc cùng lúc sẽ giảm 40% năng suất.
Đặt ra "ngày chủ đề"
Jack Dorsey
Các tỷ phú như Jack Dorsey hay Elon Musk luôn làm việc theo chủ đề của từng ngày, vì thói quen này khiến họ tập trung hơn, không bị xao nhãng bởi các nhiệm vụ khác. Một tuần của CEO Twitter diễn ra như sau:
- Thứ 2 dành cho các vấn đề quản lý.
- Thứ 3 dành cho các vấn đề về sản phẩm.
- Thứ 4 dành cho các vấn đề về marketing và tăng trưởng.
- Thứ 5 dành cho các nhà phát triển và đối tác.
- Thứ 6 dành cho các vấn đề liên quan tới văn hóa công ty và tuyển dụng.
- Thứ 7 để nghỉ ngơi.
- Chủ nhật để suy ngẫm, lên kế hoạch chiến lược, phản hồi và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thứ 2.
Kỷ luật còn quan trọng hơn sự thông minh
Tỷ phú Andrew Mason - đồng sáng lập Groupon và Detour - nói rằng, ông đã gặp nhiều người tuy thông minh nhưng không thành đạt bằng ông do thiếu tính kỷ luật. Họ hứa sẽ làm nhưng rồi lại không làm được.
Theo ông, bí quyết thành công rất đơn giản: Hình thành các thói quen tốt và nghiêm túc thực hiện chúng.
Andrew cho biết, nếu chơi game mô phỏng việc kinh doanh ngoài đời thật và có 10 điểm để chia cho các kỹ năng, ông sẽ đặt 7 điểm vào kỷ luật và 3 điểm trí thông minh. Do đó, bạn nên rèn ý chí của mình nếu muốn thành công, vì nó quan trọng hơn chỉ số IQ nhiều.
Nạp năng lượng và làm mới bản thân vào giữa ngày
Tỷ phú trẻ nhất châu Phi - Mohammed Dewji - cho biết, đầu óc tỉnh táo và tinh thần khỏe mạnh chính là chìa khóa của thành công. Sau nhiều tiếng làm việc mệt mỏi, anh luôn tập thể dục vào bữa trưa để lấy lại năng lượng cho buổi chiều. Theo Dewji, mỗi người sẽ có một phương pháp phù hợp với mình.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc tập thể thao sẽ tăng cường sự tập trung, năng lượng, hạnh phúc, năng suất, sức khỏe và tuổi thọ. Hãy coi thói quen này là một sự đầu tư, thay vì là chuyện tốn thời gian.
Tỷ phú Dustin Moskovitz cũng bày tỏ sự hối tiếc vì đã không tập thể dục và ăn uống tốt hơn để có thể thành công hơn nữa.
Cống hiến 50% thời gian để xây dựng sản phẩm chất lượng và tránh xa các hành động thể hiện sự tự phụ
Mark Pincus
Mark Pincus là tỷ phú đã sáng lập ra Zynga - nền tảng chơi game nổi tiếng trên Facebook. Theo ông, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bạn cần phải cống hiến ít nhất 50% thời gian của mình cho chúng. Ông cũng khuyên mọi người không nên nhận lời phát biểu, tham gia talk show hay làm bất cứ hành động tự phụ nào nếu chúng không đem lại lợi ích cho công ty.
Lee Iacocca từng là một doanh nhân tài giỏi, người vực dậy cả tập đoàn ô tô Chrysler đang bên bờ phá sản. Tuy nhiên sau này, ông quá mải mê với tham gia talk show và các sự kiện ngoài lề, đến nỗi giá cổ phiếu của tập đoàn rớt thảm hại.
Viết ghi chú ra giấy
Tỷ phú Hy Lạp Aristotle Onassis gọi thói quen này là "bài học trị giá cả triệu USD mà không ai dạy tại trường học". Ông khuyên mọi người nên viết ra mọi thứ, từ các ý tưởng cho tới các thông tin thú vị. Theo Onassis, viết ra mục tiêu sẽ giúp bạn dễ thực hiện hơn. Nếu không, bạn sẽ sớm quên chúng.
Rất nhiều tỷ phú khác cũng đề cao thói quen này, bao gồm Bill Gates và Richard Branson.
Viết mọi thứ ra giấy giúp não bộ chúng ta ghi nhớ tốt hơn. Kể cả nếu quên, bạn vẫn có thứ để nhìn lại.
Sẵn sàng nói không và dành thời gian cho bản thân
CEO của LinkedIn - Jeff Weiner - luôn để dành thời gian trống trên lịch làm việc của mình. Mỗi ngày, ông sẽ dành 1,5-2 tiếng để nghỉ ngơi, chia thành từng quãng dài khoảng 30-90 phút. Không ai được phép làm phiền ông lúc này.
Jeff Weiner bắt đầu thói quen này sau khi không có đủ thời gian để xử lý mọi thứ vì ngày nào cũng phải đi họp. Vị tỷ phú này nhanh chóng nhận ra, nghỉ ngơi là cần thiết để tiếp tục làm việc.
Rất nhiều người đã làm việc quá sức và đẩy bản thân tới giới hạn cuối cùng trước khi nhận ra điều quan trọng này.
Giảm thời gian hoặc loại bỏ việc họp hành
Mark Cuban cho biết, ông không bao giờ đi họp trừ khi nó giúp ông kiếm được nhiều tiền, chẳng hạn như khi đi đàm phán giá hoặc bán công ty.
Tỷ phú Warren Buffett cũng chia sẻ rằng ông chẳng bao giờ đi họp. Bởi lẽ, đa phần chuyện họp hành chỉ tốn thời gian. Nếu bạn trả nhân viên 30 USD/h và bắt 10 người tham gia một cuộc họp vô bổ, bạn sẽ mất trắng 300 USD.
Triệu phú Jason Fried chỉ mời những người thực sự cần thiết đi họp. Ông cũng khuyên mọi người cần xác định rõ mục tiêu và đặt ra giới hạn thời gian trước mỗi buổi họp.
Không bỏ qua những thói quen căn bản: Ăn uống khoa học, luyện tập đầy đủ và đọc sách thường xuyên
Đây là những thói quen căn bản nhất nhưng nhiều người vẫn hay bỏ qua. Họ coi thường vì chúng quá dễ, hoặc quá lười để thực hiện đều đặn.
Tuy nhiên, các tỷ phú hàng đầu thế giới như Tony Robbins, Gary Vaynerchuk hay Arnold Schwarzenegger đều duy trì các thói quen này hàng ngày. Họ luôn uống đủ nước, ăn đủ chất, tập thể dục chăm chỉ, thức dậy trước 6h sáng, thiền, đọc sách bổ ích, viết nhập ký, đặt mục tiêu theo ngày.
Bạn không cần phải làm tất cả những điều này mà chỉ cần chọn ra một thói quen mà mình có thể duy trì. Những người không bao giờ bận tâm đến việc cải thiện bản thân sớm muộn gì cũng sẽ thất bại.