Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc.
Qua nhiều lần remake, Little Women (Những Người Phụ Nữ Bé Nhỏ) bản 2019 của Greta Gerwig đang được đánh giá là phiên bản có kết thúc mới mẻ và phần "twist" ấn tượng nhất. Xuyên suốt bộ phim, nhân vật Jo March luôn được thể hiện là người yêu tự do nhất trong 4 chị em nhà March. Cô hay đưa ra những lời khẳng định về việc phụ nữ nên được nhìn nhận một cách bứt phá ra khỏi những định kiến về hôn nhân, rằng họ có hoài bão, ước mơ và đáng đạt được những điều đó. Cô dành cả đời để viết nên quyển tiểu thuyết của đời mình, và cuối cùng cảm hứng không đâu khác ngoài chính câu chuyện của gia đình cô, với cô là nhân vật chính.
Tuy nhiên, ở cuối phim, khi giao dịch xuất bản sách đang được tiến hành, thực tại và quá khứ đan xen vào nhau khi chúng ta thấy cảnh Jo (Saoirse Ronan) đuổi theo chàng giáo sư Friedrich Bhaer theo phong cách rất "Mắt Biếc". Lúc đại diện xuất bản muốn Jo thay đổi cái kết, để nhân vật nữ chính phải kết hôn, cô đã gật đầu đồng ý, và chúng ta thấy Jo cùng Friedrich hôn nhau thắm thiết trong sự đắc ý của đại diện xuất bản.
Vậy câu hỏi là, Jo có thật sự kết hôn? Cảnh hôn nhau lãng mạn nó cùng lời đề nghị sẽ ở bên nhau của cặp đôi là quá khứ đã trở thành sự thật, hay chỉ là một hình ảnh hư cấu trong tác phẩm Jo viết để chiều lòng nhà xuất bản? Hơn nữa, cảnh phim sau đó, với trường học do Jo mở, hạnh phúc bên những người thân, hay cảnh Jo nhìn quyển sách của mình chào đời, đâu mới là thật, đâu mới là ảo?
Để lý giải cho kết thúc này, trước tiên cần tìm hiểu kết thúc của tác phẩm gốc.
1. Nhìn lại kết thúc của tác phẩm gốc
Trong tác phẩm gốc của nữ văn sĩ Louisa May Alcott, Jo March không khác mấy với phiên bản 2019 do Saoirse Ronan thể hiện. Cô là một cô gái bốc đồng, yêu tự do và luôn quan niệm phụ nữ có nhiều thứ để theo đuổi hơn là một kết thúc có hậu với đám cưới và gia đình. Bố của Jo thậm chí còn gọi cô là "con trai". Jo yêu văn học và luôn khao khát viết nên tác phẩm của đời mình, nhưng thực tế thì trong một gia đình chỉ toàn con gái, giữa một xã hội chỉ luôn nghĩ "phụ nữ phải lấy được tấm chồng tốt để hỗ trợ gia đình về mặt tài chính", việc viết sách thoát ra khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền dường như là điều không thể. Jo liên tục viết những truyện giật gân, giải trí cho các báo khác nhau, và điều này đã khiến giáo sư người Đức Friedrich, bạn trọ của cô phê bình những mẩu truyện đó.
Trong tác phẩm gốc, Friedrich được mô tả là một người trung niên và có ngoại hình không bắt mắt so với hình ảnh anh chàng hàng xóm Laurie đẹp trai, lãng tử và yêu đơn phương Jo từ thời niên thiếu. Tuy vậy, kết thúc tác phẩm, Jo vẫn cưới Friedrich, mặc cho khác biệt tuổi tác và một chút về tính cách. Điều này đã khiến rất nhiều độc giả tiếc nuối. Thứ nhất, Jo không thể kết hôn với Laurie, người đã được khắc họa nhiều trước đó như một mẫu người lý tưởng. Thứ hai, Jo không hề sống độc thân như những gì tính cách cô đã thể hiện trước đó. Hai điều này đã khiến Little Women dù là một tác phẩm vĩ đại nhưng vẫn khiến độc giả không ngừng trăn trở về số phận cuối cùng của nhân vật nữ chính (gọi là "the heroine).
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu về cuộc đời của tác giả Louisa May Alcott và mối liên hệ của bà với Little Women, có thể thấy tiểu thuyết như một dạng bán tự truyện của bà và gia đình, mà bà gửi gắm hình ảnh của mình rất nhiều qua nhân vật Jo, kể cả những tuyên ngôn về sự tự do theo đuổi hoài bão và bứt khỏi hôn nhân. Một điểm thú vị là dù Jo kết hôn ở cuối tác phẩm, song bà Alcott lại không hề lập gia đình hay có con. Vậy có phải chăng, đã có lý do nào đó tác động đến bà trong việc đẩy nhân vật của mình đến một đám cưới?
2. Ý nghĩa cái kết của phiên bản 2019
Trong bản remake năm 2019, Greta Gerwig đã nói khá rõ từ đầu về định kiến xã hội dành cho phụ nữ, ngay cả khi họ ở trên trang sách. Nếu nhân vật chính là một phụ nữ, khán giả muốn thấy cô ấy kết hôn, lập gia đình và có con, "nếu không thì cô ấy cũng như chết rồi". Tự do lúc bấy giờ là một điều xa xỉ trong một xã hội trọng kinh tế và hôn nhân được xem như là một "giải pháp kinh tế", theo lời của em gái Amy March. Ở một phân đoạn trong phim, Jo đã bối rối đến mức thốt lên rằng "nếu con là cô gái trong sách thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn", ở đây ám chỉ cảm giác bất lực của Jo khi không thể lấy một tấm chồng tốt để hỗ trợ cho gia đình về mặt kinh tế nhưng rất nhiều cô gái có kết thúc giống nhau được viết trên trang sách.
Đây thật ra chính là điều đã xảy ra với chính tác giả Louisa May Alcott khi nhà xuất bản buộc bà phải có kết thúc "đúng chuẩn" cho cả 4 chị em nhà March: hoặc cưới, hoặc chết. Ngày đó, Little Women được chia làm 2 phần, phần đầu có tên gốc và phần sau đó có tên "Good Wives"(Những người vợ thảo) như để đánh vào thị hiếu của khán giả và nhà xuất bản lúc đó. Giáo sư Friedrich cũng được tạo ra ở phần này, cốt để Jo có thể có một tấm chồng. Không còn cách nào khác để đi ngược lại định kiến xã hội, Alcott chọn cách để Jo cưới một người có ngoại hình không đẹp, nhưng lại có tâm hồn nhạy cảm và trí tuệ thông suốt, như ước mơ của bà về mẫu đàn ông trong xã hội lúc đó.
Đến với bản phim của Greta Gerwig, nữ đạo diễn từng thành công với Lady Bird, cô đã biến kết thúc này thành vũ khí lợi hại cho mình. Cấu trúc kể chuyện phi tuyến tính, đang xen giữa thực tại và quá khứ của cô thật sự phát huy tác dụng ở kết phim, khi khán giả không còn nhận ra đâu là thực và đâu là hư cấu, bởi tất cả những cảnh quá khứ (flashbacks) của phim thật ra là những dòng được Jo viết trong tác phẩm của đời mình. Hay nói cách khác, Greta Gerwig đã biến Jo March của phim thành chính Louisa May Alcott, tác giả của tiểu thuyết gốc.
Nếu Little Women bản 2019 là một phim chuyển thể an toàn và dễ dàng, thì kết phim Jo March của Saoirse Ronan chỉ cần có một đám cưới thật đẹp. Nhưng không, đạo diễn Greta Gerwig đã dùng lối kể chuyện meta, tức "truyện trong truyện" để biến Jo thành chính tác giả Louisa May Alcott, tự viết lại cuộc đời mình. Vậy nên, mục đích của những phân cảnh quá khứ không chỉ để liên kết với hiện tại và lần giở quá khứ của nhân vật, mà mục đích cuối cùng chính là để dẫn đến 2 kết thúc cho bộ phim: kết thúc cho nhân vật Jo ở ngoài đời, và kết thúc cho nhân vật Jo trong trang sách.
Trong phim, chị cả Meg của Emma Watson đã có một câu thoại rất hay khi Jo khuyên chị nên từ bỏ việc lập gia đình để theo đuổi ước mơ như cô: "Ước mơ của em quan trọng thì không có nghĩa là của chị kém quan trọng hơn". Đây chính là thông điệp nữ quyền đầy tinh tế và ngập tràn yêu thương của Greta Gerwig: nữ quyền chưa bao giờ là việc khẳng định sự mạnh mẽ, độc thân của mình để lên án, phê phán thước đo hạnh phúc của những phụ nữ khác. Ai cũng có lựa chọn, và dù là lựa chọn nào, phụ nữ cũng đáng được viết nên câu chuyện của đời mình như chính câu chủ đề trên poster phim: "own your story" (giữ lấy câu truyện của mình), hệt như cách Jo và cả tác giả Alcott ngoài đời đều một mực giữ bản quyền cho tác phẩm của mình sau khi đã dứt ruột "gả chồng" cho nữ chính.
Hai kết thúc của phim, đến Greta Gerwig cũng ghi chú trong kịch bản "THỰC. ẢO. HAY CẢ HAI", là sự lựa chọn về niềm tin của chúng ta cho những người phụ nữ bé nhỏ trên màn ảnh. Ở một thực tại, Jo có người bạn đời để mở một trường học, và tất cả đều hạnh phúc. Ở một thực tại khác, Jo nhìn quyển sách của mình "ra lò" như nhìn đứa con từ ngoài phòng hộ sinh, và khi cầm được nó trên tay thì sẽ như ý đồ mà chính Greta Gerwig đã nói: "như được nếm trải nụ hôn chân tình". Dẫu là kết thúc nào cũng đầy nhân văn và đầy tình yêu với thân phận người phụ nữ.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Little Women hiện đang khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.