Ghé cửa tiệm hơn 80 năm tại TP.HCM mua lạp xưởng, món ăn quen thuộc trong ngày Tết miền Nam

Khánh Vy - Thiết kế: Huyền Trang, Theo Tổ quốc 14:21 19/01/2023
Chia sẻ

Không những là món ngon trên mâm cơm Tết, mà món lạp xưởng hay lạp vịt còn là món mời khách đậm đà gây biết bao thương nhớ.

Món ăn truyền thông ngày Tết miền Nam thì đa dạng đủ loại, từ món kho đến món hấp, món canh đến món chiên. Trong đó có món lạp xưởng một món ngon đầy hương vị mặn mà được người dân miền Nam ưa chuộng.

Đây là món ăn được làm từ thịt heo, thường là thịt nạc và mỡ. Khi xay nhuyễn cả rồi trộn với gia vị, sau đó nhồi hỗn hợp này vào ruột lợn khô để làm chín bằng cách lên men tự nhiên. Món này mà được dùng kèm với cơm trắng, xôi, bánh mì hoặc bánh tráng phải gọi là "chuẩn bài".

Ghé cửa tiệm hơn 80 năm tại TP.HCM mua lạp xưởng, món ăn quen thuộc trong ngày Tết miền Nam - Ảnh 1.

Khu Chợ Lớn của người Hoa những ngày qua nhộn nhịp không khí Tết đang cận kề. Các hàng quán bán đồ ăn cũng đông đúc người ra kẻ vào. Nhất là tiệm Lý Hoà Trân - nơi bán lạp xưởng, lạp vịt nức tiếng tại khu vực quận 5. Cửa tiệm đã có thâm niên bán hơn 80 năm nên người dân ở đây không ai là không biết đến danh tiếng của tiệm.

Tấm biển tên Lý Hoà Trân Lạp Vị Gia màu xanh nhẹ nhàng với dòng chữ kiểu xưa nổi bật, bên cạnh vẽ hình gia cầm. Góc tiệm này đã trở thành ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân tại khu Chợ Lớn. Những ngày giáp Tết nơi đây cũng chứng kiến cảnh tấp nập xe cộ vào ra không ngớt.

Ngay từ phía ngoài, tiệm treo đầy các loại lạp xưởng, lạo vịt muối, lạp vịt đùi, vịt quay, heo quay… vô cùng bắt mắt. Chủ quán phải kê bìa cứng phía dưới để hứng mỡ chảy ra từ phía trên. Các món lạp xưởng ở đây được đánh giá có tỷ lệ thịt và mỡ rất cân đối, không quá nhiều cũng không quá ít tạo hương vị hài hoà. Nhiều người ăn ở đây đều tấm tắc rằng món lạp xưởng heo có mùi vị ít nơi nào sánh bằng.

Ngoài ra, tiệm còn bán rất nhiều loại lạp xưởng với mức giá khác nhau. Tuỳ vào lạp xưởng tươi hay lạp xưởng khô, tỉ lệ thịt - mỡ để người mua có sự lựa chọn phù hợp nhất. Lạp xưởng ở đây thường có màu đỏ, hồng hoặc nâu sậm, khi ăn có vị ngọt tự nhiên hòa lẫn với một chút béo ngậy từ mỡ heo.

Ngoài món lạp xưởng heo đa dạng, đủ thể loại thì món lạp xưởng vịt cũng không hề kém cạnh. Lạp vịt khác với lạp xưởng thường ở chỗ là không được nhồi vào ruột heo mà chỉ ép miếng thịt vịt ướp gia vị và phơi khô. Món ngon độc lạ này sự kết hợp giữa vị béo bùi của thịt vịt, hòa lẫn với vị ngọt đậm đà của gia vị.

Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Vì thế, không có gì lạ khi trên mâm cỗ Tết Việt không thể nào thiếu được sắc đỏ, trong đó có sắc đỏ hồng tươi của lạp xưởng. Món lạp xưởng, lạp vịt còn có thể chế biến được hàng vạn món ăn món như hấp, khìa, chiên cơm, ăn kèm xôi, nướng,... cực kỳ thơm ngon.

Không chỉ xem lạp xưởng, lạp vịt là một trong những món đặc sản hấp dẫn, mà hai món này có thời gian bảo quản cực lâu. Có thể để đến 6 tháng nên các món lạp cũng trở thành loại thức ăn "dự phòng", cứ cất trong tủ lạnh khi cần thì cứ lấy ra ăn. Mà cũng vì dự trữ được lâu như thế mà lạp xưởng thường được người dân mua vào dịp Tết để đãi khách cũng như ăn dần.

Ghé đến Lý Hoà Trân vào ngày cận Tết, không thể đếm nổi lượng thực khách ra vào tiệm vì quá đông. Chủ quán cho biết năm nay khách vẫn ghé đến ủng hộ tiệm đều đều. Gia đình có thêm vài người phụ vẫn không kịp để phục vụ thực khách. Thế mới thấy, lạp xưởng, lạp vịt vẫn là món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết của người dân TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày