Gen Z đối mặt với lạm phát, bão giá: Đầu tư hay để tiền tiết kiệm?

NE TRẦN/ DESIGN: HOÀNG SƠN, Theo Trí Thức Trẻ 19:31 21/06/2022

Đứng giữa những cuộc khủng hoảng về giá cả, Gen Z chọn đầu tư hay gửi tiết kiệm chờ khủng hoảng qua đi?

Là thế hệ đang được kỳ vọng sẽ thay đổi thị trường lao động lẫn bức tranh tài chính của cả thế giới trong tương lai, Gen Z liên tục tạo được những dấu ấn riêng của chính mình: tìm hiểu và tham gia các sàn đầu tư từ sớm, không ngại vay tiền mua nhà - mua xe, nghỉ việc lương cao để kinh doanh…

Thế nhưng bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận lớn Gen Z cũng đang phải đối mặt với vô số những vấn đề về chi tiêu và tiền bạc vì lạm phát. Vừa bước chân ra khỏi cánh cổng trường Đại học, thế hệ này đã phải khóc ròng vì thất nghiệp do yếu tố dịch bệnh, chật vật chi tiêu do giá cả leo thang khủng khiếp nhất trong 40 năm vừa qua…

Gen Z đối mặt với lạm phát, bão giá: Người rút trọn vốn về cho an toàn, người nhất quyết không để tiền đứng yên - Ảnh 1.

Nếu gõ từ khóa "Gen Z và lạm phát" trên công cụ tìm kiếm của Google, 361.000 kết quả với hàng loạt lời khuyên, giải pháp và nghiên cứu về chủ đề này sẽ xuất hiện. Thế nhưng đa phần những kết quả nổi bật đó đều chỉ là ý kiến từ chuyên gia, còn thế hệ Z - những người đã và đang chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng, họ sẽ làm gì với đồng tiền của mình? Liệu Gen Z sẽ liều mình tiếp tục rót tiền đầu tư hay chọn cách tiết kiệm để giữ cho tiền an toàn qua hết khủng hoảng đây?

Muốn tiền đẻ ra tiền phải biết giữ sao cho tiền đừng mất đã!

Từng là một Gen Z đam mê đầu tư, có lúc rót vốn lên đến tiền tỷ cho các kênh, giữa lúc lạm phát - vật giá leo thang Minh Anh (22 tuổi, TP. Hà Nội) lại chọn cách cắt lỗ, thu lại vốn liếng. Chia sẻ về quyết định của mình, cô nàng cho biết:

"Có nhiều người cũng nói đây là giai đoạn tốt để rót tiền vào đầu tư dài hạn, kiếm thêm vài đồng chạy đua với bão giá về sau, nhưng mình không đồng ý với ý kiến đó chút nào.

Với tình hình thị trường như thế này mình cảm thấy có giữ lại các nguồn đầu tư cũng sẽ rất lâu mới sinh lời và còn có nguy cơ lỗ nhiều hơn. Bản thân mình sau nhiều đợt đối diện với khủng hoảng đã thua lỗ hơn 43% vốn liếng, thiệt hại nặng nề nên đành rút lui thôi. Ai mà chẳng muốn tiền đẻ ra tiền, nhưng thua lỗ sạch, vốn còn không giữ được thì lấy đâu ra lãi mà ham?"

"Đừng để tiền nằm yên" từng được xem là câu slogan đúng nhất với bức tranh tài chính của Gen Z khi thế hệ này liên tục chọn cách đầu tư, thử sức với nhiều thị trường cùng tham vọng kiếm ngày càng nhiều. Thế nhưng, ở thời điểm này câu slogan đó có vẻ đã không còn đúng. Minh Anh không phải là người duy nhất "quay xe", đưa tiết kiệm lên làm tôn chỉ sống mà có đến 57% Gen Z cũng chọn cách này để sống sót qua bão giá và lạm phát (số liệu của công ty dịch vụ tài chính Fidelity).

Gen Z đối mặt với lạm phát, bão giá: Người rút trọn vốn về cho an toàn, người nhất quyết không để tiền đứng yên - Ảnh 2.

Vật giá tăng chóng mặt, không đầu tư thì tiền đâu mua nhà - sắm xe?

Trái ngược với quan điểm của Minh Anh, Thu Thảo (21 tuổi, Nha Trang) lại cho rằng đây chính là thời điểm tốt để Gen Z rót tiền vào đầu tư, kiếm lợi về sau. Bởi lẽ hiện tại, đa phần các kênh đầu tư đều đang ở mức giá rất thấp, hoàn toàn có thể mua lại để trữ và chờ tăng giá. Theo Thu Thảo, khi nào chưa bán ra thì không thể nào bảo là lỗ được. Tuy nhiên, cô nàng cũng "đính kèm" vài dặn dò cho những ai muốn "liều ăn nhiều" vào thời điểm này.

"Chưa bao giờ mình thấy thị trường có giá tốt như thế này trong 5 năm gần đây, nếu bạn có tiền nhàn rỗi chưa cần sử dụng đến, bạn vẫn có thể rót vốn tìm kiếm cơ hội về sau. Mình thấy càng lạm phát, càng bão giá càng nên đầu tư để kiếm tiền vì đây là cơ hội duy nhất cho các bạn có thể mua nhà, sắm xe hay đạt được các mục tiêu tài chính. Còn nếu ôm khư khư tiền, đợi bình ổn lại thì sẽ không được giá tốt cũng như làm tiền mình mất giá thêm thôi.

Nhưng nếu muốn đầu tư vào lúc thị trường biến động và đầy rủi ro, bạn cũng cần có kiến thức đầy đủ, đừng chỉ ‘bắt đáy’ theo xu hướng kẻo lại thiệt thân".

Ý kiến của Thu Thảo cũng tương đồng với rất nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới. Một cuộc khảo sát của Bankrate cũng cho thấy tiền tiết kiệm và quỹ khẩn cấp của 46% Gen Z đã giảm đi đáng kể để phục vụ mục đích tận hưởng cuộc sống, du lịch và đầu tư vào thị trường lúc này.

Gen Z đối mặt với lạm phát, bão giá: Người rút trọn vốn về cho an toàn, người nhất quyết không để tiền đứng yên - Ảnh 3.

Thu Thảo cho rằng đầu tư chính là cách sinh lời tốt nhất hiện tại

Tiết kiệm hay đầu tư - cái nào mới đúng?

Ngoài 2 ý kiến trái chiều đầu tư và tiết kiệm, Gen Z cũng có những biện pháp khác để đối mặt với bão giá và lạm phát. Chẳng hạn như Hải Long (23 tuổi, TP.HCM), thay vì chỉ đầu tư hay tiết kiệm, cậu bạn chọn cách thực hiện song song cả 2 biện pháp. Ngoài ra, để có cơ hội kiếm thêm tiền, Hải Long cũng hướng đến chuyện kinh doanh thêm.

"Tiết kiệm ở thời điểm hiện tại vẫn là một kênh an toàn nếu bạn gửi ngân hàng, có lãi rõ ràng. Số tiền ấy không nhiều nhưng vẫn khiến tiền của bạn sinh sôi, không đứng yên vô nghĩa mà còn đảm bảo được an toàn cho tài chính nữa.

Còn nếu muốn rót vốn đầu tư thì lời khuyên là mỗi ngành hay kênh đầu tư đều sẽ có chu kỳ lên xuống, cho dù bạn làm gì đi nữa cũng phải nắm bắt được chu kỳ này và vận dụng kiến thức lẫn kinh nghiệm sao cho tốt mới sinh được lời.

Phần mình thì nếu chia thu nhập thành 10 phần, mình chỉ tiêu 2 phần, tiết kiệm 4 phần - đầu tư 4 phần. An toàn và rủi ro nếu biết nắm bắt thì đều có thể đem lại lợi nhuận cả".

Gen Z đối mặt với lạm phát, bão giá: Người rút trọn vốn về cho an toàn, người nhất quyết không để tiền đứng yên - Ảnh 4.

Theo Hải Long, cân bằng được tiết kiệm và đầu tư mới là giải pháp

Thông qua 3 quan điểm của Minh Anh, Thu Thảo, Hải Long - bức tranh tài chính và quyết định kiểm soát dòng tiền của Gen Z ở thời điểm này phần nào đã được hé lộ. Sinh ra và lớn lên giữa 2 cuộc khủng hoảng tài chính, có thể thấy góc nhìn và quan điểm của Gen Z cũng độc lập, thú vị hơn hẳn. Giữa lúc bão giá và lạm phát dù chọn tiết kiệm hay đầu tư, họ vẫn luôn có kế hoạch tài chính rõ ràng và hiểu kỹ về phương pháp sử dụng tiền của mình mới thực hiện.

Dù là tiết kiệm hay đầu tư thì đều có ưu điểm và nhược điểm trong giai đoạn này. Tùy theo khả năng và hiểu biết của mình, Gen Z có thể chọn phương án an toàn và phù hợp nhất cho tài chính của bản thân. Nhưng hãy nhớ cân nhắc kỹ, đừng để tiền mình rơi mất, ôm thiệt vào thân nhé!

Ảnh: Tổng hợp

https://kenh14.vn/gen-z-doi-mat-voi-lam-phat-bao-gia-dau-tu-hay-de-tien-tiet-kiem-20220621155252572.chn