"Dù gia đình có khả năng tài chính tốt, bố mẹ luôn cố gắng cho mình cuộc sống đủ đầy, nhưng bản thân luôn có nỗi sợ nghèo đói", đây là chia sẻ của một cô bạn Gen Z về những áp lực tài chính trong thời gian bất ổn và bão giá gần đây.
Những người trẻ có một đặc ân to lớn so với thế hệ trước chính là sinh ra trong thời đại hòa bình, và nền kinh tế dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, dù là ở thời điểm nào, thế hệ gì, ai cũng có những áp lực riêng. Nghe có vẻ kỳ lạ khi sinh ra với đặc ân là thế giới ngày càng phát triển, song nhiều người trẻ đang sống với nỗi lo tài chính mỗi ngày.
Trong khảo sát Gen Z và Millennials năm 2022 của Deloitte đã cho thấy rằng, trong thời điểm lạm phát tăng mạnh như hiện nay đang làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người, những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị lo lắng về tài chính. Chi phí sinh hoạt (nghĩa là tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, đi lại, ăn uống) là mối lo hàng đầu được Gen Z. Chỉ 1/4 số người thuộc Gen Z báo cáo rằng họ có thể thoải mái trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng và 46% nói rằng họ sống bằng tiền lương.
Bên cạnh đó, người trẻ không thấy nhiều hy vọng về việc mọi thứ sẽ tốt hơn. Hơn ¼ Gen Z không cảm thấy tự tin rằng họ sẽ có thể nghỉ hưu. 72% lại nhận thấy khoảng cách ngày càng tăng giữa những người giàu nhất và nghèo nhất ở đất nước của họ. Chỉ 28% Gen Z cho rằng nền kinh tế của đất nước họ sẽ cải thiện trong 12 tháng tới.
Mặt khác, hiện nay, không khó để đọc được các thông tin, chẳng hạn những bạn trẻ chưa ra trường đã lương tháng nghìn đô, thậm chí đến cả trăm triệu. Tuy nhiên không phải ai cũng có 1 cuộc sống như vậy, cho dù đã cải thiện so với thế hệ trước, song thu nhập trung bình của Gen Z vẫn là một mức chỉ đủ trang trải chi phí sống hiện tại. Chưa kể đến, với những người mới đi làm, "bão giá" ập đến cùng với những kỳ vọng từ xã hội khiến cho người trẻ trở thành thế hệ dễ bị "tổn thương" nhất trong khoảng thời gian này.
"Mỗi tháng, thu nhập rơi vào khoảng 13-15 triệu đồng, ở 1 thành phố lớn như Hà Nội, đó là 1 con số dù không nhiều nhưng chắc chắn cũng không thiếu với một người có nhu cầu bình thường, thậm chí khá dễ tính như mình, nó có thể là dư thừa. Tuy nhiên, không hiểu sao mình luôn cảm thấy không đủ, luôn có 1 nỗi lo sợ thường trực về chuyện tiền bạc.", tâm sự của 1 bạn trẻ 23 tuổi, vừa mới ra trường 1 năm đang ngày đêm làm việc.
Người trẻ sinh ra và lớn lên với những đặc ân nhiều hơn so với trước, tuy nhiên, họ cũng chính là những người chứng kiến và trải qua nhiều sự đổi trong khoảng thời gian này. Từ sự phát triển của MXH đặc biệt vào năm 2006 đánh dấu bởi sự ra đời của Facebook, cho đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và đến khi trưởng thành bắt đầu tự lập là Covid và cuộc khủng hoảng "bão giá" đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và tác động mạnh mẽ của MXH, tiêu chuẩn cho 1 cuộc sống đủ đầy cũng dần thay đổi. Không chỉ còn lo "cơm ăn áo mặc", người trẻ còn phải quan tâm làm sao để có một cuộc sống "đẹp" phù hợp với quan điểm của những người khác. Mặt khác, dù thu nhập tăng hơn trước cùng những cơ hội phát triển bản thân, câu chuyện mua sắm tài sản lớn lại trở nên vô cùng khó khăn tại thời điểm này đối với người trẻ.
Israa Nasir, một nhà tư vấn sức khỏe tâm thần ở thành phố New York, chia sẻ với Teen Vogue: "Sự bất ổn về tài chính có thể là nguồn căng thẳng lớn đối với bất kỳ ai, nhưng đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Chỉ khoảng 10 năm trước, những người trẻ tuổi có thể mua nhà và sống thoải mái từ hai đến ba năm sau đại học, điều đó khó có thể xảy ra với điều kiện kinh tế và thị trường tài chính hiện tại. Sự không chắc chắn do đại dịch, nợ sinh viên và giá nhà ở tăng cao có thể tạo thêm một lớp căng thẳng cho giai đoạn vốn đã nhiều áp lực trong cuộc sống".
Hơn thế nữa, rất khó để có thể chia sẻ và giải thích cho những người ở thế hệ trước tại sao hiện tại dù mức thu nhập 20 triệu/ tháng với một người ở tuổi 25, nhưng chuyện mua nhà mua xe vẫn chẳng khác gì "nằm mơ giữa ban ngày". "Trước hết, theo mình, việc so sánh với thời đại trước là hoàn toàn sai lầm vì một lý do căn bản: giá nhà đất vào hàng chục năm trước khác xa với bây giờ. Với mức giá nhà hiện tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì người làm công ăn thuê với mức lương trung bình khá trở xuống rất khó mua nổi nhà".
Áp lực từ mặt tài chính, tiêu chuẩn của một cuộc sống đẹp, cùng với những bất ổn trong nền kinh tế hiện tại, như chuyện bão giá đẩy người trẻ vào một trạng thái căng thẳng. Không chỉ với những người có thu nhập không ổn định mà với cả các bạn trẻ mức lương chục triệu/ tháng cũng đang có áp lực khó có thể giãi bày. Đến mức nhiều người thường xuyên trong trạng thái phải kiếm tiền nhưng lại không biết bao nhiêu mới đủ. Cùng với đó là tình trạng chi phí tăng cao như "đi thang máy" còn mức lương vẫn giậm chân tại chỗ hay thậm chí bị giảm sút trong thời điểm bão giá này.
Đôi khi, nhiều người ở thế hệ khác cảm tưởng rằng Gen Z tiếp cận với cuộc sống như thể họ đang sống ở 1 hành tinh khác, hoàn toàn xa lạ với phần còn lại của lực lượng lao động. Và mặc dù có một số khác biệt giữa các thế hệ, nhưng có 1 điểm tương đồng giữa các thế hệ đó là thế giới đắt đỏ ngoài kia.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đang ở trong cùng một cơn bão. Gen Z không khác bất kỳ thế hệ nào khác trong cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa lý tưởng và việc thanh toán các hóa đơn, thậm chí họ còn giãy giụa với điều này nhiều hơn. Bởi vì thế giới của Gen Z được định hình bởi những tiêu chuẩn và áp lực vô hình khác nhau. Họ đang cố gắng tìm thấy con đường phù hợp với bản thân khi còn trẻ.
Mặt khác, trước những tác động xã hội và môi trường, cùng với 1 nền văn hóa đa dạng và hòa nhập, không phải lúc nào việc kiếm tiền, tăng cao thu nhập cũng nằm trong danh sách ưu tiên. Về mặt thực tế, bạn cần làm một công việc được trả lương cao nhất để có thể mua nhà mua xe. Trong khi đó lý tưởng là bạn đảm nhận vai trò giúp thay đổi thế giới. Tuy nhiên, những sự bất ổn, đặc biệt bão giá đã làm nhiều người trẻ lung lay trên con đường tập trở thành người lớn, và áp lực tài chính làm Gen Z đang phá vỡ đi "cuộc sống lý tưởng" của 1 người trẻ.