Nhiều người nỗ lực "vượt sướng"' cố gắng kiếm tiền nhưng không được công nhận: "Chẳng lẽ như vậy là chưa đủ sao?"

Rika, Theo Trí Thức Trẻ 16:50 08/05/2022

Áp lực tài chính hiện hữu ở tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh gia đình của họ như thế nào.

Sinh ra trong một gia đình không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc có thể là một may mắn. Song, chẳng lẽ, những bạn trẻ đó không hề cố gắng, cứ như vậy có thu nhập cao, thành tích tốt?

Nhiều người nỗ lực “vượt sướng”, cố gắng kiếm tiền nhưng không được công nhận: “Chẳng lẽ như vậy là chưa đủ sao?” - Ảnh 1.

Từ khi còn bé mình đã được dạy về ý nghĩa của đồng tiền

Sinh ra và lớn lên trong gia đình được coi là có nền tảng tài chính khá ổn định. Có những lúc bố mẹ cũng phải vay tiền để mua nhà, mua xe nhưng luôn có khả năng để trả nợ. Chưa bao giờ phải lo lắng về chuyện tiền bạc, không giàu có đến mức để có thể thuê thầy học nghệ thuật tại nhà, nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì. Đó là cuộc sống của mình.

Song, ngay từ khi còn bé, gia đình đã luôn nói với mình rằng, có làm mới có ăn. Không chỉ những người bạn lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn mới hiểu ý nghĩa của đồng tiền. Mình cũng hiểu rằng, bố mẹ phải nỗ lực và cố gắng chừng nào mới có thể có một cuộc sống ổn định như hiện tại.

Ông liên tục dặn mình tắt đèn khi ra khỏi phòng để tiết kiệm điện. Những câu chuyện thời xưa của ông bà và bố mẹ là điều đưa mình vào giấc ngủ. Chuyện kể rằng, thời trước khó khăn bao nhiêu, học hành vất vả ra sao, kiếm tiền chẳng dễ dàng.

Quả thực, mình chưa bao giờ phải trải qua những điều đó, nhưng nó không có nghĩa rằng mình mù mờ về khái niệm cố gắng kiếm tiền. Mình biết học tập là con đường ngắn nhất để có cuộc sống như ý. Kiếm tiền và cải thiện tài chính là một nỗ lực không ngừng nghỉ.

Nhiều người nỗ lực “vượt sướng”, cố gắng kiếm tiền nhưng không được công nhận: “Chẳng lẽ như vậy là chưa đủ sao?” - Ảnh 2.

Lớn lên, đôi khi mình cảm thấy tội lỗi chỉ vì không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc

Hoàn cảnh lớn lên của mình chính là xung quanh ai cũng có điều kiện tài chính tương tự gia đình mình. Khi vào đại học, môi trường đa dạng hơn, mình mới chợt nhận ra không phải ai cũng sinh ra đã có một hoàn cảnh giống mình. Có những người lùi mãi vẫn không về vạch đích. Mặt khác, có nhiều người phải chạy đua mãi mới có thể đến với vạch xuất phát.

Mình bỗng cảm thấy có chút tội lỗi chỉ vì bản thân không trải qua và hiểu những chuyện đó. Đặc biệt khi truyền thông ngày càng nói nhiều về những hoàn cảnh các bạn trẻ vượt khó. Mình bắt đầu thấy lạc lõng. Cảm giác ấy trở nên mạnh mẽ hơn khi trên MXH đầy rẫy những thông tin về câu chuyện một bộ phận người trẻ có hoàn cảnh tốt trở nên “hư đốn”, không cố gắng. Và rất nhiều bình luận phủ nhận sự cố gắng của 1 người chỉ vì điều kiện tài chính gia đình.

Là một người trẻ luôn nỗ lực để học hành và có công việc tốt với mức thu nhập ổn định, sự nỗ lực của mình có thể không bằng những bạn trẻ vượt khó trên MXH, nhưng chưa từng ngừng cố gắng. Để đậu đại học, mình cũng giống như những người khác học ngày học đêm. Vì muốn tăng thu nhập, chấp nhận làm việc xuyên cả cuối tuần.

Nhiều người nỗ lực “vượt sướng”, cố gắng kiếm tiền nhưng không được công nhận: “Chẳng lẽ như vậy là chưa đủ sao?” - Ảnh 3.

Áp lực của 1 người có mức thu nhập thấp chính là đạt được ngưỡng trung bình. Gánh nặng của người có mức lương khá ổn chính là thu nhập cao hơn. Bài đầu tiên của kinh tế vi mô, mình học được rằng, mong muốn của con người chính là vô hạn. Áp lực bạn không thể thấy được không có nghĩa là một ai đó đang không phải chịu đựng điều đó.

Những điều mình có được ngày hôm nay, có công sức của gia đình, nhưng mình đã bao giờ chạy chậm lại đâu? Khi nhìn thấy mọi nỗ lực trở thành 1 con số 0 tròn trĩnh trong mắt mọi người chỉ vì có một gia đình có thể chu cấp thoải mái cho con cái, mình thấy lạc lõng. Liệu 1 người trẻ như mình có thật sự thuộc về xã hội này?

Mình vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực kiếm tiền vì ước mơ của bản thân

Dần dần mình nhận ra cuộc sống này chuyện gì cũng có 2 mặt. Không phải ai cũng hiểu cuộc sống của người khác, giống như mình không tài nào biết thật sự cuộc sống của 1 người sinh ra với hoàn cảnh tài chính gia đình không tốt là như thế nào. Và lớn lên được bố mẹ chở che không phải là một điều gì đáng xấu hổ. Nỗ lực trong câu chuyện tiền bạc của những bạn trẻ “vượt sướng” cũng đáng được trân trọng.

Áp lực của mỗi người sẽ khác nhau. Cũng như mục tiêu tài chính của từng cá nhân sẽ dẫn đến các con đường riêng biệt. Mình không còn cần sự công nhận từ xã hội cũng như chứng minh bản thân.

Nhiều người nỗ lực “vượt sướng”, cố gắng kiếm tiền nhưng không được công nhận: “Chẳng lẽ như vậy là chưa đủ sao?” - Ảnh 4.

Mình cũng giống như những người khác từng giãy dụa trước chuyện kiếm tiền. Cố gắng để có cuộc sống tốt hơn, cũng mệt nhoài trước những áp lực với chuẩn mực xã hội mua nhà mua xe. Nghĩ xem chi tiêu cho bản thân liệu có xứng đáng. Cảm thấy tội lỗi khi dành một phần tiền để thực hiện ước mơ mà không tích lũy cho tương lai

Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, đến cuối cùng chúng ta đều đang cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hy vọng những người trẻ có thể nhẹ nhàng với nhau hơn, bớt đi những định kiến, sống tử tế và không ngừng nỗ lực.

Ảnh: Tổng hợp

https://kenh14.vn/nhieu-nguoi-no-luc-vuot-suong-co-gang-kiem-tien-nhung-khong-duoc-cong-nhan-chang-le-nhu-vay-la-chua-du-sao-20220505165629164.chn