Gen Z có gia đình làm kinh doanh được dạy chắc chắn 1 điều: “Muốn làm giàu thì phải yêu tiền”

Vân Anh - Design: Minh Trang, Theo Phụ nữ số 00:01 22/02/2024
Chia sẻ

Con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh. Vậy những nhà truyền thống buôn bán sẽ có thế hệ sau mang tính cách gì?

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bán hàng, hai cô gái dưới đây đều học được những kinh nghiệm kiếm tiền quý giá từ bố mẹ mình. Liệu họ đang áp dụng những lời dạy của phụ huynh như thế nào trên hành trình làm giàu?

Hãy cùng gặp hai bạn trẻ dưới đây để lắng nghe câu chuyện của họ

- Thu Huyền (24 tuổi): Nhân viên văn phòng ngành Tài chính đang sống tại TP. Hà Nội.

- Mai Vân (23 tuổi): Nhân viên văn phòng ngành Truyền thông đang sống tại TP.HCM.

Con nhà buôn có nối nghiệp buôn bán?

Nhìn thấy bố mẹ làm giàu từ nghề buôn bán, hay gọi vui là “con buôn" nên từ khi còn nhỏ cả Thu Huyền và Mai Vân đều xác định sau này sẽ tiếp tục nối nghiệp gia đình. Điều này phần nào thể hiện trong cách hai cô gái chọn chuyên ngành Đại học. Một người chọn học Ngân hàng, còn một người theo đuổi ngành Kế toán.

Nếu như bố mẹ Thu Huyền có 3 cửa hàng tạp hoá tại quê nhà Hải Phòng thì gia đình Mai Vân sở hữu 1 cửa hàng kinh doanh thời trang tại ngoại thành Hà Nội. Một điểm chung nữa của hai cô bạn là từ thời sinh viên, họ cho rằng nếu cứ làm nhân viên văn phòng mãi thì sẽ khó giàu được.

Cũng vì thế, họ xác định quãng thời gian làm nhân viên văn phòng chỉ để lấy kiến thức, kỹ năng cuộc sống và sau này phục vụ công việc kinh doanh. Nói về ước mơ tương lai, nếu như Thu Huyền muốn tiếp quản chuỗi cửa hàng tạp hoá của bố mẹ, thì Mai Vân cũng muốn lập một công ty nhỏ hoặc quay về làm công việc kinh doanh của gia đình.

Gen Z có gia đình làm kinh doanh được dạy chắc chắn 1 điều: “Muốn làm giàu thì phải yêu tiền” - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Vậy họ đang ở đâu trong hành trình làm giàu?

Với Thu Huyền, tháng 3/2023, cô chính thức rời công việc văn phòng trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội, để chuyển về quê nhà Hải Phòng trở thành "con buôn", tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người bạn cho rằng Thu Huyền trở thành “bà chủ” sẽ nhàn lắm. Nhưng thực tế, khối lượng công việc và áp lực của Thu Huyền lớn hơn gấp bội so với thời điểm làm văn phòng.

Thu Huyền nói: "Đầu tiên về khối lượng công việc. Trước kia làm dân văn phòng mình không áp lực gì, 5h chiều tan làm là dẹp hết công việc sang một bên. Tuy nhiên, giờ mình chuyển sang kinh doanh, làm từ 8h sáng đến 10h tối mới xong hết việc. Công việc và cuộc sống ‘hoà nhập' vào làm một, không còn ranh giới”.

Công việc buôn bán ổn định, do đó Thu Huyền kiếm được 20 - 25 triệu đồng/tháng từ lợi nhuận kinh doanh. Tiền lương tăng, được làm công việc đam mê từ lâu. Nhưng Thu Huyền vẫn thấy… chán và muốn quay lại công việc văn phòng như trước vào đầu năm 2024 - một điều mà trước khi nghỉ việc, cô chưa bao giờ tính tới.

Thu Huyền giải thích, đó là bởi những ngày làm việc ở quê khiến cô thấy mình bị “chậm” đi về kỹ năng giao tiếp. Đồng thời nhịp sống đều đặn và buồn tẻ ở quê khiến Thu Huyền muốn quay lại làm một nhân viên văn phòng ngành Tài chính như bình thường.

Gen Z có gia đình làm kinh doanh được dạy chắc chắn 1 điều: “Muốn làm giàu thì phải yêu tiền” - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cũng vì thế, dưới lời khuyên của bố mẹ, cô nàng đã tạm dừng công việc kinh doanh, quay về lại Hà Nội. Thông qua môi trường công sở, Thu Huyền muốn học kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kiến thức về dòng tiền và gia tăng kỹ năng mềm. Song song với công việc văn phòng, cô muốn tìm hiểu thêm về livestream - một lĩnh vực mà cô tin sẽ có lợi cho cửa hàng kinh doanh của mình trong tương lai.

Còn về phía Mai Vân, cô nàng mới trường và đang đi những bước đầu tiên học hỏi trong môi trường công sở. Giữa năm ngoái, Mai Vân đã “Nam tiến” vào TP. HCM sinh sống - một quyết định mà trước đó bố mẹ cô khuyên nhủ con cái từ bỏ nhiều lần.

Mai Vân cho hay: “Bố mẹ mình từng nói, ở ngoài miền Bắc thì có thiếu gì công ty và cơ hội cho con lập nghiệp. Nhưng mình tin càng đi xa, bản thân càng có nhiều cơ hội trải nghiệm và học hỏi cái mới - những thứ mà càng ở gần bố mẹ, mình càng ít có cơ hội gia tăng”.

Nhìn thấy con gái đi làm xa nhà, do đó bố mẹ Mai Vân không ít lần khuyên con trở về quê hương, tiếp quản công việc gia đình. Tuy nhiên, Mai Vân không cho rằng đó là điều nên làm.

“Mình vừa mới ra trường, lương tháng không cao. Mẹ mình nhiều lần gọi điện nói rằng, lương tháng của mình chỉ ngang với nhân viên tại cửa hàng gia đình. Tại sao phải đi làm ăn xa nhà đến vậy? Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mình nghĩ nếu đi về quê là vùng ngoại thành Hà Nội, những kiến thức mình có thể tiếp cận được về bán hàng, kinh doanh và quản lý nhân sự sẽ vô cùng nhỏ hẹp”.

Gen Z có gia đình làm kinh doanh được dạy chắc chắn 1 điều: “Muốn làm giàu thì phải yêu tiền” - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Mình tự hào vì có bố mẹ làm buôn bán

Đó đều là quan điểm của Mai Vân và Thu Huyền khi nói về công việc kinh doanh của bố mẹ mình. Bởi thông qua việc quan sát bố mẹ bán hàng từ khi còn nhỏ, cộng với lời dạy của cha mẹ, cả hai đã có những bài học đáng trân trọng về tiền bạc và quá trình làm giàu.

Họ đã học được những gì từ bố mẹ?

Đầu tiên là bài học muốn kinh doanh nhanh giàu thì cần có sự nhanh nhạy với thị trường, để bán đúng sản phẩm cần có tới khách hàng.

Thu Huyền kể lại, bố mẹ cô chọn khởi nghiệp với những đại lý kinh doanh nhỏ lẻ bởi nhận thấy chỉ trong vài năm tới, nhu cầu của những gia đình xung quanh để mua hàng hoá đa dạng từ bánh kẹo, đồ tiêu dùng hàng ngày, bút viết… sẽ ngày càng gia tăng. Và họ cần mua hàng tại đại lý có quy mô lớn, cũng như đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tương tự, bố mẹ Mai Vân chọn bỏ vốn mở cửa hàng thời trang lớn vì nhận thấy nhu cầu mua quần áo và phụ kiện được thiết kế chỉn chu, điều mà những tiệm quần áo ngoài chợ nhỏ lẻ xung quanh khác chưa đáp ứng được.

Riêng Thu Huyền, cô nàng ngưỡng mộ mẹ mình - một người phụ nữ tự quản lý 3 cửa hàng tạp hoá quy mô lớn. Từ nhỏ, cô đã học được mẹ mình rằng muốn làm giàu thì cần… “yêu tiền”

“Yêu tiền ở đây là bạn muốn giữ tiền thật chặt, muốn tìm hiểu các hình thức kiếm ra tiền càng nhiều càng tốt và không ngại nói về tiền. Mẹ mình làm kinh doanh và mẹ luôn hào hứng mỗi khi có cuộc nói chuyện về bán hàng, các mô hình làm ăn có thể ra tiền”, Thu Huyền cho biết.

Gen Z có gia đình làm kinh doanh được dạy chắc chắn 1 điều: “Muốn làm giàu thì phải yêu tiền” - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Ngày này, có những người trẻ xác định làm giàu chỉ bằng một con đường truyền thống, đó là kiếm công việc lương tốt, sau đó nỗ lực để đạt tới thăng tiến. Ngoài công việc văn phòng, nhiều người nghĩ rằng cả đời họ sẽ không bao giờ buôn bán thứ gì.

Tuy nhiên, Thu Huyền không cho rằng quan niệm “kinh doanh đầy rủi ro” là một điều đúng. Cô nói: “Mình học được từ mẹ, bán hàng luôn tồn tại lỗ và lời. Do đó, buôn bán một thứ gì đó có thể không chỉ toàn rủi ro, nếu bạn biết nắm bắt cơ hội và dám bước ra ngoài vùng an toàn”.

Thêm nữa, nhìn từ mẹ - một người U60 nhưng vẫn hàng ngày chăm chỉ làm việc và update các hình thức kiếm tiền mới đã truyền cho Thu Huyền nhiều nguồn cảm hứng. “Với cửa hàng tạp hoá gia đình, mẹ mình chính là người gợi ý làm livestream bán hàng, chứ không phải người trẻ tuổi như mình đâu. Phận làm con, mình tự ý thức không được lười biếng và phải update kiến thức, nhạy bén không kém mẹ", cô nàng nói.

Trong khi đó, Mai Vân học được từ bố mẹ là không bao giờ là muộn để làm giàu. “Thời mình học cấp 1, gia đình mình không được dư dả như bây giờ, thậm chí có phần khó khăn. Bởi lúc đó, bố mẹ chỉ làm công nhân viên chức với lương tháng bình thường.

Cũng vì tài chính nhà mình không dư dả nên bố mẹ mới quyết định mở cửa hàng quần áo. May mắn là công việc kinh doanh ổn định và phát triển đến bây giờ. Khi mở cửa hàng, bố mẹ mở đến đâu, học kiến thức quản lý đến đó. Nhờ đó, khi lớn lên, mình tin nếu bản thân chăm chỉ học hỏi và biết tiếp thu kiến thức thông minh, việc kinh doanh thành công không phải chuyện khó khăn", Mai Vân nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày