Gặp thầy hiệu trưởng gửi tâm thư cho học sinh thi trượt: "Điểm số một bài thi chẳng nói lên được tất cả"

Duy Won, Theo Helino 19:09 21/04/2018
Chia sẻ

Khi học trò của mình là người duy nhất không đậu môn nào trong một kỳ thi, thầy Linh đã đích thân viết tâm thư động viên để em ấy vững tin vượt qua khó khăn.

Khi học sinh có vấn đề gì xảy ra, người ta hay đổ lỗi trước tiên cho nhà trường, bởi ai cũng nghĩ đưa con vào trường học là mọi trách nhiệm dạy dỗ thuộc về các thầy cô giáo, thuộc về nhà trường.

Những ngày gần đây, bên cạnh những thông tin tiêu cực của ngành giáo dục, đã xuất hiện bức thư của một thầy hiệu trưởng gửi học sinh của mình vì cô là học sinh duy nhất không đậu môn nào trong kỳ thi Kiểm định chất lượng mũi nhọn năm học 2017-2018, khiến nhiều người ấm lòng và càng vững tin hơn vào những người thầy, người cô đang chèo đò dạy dỗ những thế hệ tương lai của đất nước.

Chủ nhân của bức thư ấy là thầy Nguyễn Vương Linh, hiệu trưởng trường THCS Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An gửi cô học trò Nguyễn Thị Thùy Dương - lớp 7D.

Gặp thầy hiệu trưởng gửi tâm thư cho học sinh thi trượt: Điểm số một bài thi chẳng nói lên được tất cả - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Vương Linh là hiệu trưởng trường THCS Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

Nội dung bức thư của thầy Linh như sau: "Thầy biết em rất buồn vì đã nỗ lực mà kết quả không như mong muốn. Nhưng không sao, đó là cảm xúc bình thường của mỗi con người. Từ đáy lòng mình, thầy rất khâm phục em, một cô bé đầy nghị lực đã vượt qua những hoàn cảnh khó khăn để vươn lên học giỏi.

Thầy mong em hiểu rằng: Em sinh ra để làm nhiều điều lớn lao hơn thế. Điểm số một bài thi chẳng nói lên được tất cả. Thầy vẫn thường nói với các bạn rằng "Đón nhận thành công thì dễ, vượt qua được những thất bại mới thực sự là thành công". Đó cũng chính là điều thầy cô mong muốn có được ở các em.

Cuộc đời còn dài ở phía trước, những năm tháng tuổi thơ rồi sẽ qua đi. Thầy mong em sống đúng với màu sắc của mình, những thứ điểm tô cho cuộc sống tươi đẹp."

Gặp thầy hiệu trưởng gửi tâm thư cho học sinh thi trượt: Điểm số một bài thi chẳng nói lên được tất cả - Ảnh 2.

Bức thư thầy Linh gửi học trò của mình. (Ảnh: NVCC)

Cùng trò chuyện nhanh với thầy Linh để xem động lực nào đã giúp thầy viết bức thư ấy, trở thành một người thầy đầy tâm lý với những đứa học trò của mình.

Chào thầy, tại sao thầy quyết định viết bức thư này cho em Thùy Dương?

Thùy Dương có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mất khi vừa lọt lòng, mẹ lấy chồng, ở với bà ngoại 80 tuổi nên không có người chia sẻ, tâm sự. Thùy Dương lại sống rất nội tâm.

Thầy từng làm điều này với các học sinh khác trước đây không?

Thường mình chỉ động viên những học sinh đặc biệt bằng cách tâm sự trực tiếp hay thông qua điện thoại, mạng xã hội. Đây là lần đầu viết thư và tặng quà cho em ấy. Vì Dương là học sinh nữ và là người duy nhất không đậu môn nào trong kỳ thi này nên nói chuyện trực tiếp sẽ khó khăn, em ấy sẽ ngại.

Thành tích của nhà trường tại cuộc thi này ra sao?

Năm nay, trường THCS Kim Liên có một sự bứt phá với 61/63 học sinh đạt giải (tỷ lệ 97%). Đây cũng là kết quả cao nhất của nhà trường trong 59 năm đi vào hoạt động.

Thầy thường làm gì để những học sinh thi trượt không có cảm giác nặng nề, bị thất bại, thua kém bạn bè?

Mình thường động viên  rằng, những em chưa đạt kết quả như mong muốn, chỉ tí xíu nữa thôi là các em đã cán đích. Thầy cô biết các em sẽ buồn nhưng không sao, các em đã rất nỗ lực. Đón nhận thành công thì dễ, vượt qua được những thất bại mới thực sự là thành công. Đó là điều thầy cô mong muốn ở các em.

Gặp thầy hiệu trưởng gửi tâm thư cho học sinh thi trượt: Điểm số một bài thi chẳng nói lên được tất cả - Ảnh 3.

Thầy Linh và các học trò của mình. (Ảnh: NVCC)

Thầy nghĩ gì về vấn đề nhiều học sinh hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực học hành?

Hiện nay Bộ GD&ĐT đã có giảm tải chương trình rất nhiều đặc biệt là giảm các kỳ thi. Tuy nhiên xã hội, gia đình vẫn đang nặng nề về thành tích nên gây áp lực lớn cho các em, làm ảnh hưởng tâm lí và sự phát triển bình thường của học sinh.

Nhiều nhà trường đang bắt học sinh thi quá nhiều kỳ thi để mang về thành tích cho trường, quan điểm của thầy về vấn đề này?

Xu thế chung của thầy cô giáo và nhà trường vẫn mong muốn học sinh đạt thành tích cao. Đó cũng là điều dễ hiểu. Song đối với chúng tôi thì không quá nặng nề mà tổ chức các hoạt động học tập và vui chơi, các hoạt động xã hội hài hòa để giảm áp lực cho học sinh. Vì vậy học sinh ở đây không hề áp lực mà thành tích học tập, thi cử vẫn cao.

Với thầy, thế nào là một người thầy tốt?

Là một người thầy giáo không đơn thuần chỉ dạy chữ, mang lại kiến thức cho học sinh mà còn phải là người đồng hành, luôn ở bên hỗ trợ các em, tạo môi trường để các em thực sự phát triển một cách toàn diện.

Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày