Đi gặp bạn bè tưởng là chuyện đơn giản, nhưng lại là lúc bộc lộ rõ nhất cách một người cư xử, nhìn người, và tự điều chỉnh cảm xúc. Có người khiến buổi gặp trở nên thoải mái, nhẹ nhàng. Có người lại vô tình tạo ra sự gượng gạo, nặng nề chỉ vì mang theo quá nhiều thứ… không cần thiết.
Một bạn trẻ từng tò mò hỏi ChatGPT rằng: "Có những lần đi chơi với bạn xong thấy mệt hơn cả ở nhà. Không biết do mình nhạy cảm hay là do EQ của người kia thấp?".
Chatbot AI này đã đưa ra một góc nhìn đáng suy ngẫm: "Đôi khi, không phải vì họ làm gì sai trái mà là vì họ mang theo những điều khiến người khác phải 'gồng mình' khi ở cạnh".
Dưới đây là 4 thứ người EQ cao không bao giờ mang theo khi gặp bạn bè, không phải vì không có, mà vì họ biết muốn kết nối thật lòng, cần chọn lọc điều gì nên hiện diện và điều gì nên để lại sau lưng.
1. Cảm xúc tiêu cực chưa được xử lý
Ai cũng có lúc bức bối, mệt mỏi. Nhưng người EQ cao sẽ không để những cảm xúc đó chiếm hết không gian của buổi gặp. Họ biết khi nào nên chia sẻ, khi nào nên giữ lại và luôn cân nhắc xem liệu điều mình đang mang theo có khiến người khác thấy nặng lòng không?
Ngược lại, người EQ thấp thường bắt đầu câu chuyện bằng một loạt than vãn, giận dữ, rồi mặc định rằng người kia phải "chịu đựng cảm xúc" giúp mình. Họ không nhận ra rằng: bạn bè không phải là nơi trút hết mọi gánh nặng, nhất là khi chưa xin phép.
2. Sự hơn thua trong cách kể chuyện
Kể chuyện để chia sẻ là điều tự nhiên. Nhưng kể chuyện để so sánh, để chứng minh mình hơn thì lại là dấu hiệu của EQ thấp. Có người nghe chuyện bạn kể xong sẽ đáp ngay: "Tao từng vậy rồi, mà còn kinh hơn…", "Bạn tao còn giỏi hơn cái đó nữa", "Ờ, tao làm kiểu khác, dễ hơn nhiều"...
Những câu trả lời ấy không phải góp ý, mà là chiếm sóng cảm xúc, làm người đối diện cảm thấy câu chuyện của mình chẳng có giá trị gì.
Người EQ cao thì biết lùi lại một chút, lắng nghe không chen ngang, và nếu góp ý, cũng bắt đầu bằng thái độ trân trọng. Vì họ hiểu rằng chia sẻ là để được thấu hiểu, chứ không phải thi xem ai "ổn" hơn.
Ảnh minh họa
3. Kỳ vọng người khác phải khiến mình vui
Một cuộc gặp vui vẻ không nên là trách nhiệm của bất kỳ ai. Nhưng người EQ thấp thường mang theo một niềm kỳ vọng: "Đi chơi là để vui, đừng làm tụt mood", "Tao đang buồn, tụi mày làm gì đó đi chớ".
Khi người khác không làm vừa ý, họ dễ khó chịu, vùng vằng hoặc tắt cảm xúc. Trong khi đó, người EQ cao bước vào cuộc gặp với tinh thần cùng tạo niềm vui, chứ không đòi hỏi niềm vui phải được phục vụ.
4. Thói quen chia đôi sự hiện diện
Điện thoại không có lỗi. Nhưng nếu cứ lén lút check noti, trả lời tin nhắn, hoặc thậm chí... "chia đôi tâm trí" giữa nhóm bạn và một group chat nào đó thì sự hiện diện sẽ trở nên hời hợt. Người EQ thấp thường không nhận ra rằng mình đang làm người bên cạnh thấy "bị coi nhẹ".
Người EQ cao thì khác. Họ sẵn sàng tạm gác điện thoại để hiện diện trọn vẹn, để cuộc tụ họp không bị dở chừng, lý do là bởi họ hiểu khi mình có mặt một cách có tâm, người khác mới cảm thấy được coi trọng.
Kết
Người EQ cao không phải là người hoàn hảo. Nhưng họ biết rằng đi gặp bạn không chỉ là "mang bản thân đến đó", mà là chọn lọc những gì nên mang và điều gì nên để lại sau cánh cửa.
Không mang theo cảm xúc chưa gỡ, không tranh phần hơn, không đòi hỏi niềm vui phải sẵn có, không chia đôi sự hiện diện, đó là những điều nhỏ nhưng làm nên chất lượng của một buổi gặp mặt. Vì cuối cùng, thái độ sống và khả năng điều chỉnh cảm xúc sẽ quyết định bạn là người ai cũng muốn gặp hay là người khiến bạn bè chỉ muốn mời lơi cho xong.