Cuối tuần, tại phố đi bộ quanh hồ Gươm, những gì bạn thấy chắc chắn sẽ là một không gian xanh, thoáng rộng và ít lẫn khói bụi. Đó là một nơi mang nhiều nét hoài niệm và có phần hơi tách bạch với sự ồn ã bên ngoài. Ở nơi đó, bạn có thể thấy những quầy bán tò he, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao hay đơn giản chỉ là một vài gánh hàng rong chất đầy bánh do, bánh nếp, tẻ... Một Hà Nội như đã xưa lắm rồi, hiện về rất rõ nét.
Trò chơi dân gian đến giữa lòng phố đi bộ ở Hà Nội. Thực hiện: Kiên Nguyễn
Giữa trung tâm phố đi bộ, gần ngay tượng đài Cảm tử, ngày cuối tuần nào cũng nô nức người tụ tập, chơi những trò chơi dân gian như ô ăn quan, kéo co hay nhảy dây. Những trò chơi vui nhộn của tuổi thơ mà đã rất lâu rồi, tôi không nhìn thấy chúng xuất hiện ở thành phố.
Các bạn trẻ hào hứng chơi trò ô ăn quan.
Cả gia đình vui vẻ cùng tham gia trò chơi kéo co.
Vào mỗi buổi chiều, nơi đây thường rất đông người tụ tập.
Những trò chơi này thường cần một không gian thoáng đãng, rộng rãi.
Trò chơi dân gian trở thành một phần "linh hồn" của phố đi bộ, giúp khách đến đây tham quan có thêm nơi thư giãn, hiểu hơn về văn hóa Việt Nam hoặc đơn giản là được vận động sau một ngày dài lười biếng.
Nhưng bạn đừng vội nghĩ rằng người dân ở đây tự đứng ra tổ chức những trò chơi này để vui vầy với nhau. Để có một sân chơi như thế, nó là sự cố gắng không mệt mỏi của 50 bạn trẻ thuộc CLB MyHanoi.
Thành lập CLB từ năm 2006, sau khoảng 8-9 năm nhen nhóm ý tưởng đem trò chơi dân gian trở lại, gắn liền với cuộc sống của người Hà Nội, đến nay, ước muốn của anh Ngô Quý Đức (SN 1985, chủ nhiệm CLB MyHanoi) mới bắt đầu thành hình.
Anh Ngô Quý Đức - Chủ nhiệm CLB MyHaNoi.
Anh Đức tâm sự, 9 năm trước, mục đích đầu tiên khi anh thành lập CLB là mong muốn được thỏa mãn niềm đam mê khám phá lịch sử, văn hóa Hà Nội và tìm kiếm những người bạn có chung sở thích. Sau nhiều chuyến đi thực tế về các làng nghề, trong đó có những làng trước đây chuyên làm đồ chơi truyền thống, nhận thấy chúng đang dần mai một, anh và những người bạn mong muốn làm một điều gì đó giúp những người thợ thủ công tài hoa cuối cùng còn gắn bó với nghề ở Hà Nội.
Thế là ở rất nhiều sự kiện do CLB tổ chức, anh Đức đều lồng ghép thêm trò chơi dân gian nhằm vừa tạo không gian sôi động, thu hút người tham gia, vừa góp phần quảng bá các sản phẩm đồ chơi truyền thống cũng như các trò chơi truyền thống.
"Hơn nữa ở Hà Nội đang rất thiếu sân chơi cho trẻ nhỏ. Những trò chơi dân gian vừa vui nhộn, bổ ích, không hại sức khỏe như trò chơi điện tử nhưng lại đang bị mai một. Vì thế, mình và những người bạn rất mong muốn có thể phục dựng lại nó".
Dịp trung thu, CLB còn tổ chức thêm hoạt động rước đèn ông sao.
Những chiếc đèn ông sao cao 1,2m.
Do các thành viên tự làm.
Hoạt động múa lân cũng khiến rất nhiều em nhỏ thích thú.
Trải qua rất nhiều cố gắng, tháng 4 vừa qua, CLB bắt đầu duy trì hoạt động đưa trò chơi dân gian đến các địa điểm công cộng vào các ngày thứ 7 và chủ nhật, từ 16h đến 18h tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ngay khi TP có ý định xây dựng phố đi bộ, anh Đức đã chủ động liên hệ với UBND Quận Hoàn Kiếm, xin phép tổ chức sân chơi trò chơi dân gian trong không gian phố đi bộ trước tượng đài Cảm Tử.
Thay vì chỉ tổ chức trò chơi dân gian trong các sự kiện nhỏ lẻ, mục tiêu của MyHanoi là duy trì hoạt động này một cách đều đặn. Cuối tuần nào, trừ những ngày mưa bão, họ đều tổ chức các trò chơi trong khung giờ từ 9h đến 11h30, từ 15h30 đến 18h và từ 19h đến 22h. Theo lời anh Đức, mỗi khung giờ tổ chức trò chơi đều có rất đông người tham gia nên hầu như, CLB đều phải dãn thời gian và tổ chức sân chơi lâu hơn dự kiến.
Vì có quá nhiều người tham gia nên các bạn trẻ thường phải kéo dài thời gian hoạt động.
Ô ăn quan là trò chơi được rất nhiều người yêu thích.
Nhờ có những trò chơi dân gian, nhiều người thích lui tới phố đi bộ hơn vì tìm thấy những mảnh ghép của ký ức tuổi thơ.
Hoạt động chơi trò chơi dân gian nhìn thì có vẻ rất đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào, nhất là đối với những người lớn tuổi, lâu không chơi hoặc khách du lịch chưa thử lần nào. Thế nhưng tại đây, có tới 50 bạn trẻ làm tình nguyện viên sẽ hướng dẫn tận tình mọi người cách chơi.
Tổ chức các trò chơi dân gian tuy không tốn kém nhưng vẫn cần nguồn kinh phí nhất định. Để làm được điều này, các thành viên trong CLB phải tự bỏ tiền túi quyên góp hoặc tổ chức bán các đồ thủ công mỹ nghệ để có thêm kinh phí. Ngoài hoạt động chính, vào các dịp đặc biệt như Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, các thành viên còn tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa như rước đèn ông sao cao 1,2m, đèn ống bơ...
Anh Đức tâm sự, dự định của anh trong thời gian tới là sẽ xây dựng CLB của mình thành một tổ chức phi chính phủ, hoạt động không lợi nhuận hướng tới lĩnh vực văn hóa lịch sử. Tới lúc đó, sân chơi với những trò chơi dân gian hấp dẫn sẽ không chỉ dừng lại ở khu vực phố đi bộ nữa mà có thể nhân rộng khắp Hà Nội, thậm chí là khắp cả nước.
"Trước mắt thì mình muốn nhân rộng ngay ở phố đi bộ với một số tụ điểm khác vì mọi người đều rất thích những trò chơi này trong khi nếu chỉ có một địa điểm thì không đáp ứng hết được".
Dù đã thuộc thế hệ 8X và đi làm từ khá lâu nhưng anh Đức vẫn rất nhiệt huyết với các hoạt động cộng đồng. Không chỉ có anh mà nhiều thành viên khác trong CLB cũng như vậy. Động lực thúc đẩy họ đơn giản chính là tình yêu với Hà Nội, với những nét đẹp đang dần trở thành dĩ vãng với nhiều người.
Phạm Hồng Yến (SN 1994, trưởng ban dự án CLB) tâm sự, hiện tại, các trò chơi do CLB tổ chức thuộc 2 nhóm trò tĩnh và động với các trò là: vẽ mặt nạ giấy bồi, mặt nạ mẹt, nặn tò he, làm cào cào lá, ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, cướp cờ, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây,... Thời gian tới, Yến cùng mọi người dự định sẽ tổ chức nhiều trò chơi hấp dẫn hơn.
Đối với anh Đức, Yến hay rất nhiều thành viên khác trong CLB, niềm vui của họ chính là thấy mọi người cùng được chơi các trò chơi dân gian thật vui vẻ, được sống lại với ký ức tuổi thơ của chính mình.
Những nụ cười vui vẻ của các bạn tình nguyện viên khi tổ chức trò chơi cho mọi người.
Các bạn trẻ còn bày bán thêm một số đồ thủ công mỹ nghệ để có thêm kinh phí duy trì hoạt động.
"Nhiều người cũng hỏi là vì sao mình vẫn còn tâm huyết với dự án cộng đồng như thế rồi đi làm như vậy sẽ được gì. Mình không nghĩ nhiều đến điều ấy vì thấy trong cuộc sống, có rất nhiều thứ còn quan trọng hơn lợi ích vật chất. Mình thấy vui vì những gì mình làm được mọi người ủng hộ, ít vấp phải khó khăn, vui vì nó thực sự mang lại giá trị tinh thần, khôi phục lại những giá trị văn hóa cũ. Đó là thứ mà mình và nhiều bạn trẻ khác đang nỗ lực tìm kiếm và hết sức trân trọng".