Gabbujubang - nơi phô bày cuộc khủng hoảng kinh tế 'đường phố' tại Hàn Quốc

Thu Hằng, Theo Báo Tin Tức 16:03 06/11/2019
Chia sẻ

Dòng hàng hóa vào và ra khỏi Gabbujubang kể câu chuyện về cuộc khủng hoảng kinh tế “cấp đường phố” của Hàn Quốc: một loạt quán ăn và nhà bán lẻ mở cửa rồi sập tiệm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Ở một đất nước bị bao vây bởi tăng trưởng kinh tế chậm chạp, vợ chồng Jung Yeon-hwa và Park Je-won đã phát hiện một thị trường đang bùng nổ, góp nhặt lại những giấc mơ tan vỡ của các doanh nhân Hàn Quốc.

Tại Ansan, đô thị dành cho tầng lớp lao động ở phía Nam Seoul, chị Jung Yeon-hwa và chồng Park Je-won mua thiết bị cũ từ những doanh nghiệp nhỏ phá sản - chủ yếu là nhà hàng, cửa hàng tiện lợi và nhà bán lẻ nhỏ - sau đó bán lại cho những người đang cần để mở hoạt động kinh doanh tương tự. Cửa hàng đồ cũ, tiếng Hàn gọi là Gabbujubang, của họ thuê khoảng 10 nhân viên.

Gabbujubang - nơi phô bày cuộc khủng hoảng kinh tế đường phố tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Cửa hàng đồ cũ của chị Jung Yeon-hwa trở nên bận rộn hơn khi nền kinh tế gặp khó khăn. Ảnh: Nikkei Asian Review

Dòng hàng hóa vào và ra khỏi Gabbujubang kể câu chuyện về cuộc khủng hoảng kinh tế “cấp đường phố”của Hàn Quốc: một loạt nhà hàng và cửa hàng bán lẻ mở cửa rồi nhanh chóng sập tiệm. Một chiếc tủ lạnh từ một nhà hàng thịt nướng phá sản có thể tìm được nơi làm việc mới ở một nơi nào đó trên "xứ sở Kim Chi" chỉ vài ngày sau.

Gabbujubang cũng là cánh cửa nhìn vào cuộc đấu tranh với cái nghèo, vì ngay cả những người may mắn nghỉ hưu ở tuổi 60, từ giã những công việc ổn định, lương cao, nhưng nhận chế độ “về một cục”, cũng buộc phải tìm kiếm nguồn thu nhập khác.

Theo tờ Nikkei Asian Review, nền kinh tế lấy xuất khẩu làm đầu tàu của Hàn Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay, đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ xung đột thương mại với Nhật Bản và cũng như thương chiến Mỹ - Trung. Trong một bài phát biểu tại quốc hội vào ngày 22/10 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng nền kinh tế đất nước đang ở trong tình trạng "nghiêm trọng".

Gabbujubang - nơi phô bày cuộc khủng hoảng kinh tế đường phố tại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Các chậu rửa inox cũ được tập kết trên sân của một cửa hàng đồ cũ Gabbujubang. Ảnh: Nikkei Asian Review

 Thời gian này đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ. Năm 2018, theo dữ liệu của chính phủ, 586.209 doanh nghiệp nhỏ ở Hàn Quốc đã phá sản. Thống kê của Cơ quan Thuế Quốc gia cho thấy năm ngoái, cứ 10 doanh nghiệp nhỏ thành lập, thì 8,9 doanh nghiệp đóng cửa, so với 7,7 doanh nghiệp vào năm 2016. Và theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, chỉ 40% các doanh nghiệp trụ được trong 3 năm và 27,5% trụ đến 5 năm.

"Khi 10 nơi đóng, 10 nơi mở. Mọi người đến đây để tìm câu trả lời và chúng tôi cung cấp cho họ dịch vụ. Mua các mặt hàng đã sử dụng ở đây rẻ hơn nhiều so với mua mới”, Jung Yeon-hwa cho biết.

Vợ chồng Park và Jung đã mở Gabbujubang được 18 năm. "Chúng tôi luôn bận rộn, nhưng hiện nay, vì nền kinh tế không tốt, chúng tôi bận hơn bao giờ hết", anh Jung cho biết.

Các mặt hàng bán chạy nhất là tủ lạnh, bếp và bồn rửa, cùng với các hàng hóa nặng khác, được xếp bên ngoài sân và tầng trệt. Trên tầng tiếp theo là nồi chiên, bàn khay tự chọn, nồi, chảo. Trên tầng cao nhất là những vật dụng nhỏ như: bó thìa, đũa, dĩa, ly, tranh treo tường...

"Chúng tôi hy vọng tất cả những người đến đây đều trở nên giàu có", chị Jung Yeon-hwa nói. "Nhưng ngày nay, điều đó không dễ dàng."

Gabbujubang - nơi phô bày cuộc khủng hoảng kinh tế đường phố tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Các món ăn trưng bày bằng nhựa cũng được mua bán lại ở Gabbujubang. Ảnh: Nikkei Asian Review

 

Khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào tháng 5/2017, ông đã cam kết cải thiện sân chơi cho các doanh nghiệp nhỏ và đẩy mạnh nền kinh tế thông qua các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng. Trọng tâm của những nỗ lực đó là chính sách tăng mạnh lương tối thiểu, mà chính phủ tin là sẽ khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.

Chính quyền của ông Moon cũng đặt ra giới hạn 52 giờ làm việc mỗi tuần và công bố kế hoạch phân bổ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhưng cho đến nay, các chính sách trên đã không đạt được nhiều thành công. Một báo cáo được Ngân hàng trung ương Hàn Quốc công bố vào tháng 7 kết luận rằng các động thái của chính phủ đã có tác động không mong muốn, các doanh nghiệp nhỏ khó khăn hơn khi chi phí nhân công tăng làm giảm lợi nhuận vốn đã mỏng của các chủ kinh doanh đường phố.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Moon bị bao vây bởi bê bối tham nhũng liên quan đến Bộ trưởng Tư pháp vừa mới từ chức, khiến uy tín của ông sụt giảm. Phe đối lập đã liên tục tuyên bố rằng chính phủ phải quyết liệt thay đổi cách tiếp cận nền kinh tế.

"Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in phải thừa nhận các vấn đề với tăng lương tối thiểu và chính sách tạo việc làm, và phải xây dựng các chính sách không dựa trên chủ nghĩa dân túy mà dựa trên các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế", nghị sĩ đảng đối lập Hàn Quốc Tự do Shim Jae-cheol tuyên bố hôm 17/10.

Gabbujubang - nơi phô bày cuộc khủng hoảng kinh tế đường phố tại Hàn Quốc - Ảnh 4.

Tỉ lệ doanh nghiệp đóng cửa / mỗi 100 doanh nghiệp được thành lập đã tăng trong năm 2018, theo thống kê của Cơ quan Thuế quốc gia Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các vấn đề của Hàn Quốc về bất bình đẳng thu nhập và mạng lưới bảo hiểm yếu kém cho người về hưu đã tồn tại từ trước lễ nhậm chức của Tổng thống Moon, và các nhà phân tích khác cho rằng chính sách của chính phủ không phải là nguyên nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

"Vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ là tình trạng cạnh tranh căng thẳng, khiến nhiều người mất việc làm trong các nhà máy sản xuất đã tự bỏ vốn kinh doanh nhỏ, và doanh số của họ lại đình trệ do thu nhập hộ gia đình không tăng", Giáo sư kink tế Choi Pae-kun tại Đại học Konkuk ở Seoul giải thích.

"Đối với các doanh nghiệp này, ngay cả những cú sốc nhỏ cũng có thể dẫn đến việc đóng cửa không thể tránh khỏi", Giáo sư Choi nói thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày