Đối với nhiều người, tình yêu cũng chẳng thắng nổi thực tế cuộc sống. Đôi khi họ sẽ phải chiều theo xã hội, gia đình mà từ bỏ người yêu nếu như cả hai có những rào cản không thể vượt qua được. Vậy nhưng đoạn cuối của câu chuyện tình ấy khiến nhiều người cảm kích.
Phải làm phù dâu ngay trong hôn lễ người yêu
Trương Mậu Uyên chính là cô ruột của nữ văn sĩ nổi tiếng Trương Ái Linh. Chuyện tình yêu của Trương Mậu Uyên khiến nhiều người phải thổn thức. Mậu Uyên là một người rất thông minh, đến mức cô cháu gái nổi tiếng Ái Linh phải bày tỏ rằng "có cảm giác áp lực" mỗi khi nói chuyện với bà.
Năm 25 tuổi, bà sang Anh du học trên một con tàu xuất bến ở Thượng Hải. Trên chuyến tàu đó, bà gặp người đàn ông lịch lãm Lý Khai Đệ. Thời gian này, họ Lý cũng sang Liverpool để học lên Thạc sĩ.
Khi ấy, Trương Mậu Uyên bị say sóng rất nặng. Khai Đệ như một quý ông xuất hiện, chạy tới chạy lui chăm sóc bà với nước nóng, khăn ấm và trà Long Tỉnh. Tối hôm đó, Mậu Uyên đứng ở mũi tàu để ngắm cảnh biển, có một người đàn ông đi đến từ đằng sau, khoác lên vai bà một chiếc áo, đó chính là Lý Khai Đệ.
Họ có cảm tình với nhau ngay từ ngày đầu tiên như vậy. Lý Khai Đệ đọc cho Trương Mậu Uyên nghe những bài thơ của Byron bằng tiếng Anh. Vốn là người am hiểu sâu về văn học, Mậu Uyên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chàng trai trẻ cả hai tình cờ gặp gỡ trên tàu này. Tình yêu nảy nở tự nhiên và đơn thuần như thế.
Tuy nhiên, không lâu sau khi cả hai xác nhận mối quan hệ, Lý Khai Đệ biết được ông nội của bạn gái là một tội nhân, cha của bạn gái cũng là vị quan hèn nhát, nghiện thuốc phiện trong thời đại nhà Thanh.
Rào cản còn đến từ việc họ Lý trước đó đã được hứa hôn với một sinh viên khác đang du học. Những khó khăn chồng chất xuất hiện.
Lý Khai Đệ từ áp lực gia đình, chẳng thể làm gì khác ngoài việc đành chia tay Trương Mậu Uyên, bước vào hôn nhân với cô gái được sắp đặt trước đó. Trước khi người yêu đi lấy vợ, Mậu Uyên gửi một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng: "Em sẽ chờ đợi anh. Nếu không thể đợi được trong kiếp này, em sẽ đợi kiếp sau".
Bà hiểu những khó khăn và rào cản mà người yêu phải chịu. Bà không muốn ông trở thành "vết nhơ" của gia tộc khi kiên quyết cãi lời tất cả để cưới một cô gái khác.
Trương Mậu Uyên nhận được thiệp mời đến tiệc cưới hoành tráng đó. Bà xuất hiện rất duyên dáng và thậm chí còn được mời làm phù dâu vì thông thạo tiếng Anh.
Sau khi chia tay, rất nhiều người đàn ông đã đến và tán tỉnh Trương Mậu Uyên. Tuy nhiên, trong mắt bà chẳng ai bằng được Lý Khai Đệ. Bà từ chối tất cả những người đàn ông theo đuổi và thậm chí cũng chẳng thèm đi đến một cuộc xem mắt hay đồng ý mối hôn sự nào do gia đình sắp xếp.
Cuộc hôn nhân sau 54 năm yêu trong kiên định đợi chờ
Sau khi Lý Khai Đệ kết hôn, cả hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, họ cố ý không sống gần nhau để tránh đi những hiểu lầm không cần thiết.
Bà cố tình giữ khoảng cách với ông cũng như không làm phiền gia đình hạnh phúc của ông. Hai người giống như những người bạn bình thường, thỉnh thoảng trao đổi lịch sự và thỉnh thoảng chào hỏi như bạn bè trong một bữa tiệc. Mọi chuyện được diễn ra tự nhiên nhất có thể.
Khai Đệ về Trung Quốc làm việc còn Mậu Uyên làm kế toán cho một ngân hàng thương mại của Anh sau đó chuyển sang phát thanh viên tại Đức.
Có những thời kỳ Trương Mậu Uyên nghèo đến mức phải bán hết đồ đạc, trang sức. Duy chỉ có một chiếc khăn choàng Lý Khai Đệ tặng là bà giữ bên mình. Nhiều lúc suy tư, bà lại mang nó ra ngắm nghía.
"Cô rất trân quý một chiếc khăn choàng màu hồng, người ngoài chẳng ai được đụng vào đâu, cô coi nó như một hạt ngọc quý giá vậy", Trương Ái Linh viết.
Năm 1939, Trương Ái Linh đi học ở Hong Kong. Thời điểm đó, Trương Mậu Uyên nhờ Khai Đệ cũng đang ở đó trở thành người giám hộ của cháu gái giúp.
Trong thời gian ấy, Lý Khai Đệ đã chăm sóc Trương Ái Linh đầy đủ như một người cha. Cũng vì lý do này, Trương Ái Linh luôn gọi họ Lý là chú.
Một thời gian sau, Trương Mậu Uyên quay về Trung Quốc. Bà làm việc dịch thuật tại nhà hát Daguangming. Đồng thời bà cũng là thư ký của giám đốc nhà hát.
Nhan sắc xinh đẹp, nước da trắng, khí chất cao quý của bà khiến nhiều người giàu có mê mệt. Tuy vậy, bà đều từ chối tất cả.
Sau này, gia đình của Lý Khai Đệ cũng về Thượng Hải sinh sống. Hai người lại gặp nhau, đi ăn, uống cà phê. Vợ của Lý Khai Đệ biết về mối quan hệ cũ của chồng mình. Tuy nhiên, bà tin tưởng vào nhân phẩm của Trương Mậu Uyên. Suốt 10 năm tiếp theo đó, Mậu Uyên và Khai Đệ giữ nguyên mối quan hệ bạn bè, không đi xa hơn.
Năm 1965, vợ của Lý Khai Đệ ốm nặng. Đó là thời kỳ họ Lý khó khăn chồng chất với đủ vấn đề ngoài xã hội. May mắn cho ông, Trương Mậu Uyên tình nguyện chăm sóc vợ giúp trong những ngày nằm viện.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, người vợ này cầm lấy tay Trương Mậu Uyên rồi nghẹn ngào: "Thật ra tôi biết hai người đã từng yêu nhau nhưng không thể là vợ chồng được vì tôi. Khi đó, anh ấy cũng bị lung lay bởi gia đình cùng những chuyện không hay về nhà cô.
Sau khi kết hôn, anh ấy hiểu rõ sự kiên cường và tính cách kiên định của cô nhưng lúc đó tôi lại mang thai mất rồi. Anh ấy có hối hận, tự trách nhưng mọi thứ đã muộn. Tôi hi vọng sau khi mình ra đi, cả hai sẽ thật sự được ở bên nhau".
Trương Mậu Uyên gật đầu đồng ý và những giọt nước mắt rơi như mưa.
Tuy nhiên, thời thế cuộc sống lúc đó chẳng hề dễ dàng gì. Biến cố xã hội năm 1966 nổ ra, Lý Khai Đệ gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Người thân và bạn bè đều tránh xa ông nhưng may mắn, Trương Mậu Uyên vẫn tiếp tục sát cánh như ngày nào.
Năm 1979, Lý Khai Đệ được minh oan. Lúc này, Trương Mậu Uyên đã 78 tuổi. Bà viết một bức thư gửi Lý Khai Đệ: "Không phải em không muốn chờ đợi mà em sợ thời gian sẽ chẳng cho em đợi nữa".
Sau khi nhận được thư, Lý Khai Đệ rơi nước mắt và gửi lại: "Mặc dù anh đã đi khắp nơi nhưng trái tim chưa bao giờ rời đi".
Sau đó, ông đã hỏi ý kiến con gái về chuyện kết hôn lần nữa và được đồng ý. Ông quyết định kết hôn cùng mối tình đầu . Trương Mậu Uyên chính thức lên xe hoa sau 54 năm chờ đợi đằng đẵng. Khi đó, bà 78, chồng 80 tuổi, dù đã già nhưng cuộc sống hôn nhân bắt đầu bước vào những tháng ngày đầu tiên.
Trong đám cưới , Trương Mậu Uyên run run cầm chiếc khăn hồng năm xưa Lý Khai Đệ tặng ra để quàng lên. Sau khi kết hôn, họ cùng nhau sống trong một căn hộ tại Thượng Hải.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân muộn đó chẳng tồn tại được bao lâu. Năm 1989, Trương Mậu Uyên phát hiện mắc bệnh ung thư đã di căn đến phổi. Lý Khai Đệ đau đớn nhưng giấu toàn bộ sự thật. Ông đưa vợ đi du lịch vòng quanh Quảng Châu để giúp bà có những ngày còn lại thật hạnh phúc.
Về Thượng Hải, ông nghe tin có một con rắn độc có thể chữa được bệnh đó. Ông ngay lập tức mua nó với giá cao. Chẳng biết có phải niềm tin mù quáng hay điều kỳ diệu gì mà giúp cho Trương Mậu Uyên sống thêm được 2 năm 4 tháng nữa.
Năm 1991, Trương Mậu Uyên trút hơi thở cuối cùng. Khi đó bà 91 tuổi.
Trương Mậu Uyên chờ đợi cả đời người cuối cùng cũng đến được với người yêu. Bà đã kiên trì với tình yêu từ năm 1925 cho đến khi được ở bên nhau năm 1979. Suốt 54 năm dài đằng đẵng đó, Mậu Uyên một lòng một dạ vì tình yêu và đúng như lời bà nói: "Sẽ mãi chờ đợi, không chờ được kiếp này thì hẹn kiếp sau".
Nguồn: Sina, Qihoo