Đừng đổ tại lương thấp, chẳng qua chỉ vì 5 lý do này nên bạn cứ mãi không thể nào tiết kiệm nổi mà thôi!

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 16:03 22/07/2024
Chia sẻ

Thu nhập tăng đều hàng năm nhưng tiền tiết kiệm vẫn dậm chân tại chỗ, tròn trĩnh bằng 0, nguyên nhân là do đâu?

“Thu nhập không đủ sống” có lẽ là một trong những lý do phổ biến nhất, mà phần lớn những người không có thói quen tiết kiệm, thường dùng để giải thích cho số dư tài khoản phòng thân tròn trĩnh bằng 0 của mình.

Việc này cũng không hẳn là sai hay có gì vô lý, vì rõ ràng, thu nhập không cao, trang trải chi phí sinh hoạt thôi cũng đã là một gánh nặng rồi. Nhưng thực tế, có không ít người dù lương cao hay thấp cũng chẳng tiết kiệm nổi. Vậy nguyên nhân là gì?

1 - Chi phí sống tăng theo thu nhập

Khi thu nhập bắt đầu tăng lên, việc đầu tiên mà bạn nghĩ tới có phải là giữ nguyên mức sống và dùng phần tiền dư ra để gửi tiết kiệm không? Với tôi, câu trả lời là không. Ngay vào lần đầu tiên được tăng lương, tôi đã quyết định chuyển chỗ ở mà không đắn đo suy nghĩ. Tôi tạm biệt bạn cùng phòng để hiện thực mong muốn được sống một mình, ở một căn phòng tiện nghi và riêng tư hơn.

Đừng đổ tại lương thấp, chẳng qua chỉ vì 5 lý do này nên bạn cứ mãi không thể nào tiết kiệm nổi mà thôi!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tôi nghĩ rằng vì mình đã cố gắng làm việc nên quyết định đó là hoàn toàn xứng đáng. Có lẽ, tôi không phải là người duy nhất có quan điểm như vậy. Chuyện này thực ra rất khó để phân định đúng sai, cũng chẳng ai có quyền phán xét chúng ta vì mong muốn được sống riêng tư. Chỉ là khi quyết định như vậy, chắc chắn bạn sẽ phải chấp nhận việc mình chẳng tiết kiệm được mấy dù thu nhập có tăng.

2 - Áp lực ngoại hình

Thu nhập cao hơn thường đi kèm với những kỳ vọng và áp lực xã hội cao hơn. Một số bạn bè của tôi đã thay đổi thói quen mua sắm, chi tiêu sau khi được thăng chức và tăng lương.

Họ thường phải đi gặp gỡ đối tác, tham gia các buổi hội thảo với vai trò diễn giả. Những hoạt động này đương nhiên là có ích cho công việc, sự nghiệp của họ nhưng nó cũng gây tốn kém vô cùng. Họ có áp lực phải đầu tư cho vẻ bề ngoài, từ quần áo, túi xách, đồng hồ cho tới cả việc làm tóc, trang điểm. Tất cả những điều đó tạo ra một áp lực vô hình, khiến kế hoạch tiết kiệm bị trì hoãn.

3 - Ham làm giàu nhanh

Phần lớn những người bạn của tôi, sau khi được thăng chức và tăng lương, việc đầu tiên họ nghĩ tới không phải là tiết kiệm, mà chính là làm sao để “tiền đẻ ra tiền”. Với lối tư duy ấy, cũng không có gì lạ khi họ dấn thân vào các thị trường đầu tư. Có người may mắn lãi đậm, nhưng đó chỉ là thiểu số.

Đừng đổ tại lương thấp, chẳng qua chỉ vì 5 lý do này nên bạn cứ mãi không thể nào tiết kiệm nổi mà thôi!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bản thân tôi cũng từng như vậy, nhưng là ở nhóm còn lại: Thua lỗ vì đầu tư. Số tiền tôi dự định tiết kiệm ban đầu không những “bay sạch” mà còn tụt hẳn về số âm, chỉ vì ham làm giàu nhanh.

4 - Trách nhiệm báo hiếu

Nếu bạn cố gắng làm việc chăm chỉ và không ngại học hỏi, thu nhập của bạn chắc chắn sẽ không thể mãi dậm chân tại chỗ. Nhưng khi đã thành công tăng thu nhập, bạn sẽ nhận ra trách nhiệm của mình với gia đình (bố mẹ, con cái) cũng sẽ tăng lên. Ngay cả khi bố mẹ không yêu cầu báo hiếu bằng việc chu cấp tiền hàng tháng, tôi vẫn trích tới 20% tiền lương để gửi bố mẹ và coi đó là một cách để họ yên tâm rằng tôi đang sống ổn.

Đương nhiên, tôi không cảm thấy tiếc khoản tiền này, nhưng thành thật mà nói, vì đã gửi tiền cho bố mẹ hàng tháng nên khoản tiền tôi tiết kiệm được cũng chẳng thấm vào đâu so với tỷ lệ tăng thu nhập, và tôi chấp nhận điều đó.

5 - Sức khỏe không ổn định

Bước qua tuổi 30, tôi mới thấm thía câu nói “tuổi trẻ bào sức kiếm tiền, về già dùng tiền đổi lấy sức khỏe”. 30 tuổi thì cũng chưa phải là già lắm nhưng chắc chắn chẳng còn trẻ nữa. Một người bạn của tôi đã thành công tăng gấp 3 thu nhập vì làm tới 3 công việc cùng lúc, gần như ngày nào cũng làm việc 14-15 tiếng. Trong cuộc gặp gần nhất, họ tâm sự rằng bản thân đang mắc bệnh trào ngược dạ dày và gặp vấn đề với cột sống phải tiếp nhận vật lý trị liệu.

Bảo hiểm chỉ chi trả khoảng 30% chi phí điều trị, 70% còn lại đương nhiên bạn tôi phải tự móc tiền túi ra trả.

Nhìn lại hành trình tiết kiệm trắc trở của bản thân, cũng như lắng nghe chia sẻ của mọi người xung quanh, tôi nhận ra tiết kiệm không đơn thuần là việc tăng thu nhập và giữ nguyên hoặc giảm mức chi tiêu. Vấn đề lối sống, tư duy báo hiếu cũng như các mục tiêu khác đều có tác động không nhỏ tới hành trình tiết kiệm. Nói cách khác, tiết kiệm hoàn toàn không phải mục tiêu có thể tách rời khỏi những khía cạnh khác trong cuộc sống. Phải chăng vì thế mà đây mới là việc không đơn giản?

Theo Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày