Mẹ tôi kể cách đây khoảng 20 năm, lương của cả bố lẫn mẹ gộp vào mới được 3,8 triệu đồng/tháng. Lúc đó, tôi mới được 3 tuổi, đương nhiên chẳng có bất kỳ ký ức nào về một thời khó khăn của gia đình.
Điều duy nhất mà tôi nhớ được về tuổi thơ của mình chính là nhà tôi đẹp nhất xóm. Hồi cấp 1, bạn bè rất thích đến nhà tôi chơi vì nhà tôi có 3 tầng, tôi có phòng riêng, chứ không phải nhà cấp 4 như nhà các bạn. Điều đó hằn sâu vào trí nhớ của tôi đến mức sau này, tôi cứ mặc định nhà mình cũng khá giả, có của ăn của để ra phết.
Mãi đến lúc đi học Đại học, trưởng thành và biết suy nghĩ chín chắn hơn một chút, tôi mới nhận ra sự tự tin “nhà mình khá giả” năm xưa hoàn toàn chẳng đúng chút nào. Để có tiền xây nhà cao cửa rộng, nuôi tôi khôn lớn trong sự đủ đầy, mẹ tôi đã sống cả một đời tằn tiện. Kể ra, thật lòng tôi vẫn thấy khó tin!
Tôi nghe bà ngoại kể rằng bố mẹ tôi kết hôn muộn, cũng mong con mấy năm trời nên tôi được cả nhà cưng như trứng mỏng. Bố mẹ thực sự chẳng tiếc tôi bất kỳ thứ gì. Hồi còn bé, cứ vào ngày khai giảng, mẹ đều mua cho tôi 1 đôi scandal và 1 chiếc cặp sách mới. VIệc này được duy trì cho tới tận năm tôi tốt nghiệp cấp 3.
Trong suốt khoảng thời gian ấy, bố mẹ chưa từng để tôi có cảm giác mặc cảm vì thua kém chúng bạn. Tôi muốn đồ mới, bố mẹ đều mua cho. Còn việc đi học thêm, bố mẹ lại càng không tiếc.
Gần đây tôi mới quan sát và nhận ra những cái Tết gần đây, mẹ đều mặc 1 bộ áo dài vào mùng 1, cùng đôi cao gót mua cũng cỡ 4 năm, còn chiếc túi xách chắc tuổi thọ cũng chừng đó. Tôi đánh tiếng hỏi mẹ, mẹ mới bảo: “Quần áo còn mặc được, đẹp đẽ sạch sẽ thế này, mua mới làm gì”.
Vậy đấy, mẹ chẳng bao giờ tiếc tôi bất cứ thứ gì nhưng lại tiếc một bộ áo dài, một đôi giày mới cho bản thân. Chiếc điện thoại mẹ dùng cũng đã bước sang tuổi 13 rồi, thậm chí còn chẳng phải một chiếc smartphone nữa cơ.
Tôi không có nhiều ký ức về việc đi ăn hàng, một phần vì sinh ra và lớn lên ở quê, việc ăn hàng vốn cũng không phổ biến; nhưng phần lớn là vì mẹ tôi dường như có kỹ năng nấu nướng của một master chef. Dù chẳng biết dùng smartphone, nhưng thi thoảng tôi lại thấy mẹ khoe mới học được một công thức làm sinh tố mới ở trên mạng, lâu lâu lại thấy mẹ nấu một món mới cho cả nhà.
Hồi đưa tôi từ quê ra Hà Nội nhập học Đại học, tôi và mẹ đi tìm nhà cả 1 ngày trời, mệt quá nên mới tạt vào quán sinh tố ven đường, gọi 2 ly sinh tố hết 80k. Mẹ uống một ngụm rồi bảo đây là lần đầu tiên mẹ uống cốc nước đắt như thế này rồi bảo “biết thế mẹ làm một chai từ nhà mang theo, uống đã hơn hẳn mà lại tiết kiệm”.
Năm ấy, mẹ tôi 45 tuổi. Đến tận tuổi ấy rồi mà ly nước 40k vẫn là món đồ uống đắt nhất mẹ từng mua.
“Mẹ làm gì cũng quy ra thành tiền học phí của con, tiền ăn của cả nhà mình, nên tự nhiên chẳng muốn mua gì linh tinh nữa” - Mẹ tôi kể. Hóa ra, đó là cách mẹ tiết kiệm mấy chục năm nay.
Gần đây, mẹ vẫn hay nhắc nhở tôi phải học cách tiết kiệm dần đi, chứ không sau này đến lúc lấy chồng, sinh con mới nghĩ tới chuyện tích lũy thì là muộn rồi đấy.
“Như mẹ đây này, chị học hết cấp 2 thì mẹ đã lo xong tiền học Đại học của chị rồi. Giờ thì lại đang chuẩn bị của hồi môn cho chị đi lấy chồng đây. Chứ sống hôm nay không nghĩ đến ngày mai thì làm sao mà ổn định được” - Mẹ tôi từng nói vậy đấy.
Nhưng “ngày mai” của mẹ chắc là cả chục năm chứ cũng chẳng đùa. Nghe những gì mẹ kể gần dây, rồi nghĩ lại tuổi thơ của mình, tôi nhận ra suy nghĩ “nhà mình khá giả” thực chất chính là nỗ lực tiết kiệm của bố mẹ để tôi có thể lớn lên mà không tự ti rằng nhà mình nghèo.
Càng nghĩ tôi càng thắc mắc và thấy nể phục bố mẹ mình, sống cả một đời cần kiệm để con cái được lớn lên với điều kiện tốt nhất. Động lực tiết kiệm của những người làm cha làm mẹ vừa đơn giản, vừa lớn lao…