*Dưới đây là quan điểm của Holly Johnson - Một người phụ nữ U50 về việc xây dựng và duy trì quỹ dự phòng. Trái với suy nghĩ và niềm tin của nhiều người, Holly Johnson cho rằng quỹ dự phòng là khoản tiền không thực sự cần thiết, không có cũng chẳng sao.
Thời còn trẻ, tôi cũng từng tin rằng việc xây dựng và duy trì quỹ dự phòng chính là đang chừa cho mình một đường lui. Mỗi khi tìm kiếm các phương pháp, kiến thức về quản lý tài chính, tôi luôn bắt gặp những lời khuyên na ná nhau về việc nên có 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí trong quỹ dự phòng.
Mục đích của khoản tiền này là để trang trải trong những hoàn cảnh bất ngờ, cấp bách như thanh toán viện phí, trả hóa đơn sửa xe,...
Công tâm mà nói, quỹ dự phòng không phải không tốt. Tuy nhiên, nó không tuyệt vời đến mức có thể mang lại cho bạn sự an tâm tuyệt đối trong chuyện tiền bạc. Cách đây vài năm, tôi đã tiêu sạch số tiền trong quỹ dự phòng của mình. Đến giờ này, tôi tự tin khẳng định cuộc sống của tôi vẫn ổn ngay cả khi quỹ dự phòng rỗng tuếch.
Lý do cũng đơn giản và dễ hiểu thôi.
Sau khi sở hữu chiếc thẻ tín dụng đầu tiên, tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về tính cấp thiết của việc xây dựng và duy trì quỹ dự phòng. Nếu quỹ dự phòng được sinh ra để phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp, vậy thì chẳng phải dùng thẻ tín dụng sẽ tiện và có lợi hơn nhiều hay sao?
Với tôi, câu trả lời là đúng! Tôi luôn ưu tiên thanh toán toàn bộ hóa đơn bằng thẻ tín dụng, dù nó có phải là một hóa đơn “khẩn cấp”, bất ngờ hay không. Việc này giúp tôi tận dụng tính năng hoàn tiền, lại còn săn được nhiều mã giảm giá cho những lần thanh toán sau.
Thách thức lớn nhất khi tôi lựa chọn dùng thẻ tín dụng thay vì xây dựng quỹ khẩn cấp chỉ là việc thanh toán đúng hạn toàn bộ dư nợ tín dụng. Thành thật mà nói, cũng không ít khi tôi rơi vào cảnh bí bách một chút, nhưng tôi chưa bao giờ chậm thanh toán dư nợ tín dụng, và luôn trả đủ toàn bộ dư nợ thay vì thanh toán số dư tối thiểu. Thế nên tôi vừa không mất 1 đồng tiền lãi nào cho ngân hàng, vừa có điểm tín dụng khá cao.
Nếu bạn có đủ kiên quyết để không rơi vào ảo tưởng dư giả khi dùng thẻ tín dụng và luôn đảm bảo việc thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn, tin tôi đi, thẻ tín dụng chính là một khoản dự phòng đấy!
Khoảng 10 năm trở lại đây, bên cạnh khoản đầu tư vào quỹ hưu trí, tôi và chồng cũng bắt đầu đầu tư thêm vào chứng khoán và chứng chỉ quỹ. Chúng tôi theo đuổi trường phái đầu tư dài hạn chứ không đầu cơ trong ngắn hạn, cộng thêm việc tự học và tìm hiểu kiến thức, có thể nói rằng vợ chồng tôi cũng có chút thành công khi bước vào thị trường này.
Các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mà chúng tôi chọn mua vẫn đang sinh lời đều đặn. Tỷ suất sinh lời có thể không cao nhưng chí ít, dòng tiền của chúng tôi cũng không đứng yên một chỗ.
Đây chính là lý do khiến tôi quyết định chấm dứt việc duy trì quỹ dự phòng. Thay vì để tiền nằm yên trong tài khoản, chúng tôi sẽ mang đi đầu tư. Tôi nghĩ rằng chuyện này không có gì khó hiểu. Nhìn tiền sinh lời, làm gì có ai không thích, đúng không?
“Nếu không may thất nghiệp, mất hoàn toàn nguồn thu nhập, thì lấy tiền đâu ra mà sống?” là một trong những suy nghĩ khiến nhiều người tin rằng việc xây dựng quỹ dự phòng là điều bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều hơn 1 nguồn thu nhập, việc duy trì quỹ dự phòng chẳng còn là lựa chọn bắt buộc nữa. Hàng tháng đều có ít nhất 5 nguồn tiền chảy vào tài khoản của vợ chồng tôi. Một trong số đó là tiền cho thuê nhà - nguồn thu nhập thụ động khá ổn định. Những nguồn thu khác đều đến từ nỗ lực làm nhiều hơn 1 công việc của vợ chồng tôi.
Khi có thể đa dạng hóa nguồn thu, áp lực hay nỗi lo về việc thu nhập bằng 0 cũng giảm đi đáng kể. Việc duy trì quỹ dự phòng không còn là chuyện cấp thiết vì lẽ đó.
Theo BI