Nhiều vật dụng tưởng như vô hại, thậm chí được dùng mỗi ngày, lại tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, ngộ độc nếu sử dụng sai cách hoặc quá lâu. Đừng để sự chủ quan làm ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình. Dưới đây là 4 món đồ nên kiểm tra lại ngay. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ, đừng tiếc mà hãy mạnh dạn bỏ đi.
1. Cục tẩy có mùi thơm, nhiều màu sắc
Những cục tẩy nhỏ xinh, đủ màu sắc, lại còn thơm tho, luôn khiến trẻ em mê mẩn. Nhưng đằng sau vẻ ngoài ngộ nghĩnh đó là cả một "ổ hóa chất". Nhiều loại tẩy giá rẻ trên thị trường chứa lượng lớn chất hóa dẻo nhóm phthalate - vốn bị cảnh báo có thể ảnh hưởng đến gan, thận, rối loạn nội tiết và làm dậy thì sớm. Đáng lo hơn, trẻ nhỏ thường có thói quen đưa đồ vật lên miệng hoặc cầm tẩy chơi lâu, khiến các chất độc dễ dàng thấm qua da hoặc đi vào cơ thể.
Nếu thấy tẩy có mùi quá nồng, chạm vào thấy dính dính tay, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tốt nhất nên loại bỏ. Hãy chọn các loại tẩy không mùi, ghi rõ tiêu chuẩn an toàn và được sản xuất bởi thương hiệu uy tín. Dù chỉ là một món đồ nhỏ nhưng lại tiếp xúc hằng ngày, vậy nên đừng chủ quan!
2. Bát giả sứ
Bát giả sứ được làm từ nhựa melamine, là món đồ quen thuộc trong nhiều gia đình vì tiện, nhẹ, khó vỡ và giá thành rẻ. Tuy nhiên, nếu sản xuất kém chất lượng hoặc sử dụng sai cách, loại bát này lại có thể trở thành "nguồn phát tán độc tố".
Khi dùng bát giả sứ để đựng thực phẩm nóng, đặc biệt là ở nhiệt độ cao (từ 70 đến 100°C), chất formaldehyde - loại hóa chất liên quan đến nguy cơ ung thư, có thể bị thôi ra từ lớp nhựa, từ đó ngấm vào thức ăn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, mức formaldehyde giải phóng trong tình huống này có thể vượt xa ngưỡng an toàn.
Do đó, chỉ nên dùng bát melamine đạt chuẩn, có nhãn mác rõ ràng. Tuyệt đối không dùng để đựng đồ ăn nóng, đồ chua hoặc dầu mỡ sôi. Với bát nhựa không rõ nguồn gốc, tốt nhất là nói không ngay từ đầu.
3. Hộp nhựa màu sặc sỡ
Hộp nhựa màu đỏ, xanh, cam đậm... trông đẹp mắt nhưng lại không thích hợp dùng trong lò vi sóng. Nhiều mẫu hộp nhựa giá rẻ được sản xuất từ nhựa tái chế, có thể chứa phẩm màu azo - loại hóa chất khi đun nóng sẽ phân hủy thành amin thơm. Đây là chất đã được xếp vào nhóm gây ung thư mạnh, đặc biệt nguy hiểm nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Lời khuyên là nên chọn hộp nhựa trong suốt, không màu, có ký hiệu PP (số 5) dưới đáy - là loại nhựa an toàn cho lò vi sóng.
4. Gấu bông và thú nhồi bông
Đừng để vẻ ngoài mềm mại đánh lừa bạn. Gấu bông dùng lâu có thể tích tụ hàng triệu con mạt bụi, là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và hen suyễn, nhất là đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra, nhiều loại còn chứa lượng formaldehyde tồn dư vượt chuẩn, đặc biệt là hàng giá rẻ, sản xuất không kiểm soát.
Để đảm bảo an toàn, nên giặt thú bông mỗi tuần với nước nóng từ 60 độ trở lên và phơi nắng ít nhất 4 tiếng. Nếu đã dùng hơn 3 năm, hãy cân nhắc bỏ đi để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Ngoài việc cảnh giác với những món đồ tiềm ẩn độc hại, nhiều thói quen tiết kiệm tưởng là vô hại lại chính là nguyên nhân âm thầm gây hại sức khỏe:
Dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng: Nhựa polyethylene khi gặp nhiệt cao dễ phân hủy, giải phóng ra các chất độc hại. Không chỉ mất vệ sinh, hành vi này còn có thể để lại hậu quả lâu dài cho gan và hệ thần kinh.
Cắt phần mốc rồi ăn tiếp ngũ cốc hoặc đậu phộng: Việc "cắt phần hỏng, ăn phần lành" chỉ hiệu quả với trái cây. Riêng đậu, ngũ cốc đã bị mốc thì dù nấu kỹ vẫn có nguy cơ chứa aflatoxin - độc tố có khả năng chịu nhiệt tới 280 độ, được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư hàng đầu.
Tái sử dụng chai nước ngọt để đựng dầu ăn: Chai PET vốn chỉ dành cho nước nguội, tuyệt đối không phù hợp với chất béo. Khi chứa dầu ăn trong thời gian dài, chai có thể giải phóng chất hóa dẻo độc hại, ảnh hưởng đến gan, nội tiết và cả khả năng sinh sản.