Đề xuất này nằm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng của bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT).
Cụ thể, ngoài hình thức tiếp nhận thông tin qua báo giấy, báo điện tử và trang tin truyền thống, người dùng Internet tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube... Đây là những kênh có độ phủ lớn, thông tin cập nhật nhanh chóng và có "độ mở" cao.
Các mạng xã hội đang trở thành nền tảng tiêu thụ thông tin phổ biến tại Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, các kênh thông tin này đã bắt đầu phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt là vấn nạn về tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, sự "đa năng" của những nền tảng này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề đối với công tác quản lý.
Do đó, trong dự thảo Nghị định, Bộ TT&TT đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, các nền tảng này phải yêu cầu các kênh, tài khoản tại Việt Nam có từ 10.000 thành viên, người đăng ký thông báo thông tin liên hệ với cơ quan quản lý. Chỉ các kênh, tài khoản đã thông báo mới được livestream và cung cấp các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Hiện tại, mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của Facebook, YouTube hay các mạng xã hội khác... đều có thể livestream và bật kiếm tiền, mà chưa cần tuân thủ quy định của nhà chức trách Việt Nam.
Livestream cũng trở thành một xu hướng cực kỳ khó kiểm soát
Tính đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động, nhưng số lượng nền tảng có từ 1.000.000 người sử dụng thường xuyên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người dùng hiện tại của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (Facebook có khoảng 65 triệu người dùng, YouTube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ thì các nền tảng xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định và bức xúc trong xã hội.
Ảnh: Internet