Nằm nép mình bên bờ sông Thu Bồn, chỉ cách trung tâm phố cổ Hội An (TP. Đà Nẵng) vài cây số, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ thế kỷ 16. Qua bao thăng trầm lịch sử, làng nghề vẫn giữ được hơi thở mộc mạc và tinh thần sáng tạo truyền thống. Những sản phẩm gốm Thanh Hà không cầu kỳ hoa mỹ mà nổi bật bởi sự giản dị, chắc tay và chân thật - cũng như con người nơi đây.
Làng gốm Thanh Hà, Hội An. Ảnh: Văn Nhất.
Gần đây, nhiều bạn trẻ tìm về Thanh Hà không chỉ để du lịch mà còn để tạm quên công nghệ, kết nối lại với thiên nhiên và chính mình. Những buổi chia sẻ làm gốm ngay tại các gia đình nghệ nhân trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua. Họ được hướng dẫn từ khâu lấy đất, nhào nặn, tạo hình, đến việc trang trí hoa văn và sấy khô.
“Lúc đầu mình chỉ nghe nói về làng gốm này qua bạn bè, nhưng khi đến nơi, mới cảm nhận được một không gian rất yên bình. Thực sự mình đã chậm lại để lần đầu tiên thử khả năng tạo ra những món đồ bằng đất sét kỷ niệm”, bạn Huỳnh Thị Nhã Linh - sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế - chia sẻ.
Nhã Linh đang trải nghiệm sống chậm ở gốm Thanh Hà. Ảnh: Văn Nhất.
Theo Nhã Linh, “nơi đây như một thế giới khác. Mọi thứ diễn ra chậm rãi và nhẹ nhàng".
“ Nơi đây như một thế giới khác . Mọi thứ diễn ra chậm rãi và nhẹ nhàng. Mình không thấy ai vội vã. Thay vì tiếng còi xe hay thông báo điện thoại, ở đây chỉ có tiếng gió, tiếng gà gáy, tiếng bàn xoay gốm rì rì. Cái cảm giác đó khiến mình nhận ra, hóa ra mình đã quen sống nhanh đến mức không kịp thở.
Lúc mình quay bàn xoay, tạo hình cho chiếc chén đầu tiên, đất ướt mềm, tay run, nhưng mình cứ tập trung vào cảm giác đó. Trong khoảnh khắc ấy, mọi thứ xung quanh như mờ đi, chỉ còn mình và khối đất chuyển động dưới tay. Mình cảm nhận từng nhịp tim, từng hơi thở - điều mà trước giờ ít khi để ý”, Nhã Linh cảm nhận.
Thành quả của Nhã Linh là một chiếc chén mang hình cờ đỏ sao vàng độc đáo. Ảnh: Văn Nhất.
Nghệ nhân Mỹ Linh - chủ tiệm gốm, người hướng dẫn du khách từng bước đầu tiên của việc làm gốm - bộc bạch: “Làng này đã mấy trăm năm làm gốm , nhưng có những thời gian như không còn nghề nữa. Từ năm 2001, khi đời sống, du lịch phát triển, khách tìm đến để trải nghiệm làm gốm nhiều, nên làng nghề sống lại. Không chỉ nhiều khách Tây, mà bây giờ rất nhiều các bạn trẻ từ các vùng miền trên cả nước tìm đến đây để trải nghiệm”.
Nhiều nghệ nhân trong làng cho biết, họ cảm động khi thấy những bạn trẻ từ thành phố về, cặm cụi nắn từng chiếc chén, cái bình, chụp ảnh nhưng không vội, mà thường dành thời gian để hiểu thêm về nghề, về làng.
Nghệ Nhân Mỹ Linh hướng dẫn cách chuốt gốm cho những bạn trẻ: Ảnh: Văn Nhất.
Nhiều bạn trẻ nước ngoài cũng đến đây tìm những phút giây sống chậm. Ảnh: Văn Nhất.
Trước xu hướng du lịch chậm đang ngày càng phổ biến, làng gốm Thanh Hà trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ vì cảnh sắc thanh bình mà còn nhờ tính tương tác cao. Du khách không chỉ đến “xem” mà còn đến để “làm”, để được trải nghiệm cảm giác trăm năm mộc mạc nơi đây.
Không gian yên tĩnh, tiếng gió lùa qua mái ngói, tiếng bàn xoay lặng lẽ... tất cả tạo nên một trường học không lời, nơi người trẻ học cách kiên nhẫn, yêu quý sự khéo léo và thấu hiểu giá trị của những điều giản dị .
Những em nhỏ nghịch màu trên gốm. Ảnh: Văn Nhất.
Làng gốm Thanh Hà không chỉ lưu giữ một nghề truyền thống 500 năm, mà còn là nơi giúp giới trẻ hiện đại sống chậm lại, trân trọng từng khoảnh khắc. Giữa một thế giới luôn bật chế độ nhanh, thì Thanh Hà - bằng sự im lặng của đất - lại dạy người ta biết lắng nghe những điều quan trọng nhất.