ĐSQ Việt Nam tại Campuchia cảnh báo về các đường dây lừa đảo, buôn người do người Trung Quốc cầm đầu

Bách Tùng, Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị 13:01 19/06/2021

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia hôm 10/6 đã đăng tải lên Facebook lời cảnh báo về vấn nạn lừa đảo, buôn bán người sang Campuchia.

Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Campuchia hôm 10/6 vừa đăng bài viết cảnh báo về tình trạng công dân Việt Nam bị lôi kéo hoặc bị lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp, với những lời mời chào hấp dẫn nhưng thường là lừa đảo về công việc trong các sòng bạc và cơ sở game online (trò chơi trực tuyến).

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đã đưa tin về lời cảnh báo của ĐSQ Việt Nam. Theo đó, ĐSQ đã tuyên truyền nhằm tăng nhận thức của người dân về nạn buôn người và đề nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình.

NHỮNG LỜI MỜI CHÀO VỀ "VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO" ĐẦY HẤP DẪN

Theo bài đăng của ĐSQ Việt Nam, gần đây trên mạng xuất hiện những lời mời chào về công việc đem lại thu nhập từ 800 đến 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, người dân cần hết sức cảnh giác vì đây thường là thủ đoạn lừa đảo của đường dây buôn người do người Trung Quốc cầm đầu và có sự tham gia của cả người Việt Nam, Campuchia.

"Theo đơn tố cáo, cầu cứu của các nạn nhân, chúng tôi được biết hoạt động lôi kéo, đưa người Việt sang Campuchia do số các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam, Campuchia.

Số này đã tổ chức thành các đường dây lôi kéo, đưa đón người, hoạt động rất tinh vi để tránh sự theo dõi, phát hiện của lực lượng chứng năng của Việt Nam và Campuchia" - theo bài viết của ĐSQ Việt Nam.

ĐSQ Việt Nam tại Campuchia cảnh báo về các đường dây lừa đảo, buôn người do người Trung Quốc cầm đầu - Ảnh 1.

Bài đăng của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cảnh báo về các đường dây lừa đảo, buôn bán người (Ảnh chụp màn hình)

Những bài quảng cáo về "việc nhẹ, lương cao" (800-1000 USD/tháng) tại Campuchia là mồi nhử của tội phạm để lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin.

ĐSQ Việt Nam tại Campuchia cho biết: "Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia.

Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài (tập trung nhiều ở tỉnh Sihanoukville). Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng.

Lúc này, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/1 ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ.

Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la (1.000-8.000 USD) mới được thả hoặc bị bán cho công ty khác."

Trong khi đó, các hoạt động cờ bạc trực tuyến đã bị cấm tại Campuchia kể từ năm 2019.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cũng từng bày tỏ quan ngại về nạn buôn người liên quan đến cờ bạc trực tuyến. Trong một tuyên bố hồi tháng 9/2020, ĐSQ Trung Quốc tại Campuchia đã cảnh báo rằng công dân Trung Quốc đang bị lừa sang Campuchia để làm các công việc trái phép.

MỌI NGƯỜI VÀ MỖI NGƯỜI CẦN CẢNH GIÁC

Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ và đề nghị cơ quan chức năng địa phương giải cứu, hỗ trợ nạn nhân về nước, tuy nhiên vấn nạn lừa đảo, buôn người vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Lời cảnh báo của ĐSQ Việt Nam tại Campuchia đã được đăng tải trên mạng xã hội nhân "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" 30/7/2021 sắp tới để nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam đề cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ bản thân và gia đình.

Theo đó, ĐSQ Việt Nam đã đưa ra 4 khuyến nghị như sau:

- Cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch…

- Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen.

- Hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người: hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức nhập xuất nhập cảnh bất hợp pháp, hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục, sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh…

- Hiểu rõ hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người: bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, bị bóc lột tình dục, nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền qua đường tình dục, bị sang chấn tâm lý, bị giam giữ trái phép, bị bắt làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình…

ĐSQ Việt Nam tại Campuchia cảnh báo về các đường dây lừa đảo, buôn người do người Trung Quốc cầm đầu - Ảnh 2.

Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: + 855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân +84-981 84 84 84.

ĐẠI DỊCH TẠO ĐIỀU KIỆN CHO TỘI PHẠM LỘNG HÀNH

Theo SCMP, tình trạng khủng hoảng do đại dịch đã tạo điều kiện cho tội phạm lộng hành khi những người lao động liều lĩnh trở thành "con mồi" béo bở của chúng.

Bà Kristin Parco, trưởng phái bộ của Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Campuchia, cho biết tình trạng giảm lương, mất việc làm và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào internet, cùng các tác động khác của đại dịch đã tạo ra "mảnh đất tuyển người béo bở cho những kẻ buôn người".

Bà Parco cho hay: "COVID-19 đã tạo ra các lỗ hổng mới, đồng thời làm trầm trọng thêm các lỗ hổng hiện có và gia tăng rủi ro người lao động và các cộng đồng bị các đường dây buôn người lợi dụng.

Những kẻ buôn người đã thay đổi cách hoạt động và khai thác các công nghệ truyền thông hiện đại. Nạn buôn người trực tuyến đã gia tăng đột biến kể từ khi đại dịch bùng phát trong khu vực".

Theo SCMP, ĐSQ Việt Nam tại Campuchia