Đóng 500k/tháng tiền ăn, biếu bố mẹ 400k: Dân mạng sốc với tâm sự của cô vợ sống cùng nhà chồng!

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 14:18 13/07/2025
Chia sẻ

Nhiều người cho rằng khó có thể cảm thông với những con số mà nàng dâu này chia sẻ.

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm - kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một cô vợ đang sống cùng bố mẹ chồng và ông bà nội của chồng, khiến cõi mạng xôn xao. Nhiều người đọc xong chỉ biết... "câm nín" vì chưa bao giờ thấy nàng dâu nào chi ly với nhà chồng đến vậy.

Thu nhập 24 triệu/tháng đóng 500k tiền ăn vẫn băn khoăn "có giảm được nữa không?"

Nguyên văn chia sẻ của nàng dâu này như sau: "Em mới lấy chồng 1 tháng và cũng mới chuyển nhà về ở chung cùng bố mẹ chồng và ông bà nội. Lương em 11 triệu, lương chồng 13 triệu. Hàng tháng em gửi tiền bố mẹ chồng như sau:

Đóng 500k/tháng tiền ăn, biếu bố mẹ 400k: Dân mạng sốc với tâm sự của cô vợ sống cùng nhà chồng!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- Tiền ăn: 500k vì vợ chồng em đi làm ở khu công nghiệp, hầu như không ăn ở nhà. Hay tăng ca nữa nên cũng ăn ngoài bữa tối, về nhà chỉ tắm rồi đi ngủ.

- Tiền điện, nước: 500k cũng vì bọn em rất ít ở nhà.

- Tiền biếu bố, mẹ và ông bà: Mẹ chồng 200k, bố chồng 200k, ông bà mỗi người 100k. 

- Tổng cộng là 1,6 triệu.

Em mới làm dâu nên cũng chưa biết nền nếp sinh hoạt hay thói quen của nhà chồng ra sao, mong mọi người xem em góp với bố mẹ như vậy đã đủ chưa, có còn vén được khoản nào không ạ".

Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều không thể đồng tình với những gạch đầu dòng mà nàng dâu này liệt kê. Tiền nong chỉ là 1 phần, nhiều người còn khẳng định thu nhập của vợ chồng là 24 triệu/tháng mà đóng góp như vậy thì rõ ràng là không tôn trọng bố mẹ, ông bà, chẳng khác nào coi gia đình... như nhà trọ!

"Nói thật mùa hè thì riêng cái tiền điện đã 500k rồi. Ở cùng bố mẹ mà đóng góp chi ly từng đồng như vậy thì quá chán, không biết phải nói gì. Thà là lương thấp thì còn tạm cảm thông được, đằng này cũng 24 triệu/tháng mà trời?" - Một người khá bức xúc.

"Sợ ghê ở nhà bố mẹ mà đóng góp cỡ này, vợ chồng bạn không nghĩ đến việc mình làm con, mình cũng nên chăm sóc, báo hiếu bố mẹ, ông bà à? Không biết chồng bạn có đồng tình với mấy cái khoản tủn mủn kia không, chứ nếu có thì thực sự là cạn lời đấy" - Một người bày tỏ.

"Chi ly thế kia rồi mà vẫn còn hỏi có cắt được khoản nào không á? Bạn nói đùa thôi đúng không?" - Một người thảng thốt.

Tiền chưa bao giờ là vấn đề quan trọng nhất khi sống chung với bố mẹ!

Thực tế, sống chung với bố mẹ chồng luôn là bài toán không dễ giải, đặc biệt là khi liên quan đến chuyện tiền bạc - vấn đề dễ nhạy cảm và gây va chạm nhất trong đời sống gia đình nhiều thế hệ. 

Đóng 500k/tháng tiền ăn, biếu bố mẹ 400k: Dân mạng sốc với tâm sự của cô vợ sống cùng nhà chồng!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Với không ít cặp vợ chồng trẻ, việc góp tiền sinh hoạt là điều đương nhiên khi sống cùng bố mẹ nhưng góp bao nhiêu là đủ, góp như thế nào là hợp lý thì không phải ai cũng biết.

Thực tế, câu hỏi này gần như không có một đáp án chính xác, phù hợp tuyệt đối cho tất cả mọi người vì mỗi nhà một nếp. Vấn đề quan trọng hơn cả con số, chính là thái độ.

Trong một gia đình nhiều thế hệ, việc đóng góp tài chính không chỉ đơn giản là “chia phần” như tính tiền phòng trọ hay trả góp theo phần trăm thu nhập. Nó còn bao hàm cả sự thấu hiểu, sự chủ động sẻ chia và cả sự tinh tế khi bước vào một nếp sống đã định hình từ trước. 

Không ít người từng sống chung với nhà chồng thừa nhận rằng, cách để giữ mối quan hệ tốt với bố mẹ chồng không nằm ở chuyện đưa nhiều hay ít, mà là ở thái độ. Có người thu nhập cũng chỉ 15-16 triệu/tháng/2 người nhưng chủ động xin góp 3-4 triệu/tháng tiền sinh hoạt, không liệt kê thành từng hạng mục mà đưa gọn một lần như một sự thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng và sẵn lòng cùng gánh vác. 

Có người thậm chí không đưa tiền mặt mà thay vào đó là chủ động mua đồ ăn, sắm sửa vật dụng trong nhà, hoặc đảm nhận luôn phần chợ búa, nấu nướng mỗi tuần. 

Tất cả những điều ấy, nếu nhìn bằng con số thì chẳng lớn lao gì, nhưng nó thể hiện một thứ quan trọng hơn cả tiền: Sự chăm sóc, tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít trường hợp các cặp vợ chồng trẻ rơi vào cảnh khó xử vì góp quá nhiều nhưng không được ghi nhận, hoặc bị kỳ vọng vô lý từ phía bố mẹ chồng. Thế nên, sự hợp lý trong chuyện đóng góp tài chính không chỉ là con số phù hợp với khả năng chi trả, mà còn phải dựa trên sự minh bạch, thống nhất. 

Có những gia đình rất rõ ràng: Ở chung thì mỗi tháng góp 3-5 triệu/người, không phân biệt con ruột hay con dâu, con rể. Có gia đình lại thoải mái hơn, không yêu cầu đóng góp cụ thể nhưng mong muốn con cái chủ động chia sẻ về thu nhập để... bố mẹ yên tâm thôi!

Thế nên dù sống chung với bố mẹ chồng hay với bố mẹ đẻ, dù thu nhập cao hay thấp, cũng phải nhớ: Mỗi lựa chọn đóng góp, dù là một khoản tiền, một bữa cơm,... đều có thể trở thành sợi dây giữ cho các mối quan hệ trong nhà được êm ấm. Và khi đó, không ai còn cần phải đặt câu hỏi “đã đủ chưa, có thể bớt được không?”, bởi chính cách sống của bạn sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày