Nếu vẫn chưa hình dung được thế nào gọi là “tuổi trẻ tài cao” hoặc “người giàu vượt sướng”, thì tâm sự của cặp vợ chồng 25 tuổi này sẽ giúp bạn xóa tan cảm giác mông lung ấy. Họ không chỉ lớn lên với nền tảng tài chính ổn định của gia đình, mà còn có tinh thần tự lập, không muốn ỷ lại vào tiền bạc lẫn tài sản của cha mẹ.
Tổng tài sản hiện có của cặp vợ chồng này có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: 1 căn chung cư 3 phòng ngủ được bố mẹ mua cho cùng 4,5 cây vàng, 200 triệu trong thị trường chứng khoán sinh lời đều đặn, 700 triệu tiền mặt gửi tiết kiệm và 1 ô tô giá trị ước tính khoảng 400 triệu.
Ảnh minh họa
“Về thu nhập hiện tại của bọn em thì trung bình khoảng 80-130 triệu/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, chi tiêu cơ bản thì dư tầm 100 triệu/tháng.
Căn chung cư thì bố mẹ em cho vợ chồng em đứng tên rồi, bọn em cũng không có ý định bán vì vẫn coi đây là tài sản của bố mẹ để lại cho mình. Gia đình 2 bên tài chính đều ổn, bố mẹ vẫn khỏe và vẫn còn đang kiếm tiền tốt, nhưng vợ chồng em đã thống nhất là phải tự làm, tự ổn định cuộc sống chứ không ỷ lại quá vào gia đình, nên vàng bọn em giữ như tài sản dự phòng lâu dài.
Còn phần tiền trong chứng khoán với tiền tiết kiệm thì em đang băn khoăn 3 hướng:
- 1 là rút ra mua ô tô hơn 1 tỷ, nghe hơi buồn cười nhưng thực ra đây là mong muốn của vợ chồng em từ ngày xưa.
- 2 là vay thêm ngân hàng mua căn chung cư tầm 3-4 tỷ để ở, còn căn 3 phòng ngủ bố mẹ cho thì để cho thuê lấy dòng tiền.
- 3 là kinh doanh nhưng thực ra em cũng chưa tự tin lắm.
Mong anh chị cho em lời khuyên ạ” - Cô vợ viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đồng tình dành lời khen cho vợ chồng này. Không thể phủ nhận họ may mắn hơn nhiều người vì có nhà, có nền tảng tài chính gia đình tốt nhưng nếu không tự thân cố gắng, cũng khó mà được như bây giờ.
“45 tuổi đọc bài này mà vừa thấy nể vừa thấy buồn cho mình. Mình cũng được bố mẹ mua nhà cho nhưng tài sản riêng thì chưa bằng 1 nửa của 2 bạn. Cá nhân mình nghĩ thì nên mua chung cư tạo dòng tiền thụ động ổn định vì ô tô là tiêu sản, còn kinh doanh bây giờ cũng rủi ro lắm” - Một người bày tỏ.
“Mình thì lại vote nên mua xe. Ô tô thì rõ là tiêu sản nhưng nó chỉ không nên với người chưa có tài sản gì khác, và thu nhập chưa ổn định thôi. Chứ nhà bạn tài chính ổn, dự phòng ổn, tài sản cũng có, lại còn trẻ thì thực hiện đam mê mua ô tô từ xưa cũng chẳng sao, coi như có thêm động lực cày cuốc” - Một người khác cho hay.
Câu trả lời rất đơn giản: Đa dạng danh mục tiết kiệm. Nếu đầu tư cần tránh "bỏ tất cả trứng vào một giỏ” thì tiết kiệm cũng vậy. Đa dạng hóa danh mục tiết kiệm và tích sản là một nguyên tắc vàng giúp chúng ta an tâm trước những biến động không báo trước của cuộc sống.
Ảnh minh họa
Vậy đa dạng hóa danh mục tiết kiệm và tích sản nghĩa là gì? Đơn giản là phân bổ nguồn vốn của bạn vào nhiều loại hình tài sản khác nhau, với mức độ rủi ro và tiềm năng sinh lời khác nhau.
Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của việc đa dạng hóa danh mục tiết kiệm - tích sản là giảm thiểu rủi ro. Vì không có 1 kênh nào hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro thị trường. Một biến động tiêu cực ở một thị trường cụ thể có thể gây ra tổn thất đáng kể, nếu toàn bộ tiền bạc của bạn tập trung ở đó. Khi bạn phân tán vốn, sự sụt giảm ở một loại tài sản có thể được bù đắp bởi sự tăng trưởng hoặc sự ổn định của các loại tài sản khác. Điều này giúp bảo toàn vốn và giảm thiểu biến động chung của toàn bộ danh mục.
Lợi ích thứ hai của việc đa dạng hóa danh mục tiết kiệm - tích sản là tối ưu hóa khả năng sinh lời. Các loại tài sản khác nhau thường có chu kỳ tăng trưởng khác nhau. Trong khi một kênh có thể đang trì trệ, một kênh khác có thể đang mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Bằng cách phân bổ tiền vào đa dạng kênh, bạn có cơ hội nắm bắt được các cơ hội tăng trưởng khác nhau, từ đó tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng cho toàn bộ danh mục của mình.
Lợi ích thứ ba của đa dạng hóa danh mục tiết kiệm - tích sản là mang lại sự linh hoạt. Mỗi loại hình tiết kiệm và tích sản có những đặc điểm riêng về tính thanh khoản, thời gian đáo hạn, và mức độ rủi ro. Việc sở hữu một danh mục đa dạng cho phép bạn dễ dàng điều chỉnh chiến lược tài chính cá nhân của mình khi cần thiết. Ví dụ, nếu bạn cần một khoản tiền mặt gấp, bạn có thể rút từ các khoản tiết kiệm ngắn hạn mà không ảnh hưởng đến các khoản dài hạn khác.